Những sự kiện Văn hóa văn nghệ 2005

Những sự kiện Văn hóa văn nghệ 2005
Đây là những sự kiện văn hóa văn nghệ, được xét trên hai khía cạnh - tiêu biểu và gây thất vọng. Bình chọn của phóng viên văn hóa văn nghệ 30 báo Trung ương và Hà Nội.

1. Các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng ngày lễ lớn của đất nước: Kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng, 60 năm thành lập nước CHXHCNVN,  30 năm giải phóng miền Nam và một số ngày lễ lớn khác.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

3. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể thế giới.

4. Hai cuốn nhật ký thời chiến: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và “Mãi mãi tuổi 20” thông qua sự tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng, đã làm bùng lên phong trào tìm hiểu truyền thống yêu nước và lẽ sống của tuổi trẻ. Qua đó trở thành hiện tượng văn hóa đọc (lập kỷ lục phát hành cao nhất 20 năm qua).

5. Những bước tiến mới trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, như: Luật Xuất bản có hiệu lực cho phép tư nhân tham gia rộng rãi vào các khâu trong lĩnh vực xuất bản; phê duyệt Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010.

Theo đó chỉ duy trì  các đoàn nghệ thuật truyền thống và tiêu biểu, các địa phương có nhiều đoàn nghệ thuật công lập phải chuyển đổi thành đoàn ngoài công lập hoặc sáp nhập các đoàn; bãi bỏ cơ chế bao cấp trong điện ảnh qua thực hiện đấu thầu dự án làm phim; truyền hình quy định giờ vàng bắt tay với tư nhân làm phim phát sóng...

6. Chính phủ tiếp tục ban hành những văn bản nhằm xây dựng nếp sống văn minh, như Chỉ thị chấn chỉnh tiêu cực trong quán bar, nhà hàng, karaoke, vũ trường; Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội...

7. Các sự kiện văn học nghệ thuật diễn ra 5 năm/lần  (Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Hội diễn Chèo, Hội diễn Tuồng, Hội diễn Cải lương, Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc v.v...) đã thúc đẩy những hoạt động sáng tác và biểu diễn sâu rộng, tuy nhiên kết quả thu được chưa cao.

8. Đời sống văn học trong nước có dấu hiệu nhộn nhịp trở lại với sự xuất hiện của một số tác giả và tác phẩm mới gây chú ý, nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, một loạt cuộc thi và hoạt động xuất bản văn học lôi cuốn sự quan tâm của công chúng. 

9. Tròn 10 năm tuổi, Bảo tàng Dân tộc học VN trở thành điểm sáng trong hệ thống bảo tàng quốc gia với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú và  hiệu quả.

Các sự kiện, vụ việc gây thất vọng

1. Trò chơi trực tuyến game online gây bức xúc trong xã hội, nhưng cơ quan chức năng chậm trễ trong việc đề ra biện pháp xử lý và quản lý dịch vụ này.

2. Một số lễ hội, kỷ niệm nặng tính phô trương, hình thức, gây lãng phí, tốn kém.

3. Những bất cập trong chuyển đổi cơ chế xuất bản lịch block (từ quản lý thống nhất sang cơ chế mạnh ai nấy làm) dẫn tới cuộc chiến lịch block giữa các nhà xuất bản.

4. Nhiều vấn đề nổi cộm trong ứng xử với di tích, như: Dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, đặt Nhà máy xử lý rác thải cạnh chùa Hương, bê tông hoá bãi đá cổ Sa Pa, dự định phá các cổng thành Sơn Tây để xây lại...

Chậm trễ trong việc lo kinh phí khai quật thủy điện Plei Krông khiến các di chỉ bị tác động mạnh khi ngập nước; thiếu chuẩn bị hồ sơ khoa học khi phục hồi đền Cẩu Nhi (thờ Chó trên hồ Trúc Bạch) dẫn đến những cuộc tranh cãi gay gắt trong dư luận.

5. Liên tiếp xảy ra những vụ ăn cắp bản quyền: Tranh “Bình minh trên công trường” của Lương Văn Trung (HCĐ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc) ăn cắp tranh của họa sỹ Nga Cuznhexov.

Truyện ngắn “Máu của lá” (Phạm Minh Phong) đăng trên báo Văn Nghệ “đạo” truyện ngắn cùng tên của Võ Thị Hảo;

Bức tranh cổ động đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác tranh cổ động của Bộ VH-TT đã “sao chép” nguyên xi từ bức ảnh “Nụ hôn của gió”  của nhà nhiếp ảnh Trần Thế Long;

Tượng đài “Công nhân Việt Nam” (Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội) nhang nhác tượng đài đặt trước Nhà tưởng niệm Mao Chủ tịch, Trung Quốc…

6. Những sai sót, yếu kém trong dịch thuật mà điển hình là cuốn “Mật mã Da Vinci”, khiến một số báo phải nói tới một “thảm họa dịch thuật”.

MỚI - NÓNG
Thấy gì từ việc khối ngoại đua bán ròng?
Thấy gì từ việc khối ngoại đua bán ròng?
TPO - Chỉ trong 5 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 36.000 tỷ đồng, lớn hơn giá trị bán ròng của cả năm 2023. Theo chuyên gia, động thái từ khối ngoại phần nào tác động tâm lý nhà đầu tư trong nước, ảnh hưởng thị trường không quá lớn do tỷ trọng vốn hóa, thanh khoản hạn chế.