Những phút cuối của Casa-212

Đồng đội chúc mừng đại tá Lê Kiêm Toàn và thượng tá Nguyễn Đức Hảo (hai người cầm hoa) trở về đơn vị sau khi thực hiện nhiệm vụ bay chuyển sân hạ cánh ở Trường Sa trên một chiếc Casa-212, đầu tháng 6/2016.
Đồng đội chúc mừng đại tá Lê Kiêm Toàn và thượng tá Nguyễn Đức Hảo (hai người cầm hoa) trở về đơn vị sau khi thực hiện nhiệm vụ bay chuyển sân hạ cánh ở Trường Sa trên một chiếc Casa-212, đầu tháng 6/2016.
TP - 8983 tính toán thời gian hoạt động trong khu vực còn bao lâu? Thời gian hoạt động trong khu vực còn 30 phút- Đó là khẩu lệnh cuối cùng giữa máy bay làm nhiệm vụ chuyển tiếp chỉ huy trên không AN-26 số hiệu 280 với phi cơ tuần thám Casa-212 số hiệu 8983, vào lúc 12 giờ 27 phút ngày 16/6.   

Từ giây phút đó đến nay những đồng đội của 9 người lính quả cảm ở Lữ đoàn Không quân Vận tải 918 vẫn đang đợi các anh về.

Chuyến bay không quên

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với các đồng đội của 9 người lính trên chuyến bay tham gia tìm kiếm thượng tá phi công Trần Quang Khải, (anh Khải đã hy sinh khi tham gia bay huấn luyện trên chiếc SU30-MK2 số hiệu 8585, ngày 14/6, do máy bay gặp sự cố bất ngờ) đã tái hiện lại những diễn tiến khó quên trong buổi sáng định mệnh đó.

Chỉ huy bay tại Đài chỉ huy K4 của đơn vị hôm 16/6, đại tá Chu Văn Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Quân huấn Lữ đoàn 918 nhớ lại: Nhận lệnh trên, tổ bay trên chiếc Casa-212 số hiệu 8983 do đích thân Lữ đoàn trưởng, đại tá phi công Lê Kiêm Toàn lái chính cất cánh từ đường băng sân bay Gia Lâm vào lúc 9h10 tới khu vực tìm kiếm phi công Trần Quang Khải.

Cùng tham gia tìm kiếm với tổ bay Casa-212, còn có 5 tổ bay khác gồm hai chiếc DHC-6 của Không quân Hải quân, một chiếc Mi171 của Sư đoàn Không quân 371 và hai chiếc AN-26 của Lữ đoàn 918. 

Sau khi các tổ bay xuất phát làm nhiệm vụ, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) lệnh cho một máy bay AN-26 mang số hiệu 280 của Lữ đoàn 918 tiếp tục cất cánh, làm nhiệm vụ chuyển tiếp chỉ huy trên không giữa các máy bay tham gia tìm kiếm trong khu vực và Sở chỉ huy Quân chủng.

Hơn ba tiếng quần thảo trên biển tìm kiếm dấu vết phi công Trần Quang Khải theo các tọa độ khác nhau, lúc này, hai chiếc Casa-212 số hiệu 8983 và DHC-6 số hiệu 771 cùng hoạt động trên một tọa độ, nhưng ở độ cao khác nhau. Trong khi DHC-6 bay ở độ cao 500m thì Casa-212 bay ở độ cao 150m để quan sát mục tiêu. 

Đến 12 giờ 27 phút, qua đối không, AN-26 số hiệu 280 truyền khẩu lệnh: 8983 tính toán thời gian hoạt động trong khu vực còn bao lâu?, thiếu tá Nguyễn Văn Chính, Chính trị viên phi đội, Phi công cấp 3 đang tham gia tổ bay trên Casa-212 trả lời: Thời gian hoạt động trong khu vực còn 30 phút. Cũng trong khoảng thời gian này, tổ bay DHC-6 số hiệu 771 báo về cho biết đang quan sát mục tiêu. Sau đó, AN-26 số hiệu 280 tiếp tục truyền đạt lệnh của Sở chỉ huy cho hai tổ bay tiếp tục quan sát mục tiêu và phân cách độ cao bay trong khu vực.

“Từ thời điểm 12h31, chỉ thấy tín hiệu báo về từ chiếc DHC-6 số hiệu 771. Sau phút thứ 32, AN-26 số hiệu 280 truyền đi khẩu lệnh: 771 liên lạc gọi 8983 và quan sát giúp ở trên khu vực. Nhưng 771 cho biết không nhận thấy tín hiệu của 8983 ở trên màn hình. Tôi nhận định sự cố mất tín hiệu xảy ra trong khoảng thời gian từ phút 27 đến phút 30”, đại tá Chu Văn Hải nói.

Sự cố không báo trước

Đại tá Trần Văn Hòa (Chính ủy Lữ đoàn) và trung tá phi công cấp 1 Lê Quang Hòa (Phó Phi đội trưởng Phi đội Casa-212) cho biết, công tác an toàn bay luôn được Lữ đoàn trưởng Lê Kiêm Toàn coi trọng đặc biệt. Đã không ít lần đi cứu hộ cứu nạn và ngay trước chuyến bay sáng 16/6, đại tá Toàn còn dặn anh em ở nhà: “Tìm kiếm đồng đội là nghĩa vụ, trách nhiệm, tình cảm nhưng an toàn cho anh em trong tổ bay phải đặt lên hàng đầu”.

Nhắc đến Lữ đoàn trưởng Lê Kiêm Toàn và các thành viên tổ bay gặp nạn hôm đó, âm điệu trong câu chuyện chùng xuống. Tất cả họ dường như vẫn không tin là sự cố đã xảy đến với đồng đội mình, bởi Casa-212 là dòng máy bay đa năng, có nhiều tính năng vượt trội, đặc biệt hữu dụng khi tuần tra, tuần thám biển. 

Trong khi đó, đại tá Toàn là một phi công lão luyện với hơn 2.000 giờ bay trên nhiều loại máy bay như L-39, MIG21, AN-26, Casa-212 trong đó riêng dòng Casa-212 anh đã có xấp xỉ 500 giờ bay. Không chỉ là phi công lái chính 4 khí tượng cả ngày lẫn đêm, đại tá Toàn còn là thầy dạy của nhiều thế hệ phi công trong đơn vị.

Chính Lữ đoàn trưởng Lê Kiêm Toàn đã thực hiện bay trong chiến dịch tìm kiếm máy bay MH 370 của Malaysia (3/2014) - đây cũng là trận thử lửa đầu tiên của dòng máy bay Casa-212 của Việt Nam; bay thông báo bão, bay trinh sát, tuần thám biển; bay hạ cánh các sân bay ven đảo, trên đảo. 

Tháng 4/2016, anh đã thực hiện thành công bay nhà giàn DK1, bay Trường Sa và mới đây nhất là bay chuyển sân hạ cánh ở Trường Sa vào ngày 2/6, góp phần đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của những người lính ở Lữ đoàn Không quân Vận tải 918.

Theo đại tá Chu Văn Hải, với lượng dầu chuyên dụng 1.700kg, dòng máy bay Casa-212 có thời gian hoạt động tới 5 giờ 30 phút, trong khi tổ bay hôm đó mới hoạt động được 3 giờ 17 phút. 

Đại tá Hải cũng nhận định có thể do một sự cố kỹ thuật bất thường, hay thời tiết đột ngột thay đổi dẫn đến tai nạn, tuy nhiên để xác định chính xác nguyên nhân thì phải tìm được hộp đen của máy bay để cơ quan chuyên ngành phân tích.

Hy vọng và sẵn sàng

Ở Lữ đoàn Không quân Vận tải 918, Quân chủng PK-KQ những ngày này, vẫn duy trì nghiêm nếp sinh hoạt nhà binh, từ anh chiến sĩ đến người chỉ huy. Nhưng trong sự nghiêm ngắn ấy, vẫn không khó để nhận ra nét ưu tư trên khuôn mặt mỗi người lính ở đây, bởi họ cùng chung một nỗi buồn khi đồng đội mình chưa quay về như đã hẹn.

Đại tá Hải hồi tưởng lại: Chiều 15/6, thấy anh em tổ bay vất vả sau hai ngày thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm phi công Trần Quang Khải trên biển, anh Toàn nói: “Thôi để mai anh bay một chuyến, cho anh em được giữ sức nghỉ ngơi một ngày để ngày kia còn bay, vì đây là nhiệm vụ sẽ kéo dài”.

Những phút cuối của Casa-212 ảnh 1

Thiếu tá Nguyễn Văn Chính (bên phải) và trung úy QNCN Lê Đức Lam tâm sự với nhau chuyện gia đình trong một chuyến bay vào tháng 12/2014.

Trầm ngâm hồi lâu, anh Hải khẽ nói: “Với không quân chúng tôi, lo nhất là mất liên lạc với đồng đội đang bay làm nhiệm vụ. Tại thời điểm đó, dù có linh cảm về tình huống xấu nhất nhưng chúng tôi vẫn hy vọng là tổ bay đang chăm chú quan sát tìm kiếm nên không trả lời. Tôi cứ tự nhủ rằng tổ bay sắp gọi lại bất cứ lúc nào, và điều đó khiến chúng tôi tăng thêm hy vọng…”.

“Chúng tôi rất buồn, nhưng vẫn mong một điều nhiệm màu sẽ đến với đồng đội của mình đang đâu đó trên biển khơi. Dù điều gì xảy ra chăng nữa, chúng tôi vẫn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ ngay lúc này”, trung tá Lê Quang Hòa khẳng định.

Tiếp mạch câu chuyện, trung tá Lê Quang Hòa nhớ lại những kỷ niệm về 9 đồng đội bị nạn trên máy bay Casa-212 số hiệu 8983. Đó là lần tham gia tổ bay cùng Lữ đoàn trưởng Lê Kiêm Toàn và Chính trị viên phi đội Nguyễn Văn Chính đi tìm kiếm cứu hộ máy bay MH 370, khi đó đại tá Toàn và trung tá Hòa thay nhau lái chính với sự ăn ý cao độ, dù trung tá Hòa chưa từng bay xa và chuyển nhiều sân bay như vậy. Hay như quãng thời gian cùng đại tá Toàn và ba nhân viên tuần thám trên không Lê Văn Đình, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Bá Thế sang Thụy Điển học tập, huấn luyện bay trên khu vực biển Baltic giá lạnh…

Trao đổi với chúng tôi, Chính ủy Lữ đoàn Trần Văn Hòa cho biết, sau khi xảy ra sự cố, tối 16/6, theo chỉ đạo của Quân chủng, các tổ công tác đã tới các gia đình làm công tác tư tưởng, động viên mọi người yên tâm đợi các lực lượng tiến hành công tác cứu hộ. 

Trước mắt, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng PK-KQ đã hỗ trợ mỗi gia đình quân nhân gặp nạn số tiền hơn 100 triệu đồng. Ngoài việc tổ chức các đoàn công tác tới thăm hỏi, động viên các gia đình quân nhân gặp nạn, Lữ đoàn cũng tiến hành công tác ổn định tư tưởng cán bộ, chiến sĩ để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ trên giao.

Ngày 19/6, các lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tiếp tục được tăng cường phương tiện và tập trung cao độ để tìm kiếm trên cả hai khu vực máy bay Casa-212 và máy bay SU30-MK2. Trong ngày 19/6, Bộ Quốc phòng tiếp tục có điện chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giao cho Biên phòng tỉnh Nghệ An và Quảng Ngãi khảo sát xây dựng phương án tìm kiếm trục vớt máy bay SU30-MK2 và Casa-212.

Các quân nhân trên máy bay Casa-212 số hiệu 8983 gặp nạn ngày 16/6 gồm: đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng; thượng tá Nguyễn Đức Hảo, Phi đội trưởng; thiếu tá Nguyễn Văn Chính, Chính trị viên phi đội; thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu, phi công kiêm dẫn đường; đại úy Lê Văn Đình, nhân viên tuần thám trên không; thượng úy Đỗ Văn Mạnh, Phó Đại đội trưởng kỹ thuật hàng không; trung úy QNCN Lê Đức Lam, Cơ giới trên không; trung úy QNCN Nguyễn Văn Thái, nhân viên tuần thám trên không; trung úy QNCN Nguyễn Bá Thế, nhân viên tuần thám trên không.

MỚI - NÓNG