Những phim Việt bị 'xóa sổ'

Những phim Việt bị 'xóa sổ'
Không ít tác phẩm điện ảnh Việt Nam bị Hội đồng thẩm định 'xóa sổ' vì vi phạm Luật Điện ảnh.

Đầu tháng 2/2013, những thông tin đầu tiên về nội dung phim Bụi đời Chợ Lớn được tung ra. Đây là bộ phim hành động do đạo diễn Charlie Nguyễn dàn dựng cùng Johnny Trí Nguyễn, chuyển thể từ kịch bản gốc của Charlie Nguyễn. Mong muốn của những người thực hiện là tái hiện góc khuất về thân phận của con người trong cuộc chiến giành địa phận, tình yêu giữa các băng nhóm xã hội đen cũng như cuộc sống Sài Gòn - Chợ Lớn một cách sống động trên màn ảnh rộng. Vào thời điểm hé lộ nội dung phim, nhà phát hành Galaxy Studio đã cho biết lịch chiếu là vào ngày 19/4/2013.

Một cảnh trong
Một cảnh trong "Bụi đời Chợ Lớn".

Tuy vậy, sau hàng loạt thông tin quảng bá gây chú ý, đến đầu tháng 4, phim bị hoãn chiếu vì bị Hội đồng Trung ương Thẩm định Phim truyện (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) yêu cầu chỉnh sửa vì phim quá bạo lực.

Sau nhiều tranh cãi về việc hoãn chiếu và kiểm duyệt nội dung phim, đến ngày 6/6, Cục Điện ảnh chính thức thông báo bằng văn bản đến nhà sản xuất bộ phim, yêu cầu không cho phép phổ biến Bụi đời Chợ Lớn dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như không để lọt bộ phim này ra thị trường.

"Bẫy cấp 3" (đạo diễn Lê Văn Kiệt)

Tháng 4/2012, bộ phim kinh dị dành cho tuổi teen của đạo diễn Lê Văn Kiệt được thông báo sẽ ra rạp trong nước vào tháng 5.

Tuy vậy, đến đầu tháng 5/2012 , MegaStar - đơn vị phát hành của phim Bẫy cấp 3 - nhận được quyết định của Cục Điện ảnh về việc cấm chiếu bộ phim này với lý do phim bạo lực và "mô tả rất thô thiển khát khao chuyện 'giường chiếu' của tuổi teen". Nội dung phim này nói về sự thù hận của một nam sinh (do cha mẹ lạnh nhạt, bạn bè coi thường) đã ra tay giết người dã man. Trong chuyến đi chơi với bốn bạn cùng lớp, cậu ta sắp đặt một chuỗi “bẫy” để lần lượt giết chết những người bạn cùng đi và cả người vô tội khác.

Những phim Việt bị 'xóa sổ' ảnh 2
"Bẫy cấp 3" không được phát hành, phổ biến dưới mọi hình thức. Ảnh: Coco Paris.

Theo khảo sát của báo VnExpress, lượng khán giả ủng hộ quyết định của Cục Điện ảnh lớn hơn số người phản đối. Trong số gần 9.500 lượt trả lời trong hai ngày 9-10/5/2012, có 59% độc giả tán thành quyết định của các nhà quản lý.

"Khi tôi 20" (phim ngắn, đạo diễn Phan Đăng Di)

Tác phẩm của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di kể lại một chuyện tình của một đôi trai gái. Dù yêu nhau, chàng trai đành phải để cho nguời yêu hành nghề mại dâm để có thể nuôi sống bản thân cùng người bà đau yếu.

Năm 2008, Cục Điện ảnh sau khi kiểm duyệt đã ra quyết định không để phim của đạo diễn Phan Đăng Di phổ biến trong nước cũng như tham dự Liên hoan phim Venice.

"Xích lô" (đạo diễn Trần Anh Hùng)

Bộ phim điện ảnh của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng lấy bối cảnh chủ yếu ở TP HCM. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên chủ yếu là người Việt, ngoài ra còn có ngôi sao điện ảnh Hong Kong Lương Triều Vĩ. Phim đã đoạt giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venice năm 1995. Bộ phim khắc họa cuộc sống của người lao động nghèo ở thành phố trong bối cảnh những năm 1990.

Năm 1995, phim bị cấm chiếu tại Việt Nam. Thời điểm đó, việc phim bị cấm đã gây nên nhiều phản ứng trong nội bộ giới chuyên môn điện ảnh.

Trải qua 18 năm, đến nay, không ít người cho trong giới cho rằng trường hợp "Xích lô" là "án oan" đối với một tài năng điện ảnh như Trần Anh Hùng.

Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh

(Điều 9, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh số 31/2009/QH12)

1. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết phỉ báng, xúc phạm quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, giá trị biểu trưng dân tộc, đất nước; miệt thị dân tộc, tôn giáo.

2. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, khuyến khích tội ác, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án cái ác gắn với nội dung phim.

3. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết mang tính khiêu dâm, đồi trụy, loạn dâm, loạn luân trái với thuần phong mỹ tục.

4. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện sự dung thứ hoặc đồng tình với tệ nạn xã hội, gây cảm giác hoảng loạn, mê muội trước các lực lượng siêu nhiên, ma quái.

5. Đặt tên phim gây phản cảm, thô tục.

6. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết có nội dung trái pháp luật mà không thuộc quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này.

 

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".