Những phiên chợ độc lạ - Kỳ 2: Phiên chợ ký ức

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nép trong con ngõ nhỏ đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TPHCM), chợ đồ cổ không chỉ là nơi giao lưu của giới chơi cổ vật sành sỏi mà còn là chốn hoài niệm, lưu giữ kí ức thời thơ ấu của nhiều người.

Người bán không vội, người mua thong thả

Đến con hẻm 311/27 đường Nơ Trang Long hỏi chợ đồ cổ, một thanh niên ngoắc tay kêu tôi gửi xe rồi đi bộ thêm 100 mét nữa là tới. “Cứ cuối tuần, con hẻm nhỏ này lại nhộn nhịp như hội bởi người đi chợ đồ cổ rất đông. Lễ, Tết còn tấp nập hơn thế này nhiều” - người giữ xe bắt chuyện.

Qua con hẻm “xe máy” (vừa cho xe máy đi) này là khu chợ rộng cả ngàn mét vuông hiện ra trước mắt. Ngay từ tấm bảng hiệu “chợ đồ cổ” đến từng viên gạch tường cũng toát lên vẻ cổ kính, cũ kỹ như tên gọi. Bên trong là hàng trăm, hàng nghìn món hàng từ xe cổ, đồng hồ cổ, máy đánh chữ, đèn dầu, bàn ủi “con gà”, cung tên, bật lửa Zippo… cho đến những bộ sưu tập tiền, tem, đĩa nhạc, mặt hàng phong thủy… được phân thành từng quầy riêng.

Trong tiếng nhạc xưa dìu dặt, dưới bóng cây xanh mát rượi, chợ đồ cổ càng thêm thi vị. Từng quầy bàn, người bán cứ mải miết lau chùi, bày biện hàng còn người mua tha hồ ngắm nghía, sờ nắn; ưng bụng ưng giá thì mua, không thì thôi mà chẳng sợ ai phiền lòng. “Chợ này là vậy, người bán không vội, người mua thong thả. Đồ cổ mà, nói vô giá cũng đúng, mà không biết giá trị tới đâu cũng không sai. Tất cả tùy duyên” - bà Lê Thị Thi (có gần 5 năm bán hàng ở chợ đồ cổ) nói.

Chính cái duyên đã đưa những người có thú đam mê đồ xưa dù ở xa hàng trăm cây số cũng hẹn ngày tái ngộ ở chợ phiên này. Ông Hồ Vĩnh Phương (47 tuổi) nhà tận Gò Công (Tiền Giang), hằng tuần đều lên TPHCM bán đồ cổ. Theo nghề đã tròm trèm chục năm, ông cho biết, mình bán “thập cẩm” đủ các món từ băng cassette, máy hát đến đồ gốm, tiền giấy xưa… “Trước giờ tôi chỉ sưu tầm chơi, sau biết đến chợ này thì mình đem hàng đến giao lưu, trao đổi, ai thích thì mua. Thời gian còn lại, tôi rong ruổi khắp nơi để tìm mua đồ xưa. Vốn đầu tư cũng khá nặng, nhưng mua đi bán lại nên cũng không tính được nhiều ít. Quan trọng là đam mê” - ông Phương xởi lởi nói.

Ông Lê Dũng (64 tuổi, ngụ TPHCM) có 5 năm bán hàng tại chợ kể, trước không biết gì về đồ cổ; một lần chợt thấy bạn bè cho xem những chiếc bình, cây đèn ngủ lâu đời xuất xứ châu Âu, bỗng ông thấy thích và bắt đầu tìm hiểu, rồi “nghiện” lúc nào không hay. “Những mặt hàng của tôi đều có nguồn gốc từ châu Âu, Hoa Kỳ. Gia đình có người thân ở nước ngoài, họ tìm mua đồ xưa cũ rồi đóng thùng gửi về. Như chiếc ly, cái bình có từ thời Nữ hoàng Anh tôi chỉ có đúng một cái, nếu khách có duyên và yêu thích thì mình mới để lại” - ông Dũng khẳng định.

Ông Dũng kể có lần một vị khách nhờ ông tìm giúp đồng tiền mệnh giá 5 đồng. Đây là đồng tiền nhiều kỷ niệm với vị khách này nên khi tìm được 2 đồng tiền, ông tặng luôn chứ không bán.

Ở chợ này có rất nhiều món hàng mới cũ, nhưng hầu hết chúng đều còn sử dụng tốt, thậm chí có những món người bán còn tự tin "bao xài".

“Mê cung” cổ vật

Theo giới đam mê đồ cổ, những món cổ vật giá trị nằm rải rác trong dân gian còn nhiều, nhưng để sở hữu một món đồ giá trị còn tùy thuộc vào vận may. Khi đi ngang qua gian hàng chuyên bán giấy báo, tạp chí cũ, một vị khách dáng vẻ trí thức mắt sáng khi thấy một xấp tài liệu đã ố vàng. Những dòng chữ mỏng dài được gõ từ máy đánh chữ cùng cách trình bày chứng tỏ tài liệu này đã có niên hạn từ rất lâu. Sau khi hỏi giá, người khách không chần chừ mà quyết định mua ngay, lại còn mừng vui khi mua được “hàng tốt giá hời”.

Những phiên chợ độc lạ - Kỳ 2: Phiên chợ ký ức ảnh 1

Chợ đồ cổ là nơi để những người cùng sở thích gặp gỡ, giao lưu.

Tôi thắc mắc tập giấy ấy có gì hay mà ông quyết định chi gần nửa triệu đồng mua về? Vị khách vui vẻ giới thiệu, ông là tiến sĩ y khoa đang công tác tại một trường đại học ở TPHCM. “Có thể với nhiều người, đây là mớ giấy lộn. Nhưng với tôi, đó là tài liệu rất quý vì liên quan bộ môn giải phẫu người đã có từ rất lâu đời. Tôi mua về tặng cho thư viện trường làm tài liệu để sinh viên tham khảo. Hôm nay là một ngày rất may mắn khi vừa đến chợ đã mua được món hàng như ý” - vị bác sĩ cho biết.

Tôi lân la làm quen với một khách hàng (xin giấu tên) có “số má” trong giới chơi cổ vật. Ông vừa tậu được 2 chiếc đĩa gốm hoa lam Chu Đậu chỉ với giá 200.000 đồng ngay tại phiên chợ. Nhấp ngụm cà phê, ông nhẹ nhàng mở từng lớp giấy báo, xoay nhẹ chiếc đĩa còn bám đất bẩn. Lấy vạt áo chà xát kỹ món đồ, ông nói gốm hoa lam Việt Nam có từ thế kỷ 15, 16; đây là đại diện tiêu biểu cho dòng gốm men trắng vẽ lam rất có giá trị. “Hầu như tuần nào tôi cũng đến chợ này ngắm nghía, những cổ vật có giá trị hiếm khi nào qua khỏi mắt tôi. Chiếc đĩa này tôi không bán lại mà sẽ bổ sung vào bộ sưu tập gốm sứ của mình” - ông nói.

Người bán, kẻ mua có thể dành hàng giờ đồng hồ chỉ để nói với nhau về những món đồ cổ, để tìm cho mình một mối tâm giao giữa những tất bật của thị thành. Cũng bởi vì đây là niềm đam mê đã ngấm vào máu thịt, nên nhiều người bán hàng phải lặn lội khắp mọi miền đất nước chỉ để săn tìm cho bằng được những món đồ độc và hiếm, rồi đợi đến cuối tuần mang tới phiên chợ trao đổi cùng các anh em.

Những phiên chợ độc lạ - Kỳ 2: Phiên chợ ký ức ảnh 2

Ông Lê Dũng tâm sự, chuyện bán mua đồ cổ thành là do duyên.

“Một thú chơi tốn kém” là nhìn nhận của ông Trần Văn Sơn (57 tuổi, quê Bắc Ninh) - người có 10 năm kinh doanh đồ cổ. Tâm sự chuyện nghề, ông Sơn vốn là tài xế xe ôm, có người bạn thu mua đồ cổ dạo dẫn theo. Ra nghề dạy nghề, ông gom hết tiền bạc, vốn liếng đeo đuổi cái “nghiệp chọn người” tới nay. Về chuyện hàng thật giả, ông Sơn cho biết chỉ phân biệt được khoảng 70%. “Nhiều món đồ khi bán xong cứ tưởng trúng mánh vì lời gấp đôi so với lúc mua, nhưng sau biết giá trị thật thì tiếc đứt ruột bởi đó là cả một gia tài. Món đồ cổ có từ mấy trăm năm rất quý giá, do có từ lâu đời nên mình không nhìn ra được” - ông Sơn trải lòng.

“Để tìm mua được những món đồ ưng ý là cực kỳ khó. Có những món đồ tôi phải lặn lội ra tận miền Trung, miền Bắc để mua cho bằng được. Có khi tìm được rồi nhưng người chủ lại không muốn bán, tôi phải năn nỉ người chủ cả tháng trời để mua cho bằng được. Nhiều phen tiếc vì mình bỏ lỡ món đồ quý, phải mất mấy ngày ăn không ngon ngủ không yên”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng một dân chơi cổ vật

Bà Hà Mỹ Phương (58 tuổi, ngụ quận 6) cùng chồng kinh doanh lư hương, móc khóa đồng, hộp quẹt tại chợ được 8 năm. Chồng đam mê đồ cổ nên rủ rê vợ buôn bán. “Hằng ngày, ổng đi thu mua rồi chỉ dạy cho tôi bán, lúc đầu còn ghi giá ra giấy cho nhớ, giờ thuộc nằm lòng hết rồi. Bán cái này khó tính chuyện lời lỗ lắm, nhưng mỗi tuần không ra chợ bán lại thấy nhớ” - bà Phương nói.

Giờ đây chợ đồ cổ không chỉ là điểm đến của những bậc trung niên, mà còn là điểm hẹn của nhiều người trẻ và khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Họ tìm đến đây không hẳn để mua bán, mà đôi khi chỉ để được một lần chạm tay vào cổ vật, kỷ vật.

Bà Trần Thị Bích Hợp - chủ chợ đồ cổ cho biết, chợ có khoảng 100-120 quầy hàng, là nơi tụ hội của những người đam mê đồ cổ trong và ngoài nước. Họ đến chợ mua bán, trao đổi hàng hóa. “Phiên chợ này là sân chơi mang tính cộng đồng, buôn bán theo tinh thần vui là chính chứ không đặt nặng chuyện “cơm áo gạo tiền”. Chúng tôi luôn nhắc nhở người kinh doanh luôn đặt uy tín lên hàng đầu, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng. Nếu sai thông tin, khách hàng phản ánh thì có thể không được tiếp tục bán” - bà Hợp khẳng định.

(còn tiếp)

MỚI - NÓNG