“Yên Hạ ngày 16/11/2023
Kính gửi Ban Giám thị cùng hội đồng cán bộ trại giam Yên Hạ. Thời gian qua khi tôi đang là phạm nhân chấp hành án tại Đội phạm nhân số 52, Phân trại 1 đã luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi của hội đồng cán bộ. Đặc biệt là thầy quản giáo của tôi luôn sát sao, tận tâm chỉ bảo từ trong nét ăn, cách ở, luôn động viên trong những lúc tôi mệt mỏi hay khi đau ốm.
Những khi Tết đến xuân về mọi người được vui vầy bên gia đình thân yêu thì chúng tôi lại cảm thấy cô đơn lạc lõng, những lúc như vậy thì chúng tôi được Ban Giám thị và hội đồng cán bộ, các thầy cô trong đội Giáo dục luôn động viên và tạo cho chúng tôi những không khí, hoạt động vui chơi bổ ích và vui vẻ, để có tinh thần lạc quan, tích cực, có một môi trường sống, rèn luyện, học tập và lao động thật ý nghĩa.
Từ đáy lòng sâu thẳm, tôi vô cùng biết ơn Ban Giám thị và hội đồng cán bộ, đội ngũ thầy, cô, những người không quản khó khăn, vất vả làm công tác giáo dục, rèn giũa, hướng thiện cho phạm nhân chúng tôi, để mai đây khi được trở về với xã hội, chúng tôi sẽ trở thành những công dân có ích cho đời.
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin cảm ơn Ban Giám thị và hội đồng cán bộ, các thầy, cô đã luôn luôn không quản gian lao, vất vả trong công tác trồng lại người.
Phạm nhân viết thư
Lường Văn Nhất”.
Phạm nhân Lường Văn Nhất viết thư tri ân cán bộ quản giáo Trại giam Yên Hạ (Sơn La) nhân dịp Ngày 20/11. (Ảnh: Lộc Liên) |
Lá thư ngắn này có lẽ là một trong những món quà đặc biệt nhất mà Trung tá Nguyễn Chi An - Đội trưởng Đội Giáo dục trại giam Yên Hạ (Sơn La) nhận được trong ngày 20/11 năm nay. Có lẽ bởi Lường Văn Nhất từ một phạm nhân không viết nổi tên mình khi đã ngấp nghé tuổi 40, sau khi được Trung tá An và các cán bộ quản giáo chỉ dạy nay đã viết được thư cảm ơn.
Trung tá An tâm sự, anh công tác và gắn bó tại trại giam Yên Hạ đến nay đã hơn 28 năm, trực tiếp giáo dục hàng nghìn phạm nhân. Nhưng với anh công tác giáo dục phạm nhân là việc chưa bao giờ đơn giản bởi phía sau song sắt, mỗi một phạm nhân lại có một tính cách, một quá khứ lầm lỗi và câu chuyện cuộc đời khác nhau. Chẳng hạn có phạm nhân lầm lỗi chỉ vì thiếu hiểu biết, một phút nông nổi, bốc đồng nhưng cũng chẳng thiếu kẻ có “số má” lưu manh, lọc lừa lõi đời với nhiều chiêu trò tinh vi và sự méo mó trong nhân cách.
Do đó, không có một giáo án chung nào dành cho các cán bộ quản giáo, mỗi phạm nhân phải là một “bài giảng” riêng nên ngoài công tác chuyên môn theo quy định của pháp luật thì cán bộ quản giáo phải có bản lĩnh vững vàng, linh hoạt trong giáo dục, cải tạo phạm nhân, luôn chủ động tìm hiểu nắm bắt tâm lý của phạm nhân để có biện pháp giáo dục thích hợp. Đặc biệt, cần phải có sự tận tâm, vị tha để cảm hóa phạm nhân.
Bởi vậy, nếu coi thời gian thụ án trong trại giống như dòng sông thì những cán bộ quản giáo như Trung tá An chính là những người lái đò đặc biệt, dùng sự khoan dung, tử tế để làm giáo án chèo lái con đò cập bến hoàn lương.
Trại giam Yên Hạ (thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng – Bộ Công an) hiện đang quản lý khoảng trên 3.000 phạm nhân, trong đó rất nhiều phạm nhân án chung thân. Phạm nhân trại quản lý, giam giữ chủ yếu là người thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La..., số phạm này sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế; nhiều phạm nhân không biết chữ phổ thông; là người dân tộc thiểu số và đa số là phạm nhân phạm tội về ma túy và liên quan đến ma túy.
Do đó, tình hình phạm nhân đang chấp hành án tại trại phức tạp, khó lường, tính chất tội phạm của phạm nhân ngày càng nguy hiểm, phức tạp, nhất là số phạm nhân có mức án chung thân, án dài, nhiều tiền án, tiền sự; nhiều phạm nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có người thăm nuôi, một số phạm nhân luôn tỏ ra tiêu cực, chán nản trong cải tạo, luôn tìm mọi sơ hở trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục để lôi kéo phạm nhân khác vi phạm nội quy cơ sở giam giữ.
Phạm nhân trại giam Yên Hạ quản lý, giam giữ chủ yếu là người thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. (Ảnh: Lộc Liên) |
Để thắp sáng lối về nẻo thiện cho các phạm nhân, 10 năm qua Trại giam Yên Hạ đã tổ chức các lớp Xóa mù chữ cho phạm nhân. Và đây có lẽ là những lớp học đặc biệt nhất vì học sinh có người đã ngấp nghé tuổi 70 như phạm nhân Thào A Súa (67 tuổi, Điện Biên) hay Vàng A Sáng (45 tuổi, Điện Biên).
Chia sẻ về lớp Xóa mù chữ, Đại uý Chử Thị Hồng, Đội Giáo dục trại giam Yên Hạ cho biết, phạm nhân trong lớp chủ yếu là đồng bào dân tộc như Mông, Thái, Mường,…trình độ hiểu biết thấp, nhiều người không nghe, nói được tiếng phổ thông nên việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều phạm nhân thì tuổi đã cao nên trí nhớ kém, học trước quên sau, tâm lý bất ổn.
“Đối với những phạm nhân đã có tuổi thì việc giáo dục, cảm hoá họ lúc đầu gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, nhờ sự nỗ lực, kiên trì và kết hợp của cán bộ, chiến sĩ trại giam Yên Hạ, nhiều phạm nhân sau khi hoàn thành lớp Xoá mù chữ giai đoạn một đã biết viết, biết đọc, chủ động mượn sách, báo của trại giam để đọc”, Đại úy Hồng chia sẻ.
P |
Các ngành nghề đang được Trại giam Yên Hạ tổ chức dạy cho phạm nhân lao động gồm: May mặc, mộc, đan cói, làm mi mắt giả, trồng cây nông nghiệp, chăn nuôi, gấp vàng mã, khâu bóng,...(Ảnh: Lộc Liên) |
Cùng với việc giáo dục, cảm hóa, thời gian qua, công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân cũng được chú trọng, thường xuyên đổi mới và nâng cao. Trong đó, các ngành nghề đang được Trại giam Yên Hạ tổ chức dạy cho phạm nhân lao động gồm: May mặc, mộc, đan cói, làm mi mắt giả, trồng cây nông nghiệp, chăn nuôi, gấp vàng mã, khâu bóng,...
Thiếu tá Cấn Văn Quang, Quản giáo phụ trách đội phạm nhân số 38 Trại giam Yên Hạ chia sẻ, nhiều phạm nhân trước khi vào trại chủ yếu làm nương rẫy, nghề nghiệp không ổn định, được Ban giám thị, cán bộ quản giáo tạo điều kiện theo chính sách của Đảng, Nhà nước cho đi học văn hóa để biết chữ và định hướng cho phạm nhân lao động học nghề, để họ mở lại cánh cửa cuộc đời một cách dễ dàng hơn.
Công tác dạy học văn hóa để phạm nhân biết chữ và định hướng cho phạm nhân lao động học nghề sẽ giúp họ mở lại cánh cửa cuộc đời một cách dễ dàng hơn. (Ảnh: Lộc Liên) |
Trại giam là trường học hoàn lương cho các phạm nhân lầm lỗi, quãng thời gian ở trại là bài học về cách làm người lương thiện. Còn cán bộ quản giáo chính là những người thầy cô không giáo án, mồ hôi thấm trên màu áo Công an nhân dân chính là bụi phấn, sự vị tha và bản lĩnh là ngọn đèn thắp sáng niềm tin, hy vọng, giúp họ nhận thức đúng đắn. Và việc dạy đọc, dạy viết, dạy định hướng nghề nghiệp của cán bộ quản giáo là ánh sáng dẫn lối họ về nẻo thiện, để sau này khi bước ra khỏi cánh cửa trại giam, cởi bỏ chiếc áo tù, phạm nhân sẽ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội như câu thơ: “Người quản giáo, một người thầy bản lĩnh/Tóc bạc dần dù không bụi phấn bay/Trang giáo án là tấm lòng nhân ái/Trò học xong không quay lại nơi này!”…