Trên diễn đàn Quốc hội, khi thảo luận về Luật Hộ tịch, đại biểu Nguyễn Thị Nhung đề nghị Luật Hộ tịch cần quy định nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho con phù hợp với văn hoá, tránh những cái tên xấu, quá dài, không thuần Việt.
Thực tế cho thấy, không bàn đến chuyện tên xấu hay đẹp, nhưng trong Xã hội vẫn đang tồn tại khá nhiều cái tên mà khi nghe qua, nhiều người không khỏi bật cười vì nó quá "dị"
3 chị em ruột có tên độc và dài nhất Việt Nam
|
Giấy phép lái xe của Nhân vì tên quá dài nên các chữ đệm đều viết tắt. |
Nhắc tới gia đình ông Lê Văn Bốn và bà Nguyễn Thị Tư (55 tuổi, ngụ xã Phước Kiểng, H.Nhà Bè, TP.HCM), người dân xung quanh lại xôn xao bàn tán đến những cái tên dài và "độc" ông bà đặt cho các con.
Trong 3 người con của ông bà Tư, người có tên dài nhất là cậu út “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân” (22 tuổi).
Hai người chị của Nhân cũng có tên dài chỉ kém tên Nhân một chữ.
Người chị đầu của Nhân có tên là “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn” (29 tuổi) và người chị kế có tên “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng” (27 tuổi). Tên của cả 3 chị em Nhân đều do ông Bốn đặt từ khi các con còn trong bụng mẹ.
Do có cái tên quá dài nên Nhân gặp không ít phiền toái trong chuyện giấy tờ tùy thân. Tất cả bằng cấp, giấy tờ liên quan của Nhân như sổ hộ khẩu, giấy tờ hộ tịch, sổ điểm khi đi học, sổ học bạ, giấy khen,... cho đến nay không có cái nào ghi đầy đủ tên cả, chỉ ghi họ và tên, còn chữ lót thì viết tắt.
Theo bà Tư, cái tên quá dài nên thường xuyên được chính quyền địa phương triệu tập để sửa ngắn lại, thuận tiện ghi vào giấy tờ cho đầy đủ, không thừa ra ngoài chữ nào.
Tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên
Tương tự chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương (26 tuổi), người có tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên cũng gặp rắc rối vì cái tên dài. Tất cả các bằng cấp, giấy tờ liên quan của Dương cho đến nay chỉ duy nhất có Chứng chỉ tin học là ghi đầy đủ tất cả các chữ trong tên của cô. Còn lại, trong sổ hộ khẩu, giấy tờ hộ tịch, sổ điểm khi đi học, sổ học bạ, giấy khen..., tên cô đều phải viết tắt một số ký tự để gọn hơn.
|
Chân dung chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương (Ảnh PLVN). |
Theo lời ông Đào Sinh Hoạt (bố chị Dương), xóm 6, Tân Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, ông đặt tên con dài là “mong muốn con có một tương lai sán lạn, khi đi học nhất định sẽ được thầy cô giáo chú ý, vì thế nó sẽ học tốt hơn”.
Một cô gái có tên là Hoàng Thị Ngọc Bích Kim Cương tâm sự: Với mong muốn “cục Kim Cương” của gia đình sau này sẽ có cuộc sống an nhàn, sung sướng nên bố cô đã chọn cho cô một cái tên dài ngoằng. Nhưng chẳng thấy chị sướng, giầu có gì mà toàn thấy rắc rối. Hồi đi thi Đại học Thương Mại, cả phòng thi và giám thị cười ồ lên khi đọc tên chị vào phòng thi. Trong lúc làm bài thi thì giám thị cũng "ưu ái" lảng vảng quanh chỗ chị, thậm chí còn tò mò hỏi vì sao có cái tên như thế, làm chị mất tập trung không làm được bài. Rồi khi đi xem điểm thi thì tên dài phải viết 2 dòng nên ai cũng chú ý. Thậm chí chứng minh thư cũng không viết hết tên.
Tên xấu
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Đinh Thị Chó ở xóm Bát xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) trong một gia đình, bố mẹ sinh được sáu người con nhưng chỉ mỗi mình bà có cái tên là một loài động vật.
|
Bà Đinh Thị Chó (Ảnh Nông nghiệp Việt Nam). |
Lúc nhỏ cô bé Chó chẳng để ý xấu đẹp gì cái tên. Khi Chó đi học cô giáo gọi: “Em Chó lên bảng!” khiến các học sinh khác dù đã cắn cả vào tay để nén nhịn mà tiếng cười vẫn chật lớp. Khi Chó đi chợ Phú Cường, chợ Lồ, chợ Mường Khến người ta chào mà môi cứ cắn chặt vào nhau, mà mặt phải quay đi vì cố giấu một trận cười rũ rượi. Chó ý thức tên mình có khang khác thật.
Sính ngoại, đặt tên "tây" cho con
Do hai vợ chồng chị Nguyễn Hoàng Yến, ở đường Đê La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình trước đây đều tốt nghiệp trường ĐH Ngoại ngữ, sau khi ra trường lại làm việc trong môi trường với người nước ngoài nên cả hai có lối sống khá “Tây”. Ngay từ khi con còn nhỏ, chị Yến đã đặt tên con là Precious (sự quý giá), như một cách thể hiện tình cảm mà vợ chồng chị dành cho cô con gái nhỏ. Nhưng điều quan trọng hơn là chị muốn con mình có một cái tên tiếng Anh trước khi bước vào môi trường Giáo dục quốc tế.
Mặc dù, tên trong giấy khai sinh của cô bé là Phương Anh, nhưng cái tên Precious đã trở nên quen thuộc với cô bé tới mức bất cứ ai gọi không đúng cái tên này, Phương Anh đều khó chịu. Không ít lần, bà ngoại của Phương Anh phàn nàn: “Các con nên gọi tên thật của con bé, chứ mẹ thấy gọi tên tiếng Anh chẳng ra làm sao. Cháu có tên tiếng Việt sao cứ phải gọi tên bằng tiếng Anh. Bố mẹ già rồi nên mỗi lần gọi tên cháu cứ líu hết cả lưỡi, không gọi đúng tên thì con bé khóc…”.
Trường hợp khác, cả hai anh em cùng một nhà tên Huỳnh Two School Boy (sinh năm 1986), Huỳnh Tree School Boy (sinh năm 1989) đã được bà Nguyễn Thị Tím đăng ký khai sinh. Một số tên xen lẫn tiếng nước ngoài với một vài âm tự như Nguyễn Thị Sinco do cha là ông Nguyễn Hữu Vạn đăng ký khai sinh năm 1991 hay Đặng Văn Col do mẹ là Cao Thị Lệ đăng ký khai sinh năm 1994… thì cha mẹ đều là người Việt Nam. Lý do họ đặt tên có chứa một vài tiếng nước ngoài cho con chỉ vì họ thích những cái tên như thế.