Làng đặt họ tên 'độc nhất vô nhị' ở Việt Nam
> Kỳ lạ 'Xóm Robinson' 30 năm mắc cạn giữa sông Hồng
> Dân thôn nghèo chết trẻ vì mưu sinh bằng miệng
Ở nước ta khi viết họ tên thì họ thường đứng trước, tên đệm ở giữa, cuối cùng là tên. Nhưng từ xưa đến nay người dân xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội thì có cách ghi độc nhất vô nhị. Khi đi khai sinh cho con mình, bố mẹ thường ghi họ nằm ở giữa. Con trai, con gái lại đảo vị trí họ tên khác nhau. Tục lệ này gây không ít phiền toái cho người dân đi làm ăn xa...
Cổng vào làng So, giờ đã đổi thành xã Cộng Hòa. |
Truyền thuyết đình làng So
Thần tích chép rằng: Vào mùa xuân năm Canh Thìn (930), có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc nhà vốn rất nghèo, làm nghề đánh cá trên sông. Hai ông bà rất thích làm việc thiện, một việc thiện dù nhỏ cũng làm. Một hôm hai ông bà đi đánh chài lưới trên sông Như Nguyệt, kéo được 15 dật vàng. Từ đấy hai ông bà làm ăn khấm khá.
Hiềm nỗi ông bà đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con. Người chồng vẫn thường nói với vợ: Tiền rừng gạo bể mà không có con thì sống không được vui và bàn với bà đi tìm nơi cầu tự. Hai ông bà nghe nói ở đền Hữu Linh, trang Sơn Lộ (thuộc địa phận làng So) là nơi linh ứng cầu gì được nấy. Họ bèn sắm sửa lễ vật đến đó cầu tự. Sớm hôm sau ông bà làm lễ tạ rồi xuống thuyền cùng với hai người vạn chài xuôi dòng sông Hát (một nhánh sông Hồng chảy về sông Đáy). Thuyền đang đi, trời bỗng nhiên tối sầm lại như đêm và một trận gió lớn ập đến. Lúc này thuyền chở ông bà đến địa phận trang Sơn Lộ hai người ngẩng đầu nhìn lên trời thấy có đám mây vàng hướng vào bà mà hạ xuống. Lã thị hoảng sợ, nằm miên man.
Sau đó bà có mang, tháng 2 năm Quý Tỵ (933), bà sinh được 3 người con trai. Ba đứa trẻ lớn lên thành những chàng trai khoẻ mạnh rồi theo Đinh Tiên Hoàng đi dẹp loạn. Quân sĩ kéo từ Hoa Lư thắng trận về đến trang Sơn Lộ thì nghỉ ngơi và tập hợp trai tráng trong vùng tiếp tục chiến đấu dẹp loạn 12 sứ quân. Đinh Tiên Hoàng lên ngôi bèn sắc phong 3 ông là tam vị Thông Hiện nguyên soái Đại Vương. Trải qua các triều đại, tam Thánh đều được sắc phong mỹ tự. Người dân trong vùng làm đình thờ phụng đời đời.
Cụ Hữu gắn bó với đình làng So hơn 20 năm. |
Tục lệ có từ 400 năm trước?
Làng So bây giờ được phân chia làm hai xã Cộng Hòa và Tân Hòa. Xã Cộng Hòa mới là cái gốc của làng So trước đây. Trong xã hiện nay có 34 dòng họ khác nhau. Nhưng từ xưa đến nay người làng So ghi tên trong giấy khai sinh, tên họ không đứng đầu mà được đứng giữa.
Cụ Nguyễn Danh Hữu, 73 tuổi cho biết: “Tôi làm thủ từ đình So hơn 20 năm, ngôi đình này gắn bó với lịch sử phát triển của làng. Đây là ngôi đình cổ có khoảng 400 năm trước, được xây dựng năm 1673. Tôi cũng tìm hiểu về gốc tích việc đặt họ nằm ở giữa tên, nhưng không có tư liệu nào nói về việc này. Theo các cụ cao niên kể lại thì đó là cái tục lệ của làng từ xa xưa. Có thể nó gắn liền với sự ra đời của ngôi đình làng So. Với cách đặt tên như vậy, tạo sự độc đáo riêng, chỉ có làng So mới có”.
“Như tên tôi là Nguyễn Danh Hữu, đi học hành người ta cứ nghĩ họ của tôi là Nguyễn, nhưng theo tục lệ làng thì họ tôi là Danh, tên đệm là Nguyễn, tên chính là Hữu. Từ xa xưa cha ông đều đặt như vậy, lớn lên chúng tôi cứ theo như thế mà đặt tên cho con cháu. Trước đây chúng tôi ở tỉnh Hà Tây cũ mỗi lần đăng ký khai sinh cho con, bộ phận Tư pháp cũng thắc mắc về cách đặt họ đứng giữa tên. Họ cũng bảo chúng tôi đảo tên họ lên đầu, nhưng chúng tôi bảo đó là tục lệ của dân làng chúng tôi. Cha ông đặt thế nào thì giờ con cái cũng phải đặt thế”, cụ Hữu cho hay.
Cũng theo cụ Hữu, người dân trong làng mỗi khi nói chuyện họ kiêng kỵ không nói tới từ “nước lã”. Dù uống nước giếng, nước ao hồ người làng cũng nói tránh là nước chưa đun sôi. Vì từ “Lã” là họ bà Vương Mẫu, người sinh ra ba vị tướng có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Trong làng So đã lập đền thờ để ghi nhớ công ơn của bà. Có người lỡ mồm nói “nước lã” đã phải đến đền thờ của Vương Mẫu để xin bà tha thứ.
Đã thống nhất về cách đặt tên
Ông Vương Đắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết: “Đi nhiều vùng, nhưng tôi không thấy nơi đâu có tục lệ lạ như quê tôi. Tên tôi là Vương Đắc Thủy, nhiều người cứ nghĩ là họ Vương. Nhưng ở quê tôi thì từ Đắc mới là họ của tôi. Con trai đặt tên như tôi, còn con gái thì phải đặt tên đảo lại là Đắc Thị gì đó. Tôi cũng tìm hiểu nhiều về nguồn gốc của việc đặt họ ở giữa, nhưng không có tư liệu nào nói về việc này. Tục lệ này nó có từ cha ông truyền lại nên các dòng họ trong xã đặt theo”.
Ông Thủy bảo, cũng từ tục lệ này mà nhiều người làng khi ra ngoài đi làm bị người tuyển dụng gây khó dễ. Khi họ so sánh giữa giấy khai sinh bố và con gái không đúng họ với nhau. Họ cứ thắc mắc bố là họ Vương, sao con lại là Đắc. Vì thế, nhiều người trong làng đi ra gặp nhiều khó khăn trong học hành. Nhất là việc làm hồ sơ xin việc. Nhiều đơn vị phải về tận chính quyền xã để xác định lại nhân thân.
“Những năm còn trong quân ngũ, tôi được đơn vị cho kết nạp đảng, tôi có khai là Vương Xuân Hùng và nói là họ của tôi là họ Xuân chứ không phải họ Vương. Thủ trưởng đơn vị ngỡ ngàng, không tin đã cho người về địa phương xác nhận. Chính vì thế một năm sau tôi mới được kết nạp đảng”, ông Vương Xuân Hùng kể lại.
Ông Thủy cho hay: “Người dân trong xã, đặc biệt là con gái đi làm việc gặp nhiều chuyện phiền phức xung quanh tên họ của mình. Vì thế, từ năm 2008 các cháu ra đời trong thời gian này, dù trai hay gái cũng đều thống nhất mang họ bố. Để cho phù hợp với pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc đặt họ ở giữa tên thì chúng tôi vẫn viết như tục lệ xưa của cha ông”.
Theo Đức Lợi
Kiến Thức