Những người canh gác hải đăng cuối cùng của Anh

0:00 / 0:00
0:00
Neil Hargreaves mặc bộ đồng phục cũ của ông đứng trước Hurst Castle - nơi có bảo tàng của Hiệp Hội Canh gác Hải đăng
Neil Hargreaves mặc bộ đồng phục cũ của ông đứng trước Hurst Castle - nơi có bảo tàng của Hiệp Hội Canh gác Hải đăng
TP - Nếu có ai hiểu rõ nhất về việc ở một mình trong thời gian dài, đó là những người canh gác hải đăng. Một số người đã từng bảo vệ những ngọn hải đăng hẻo lánh nhất chia sẻ cách họ vượt qua nỗi cô đơn khi ở trong đại dịch.

Đó là năm 1976, Neil Hargreaves mới 28 tuổi, nhưng anh đã quen với việc ở một mình. Anh không biết rằng một ngày, hàng triệu người sẽ ở trong tình cảnh y hệt như anh. Anh không biết là làm bánh mì và tập thể dục trước một màn hình sẽ trở thành thú vui phổ biến. Tuy nhiên, anh có biết về nỗi nhớ khi phải ở xa những người thân thương và niềm vui khi tìm được một quyển sách hay. Từng là bảo vệ của một trong những ngọn hải đăng hẻo lánh nhất nước Anh, công việc của anh là rèn luyện cách đối đầu với sự cô lập.

Cách 32km về hướng tây của bán đảo Marloes là Smalls Reef, một dãy đá núi lửa nơi thủy triều vô cùng dữ dội. Được cử tới đây để canh gác lần đầu cũng không khác gì một bác sĩ trẻ tuổi ở giữa đại dịch. Đó là một công việc rất khắc nghiệt. “Ở Smalls, sóng biển có thể ập qua đỉnh ngọn hải đăng. Bạn sẽ bị mất điện, nhưng rồi nó sẽ lại rút xuống và trời sẽ lại hửng sáng”, Hargreaves nói. “Nếu nói về chuyện cách ly, thì tôi đã khá quen thuộc với sự cô lập. Ở trên đảo đá, bạn không thể về nhà khi mà bến vẫn ngập trong nước biển”. Ông dành hai năm trên dãy đá đó, 28 ngày trực, rồi 28 ngày nghỉ. Trước khi làm việc, Hargreaves được tham gia một khóa huấn luyện kéo dài sáu tuần về sóng radio, sơ cứu, khí tượng và cách làm bánh mì chua.

Dãy Smalls được đồn là có khả năng khơi dậy “cảm giác cô đơn mãnh liệt” và “một sự xa cách và đơn độc đáng kể”. Vùng đất liền gần nhất là Grassholm, nơi được ghé thăm bởi khoảng 39.000 chú chim gannet từ phương Bắc mỗi mùa sinh sản, một sự đối lập hoàn toàn với ngọn hải đăng. “Trước năm 1801, ở đây chỉ có hai người canh gác. Rồi một người thiệt mạng. Người còn lại, không muốn bị hiểu nhầm là sát nhân, đã giữ lại thi thể. Cứu nạn đến quá muộn và đến lúc nó đến thật, ông ta đã hóa điên”, Hargreaves kể. Từ đó, luật lệ yêu cầu phải có ba người.

Vào khoảng cuối thập niên 60, các ngọn hải đăng bắt đầu được vận hành một cách tự động. Đối với những người soi đèn, đó là khởi đầu của cái kết. Họ bắt đầu nhận những khoản lương bồi thường - Hargreaves nhận một khoản vào 1988 - và vào 1998, người canh giữ cuối cùng bật ngọn đèn hải đăng lần cuối. Hargreaves nói đó là công việc tốt nhất ông từng có.

Sự cố năm 1801 đã được dựng thành một vở kịch phát thanh và hai bộ phim trong thập kỉ vừa rồi. Những ngọn hải đăng ở tận cùng thế giới và cuộc đời những người sống ở đó xuất hiện nhiều trong văn học, với mục đích khám phá những vấn đề đạo đức và sự đối diện giữa an toàn và nguy hiểm. Đối với nhiều người, ngọn hải đăng là hiện hình của một trong những nỗi sợ sơ khai nhất của con người: bị bỏ lại hoàn toàn một mình.

Với Hargreaves, dãy Smalls không u ám như các phương tiện truyền thông đã quảng bá. “Không ai thực sự một mình ở Smalls. Bạn còn có hai người khác. Bạn chỉ một mình lúc trực ca đêm khi họ đi ngủ”. Hơn nữa, sự canh gác cũng là một người đồng hành thú vị.

Ngọn hải đăng trở thành chốn trao đổi các sở thích. “Hầu hết mọi người đều có sở thích. Nó giúp nhiều về mặt tinh thần. Và ngạc nhiên thay, ở đây lại rất phong phú. Một vài người là họa sĩ, những người kia thích chụp ảnh, ngắm chim, đan móc và thả diều câu cá. Tôi phải thú nhận là tôi đọc khá nhiều”. Một người canh giữ hải đăng, Gordon Medlicott, trở nên thành thạo việc thêu thùa đến mức ông trở thành trung tâm của một tờ tạp chí thêu chữ thập.

Phần lớn đường bờ biển của Scotland rất hoang sơ, gồ ghề và rất khó khăn cho việc di chuyển của hàng hải. Nên Ian Duff đã được sinh ra ở đúng nơi. Từ 1976 tới 1992, ông đã làm việc ở 13 ngọn hải đăng trên khắp Scotland.

Duff từng làm trong ngành rượu kể từ khi tốt nghiệp, nhưng sau sự suy thoái năm 1975, ông chuyển sang nghề canh gác hải đăng. Công việc đi kèm với thời tiết khó lường, nỗi cô đơn và “lương thấp” - lương tháng của ông bằng tiền ông từng làm được trong một tuần - nhưng Duff biết đây là dấu hiệu để ông theo đuổi giấc mơ thời thơ ấu. Ông đã bị hấp dẫn bởi “lối sống của những ngọn hải đăng” kể từ khi mới 8 tuổi.

Duff gần như không bao giờ phải ở một mình, kể cả trên những chỗ hẻo lánh như Skerryvore. Nhưng nỗi lo vẫn ở đó. “Bạn phải để vợ mình ở nhà, đi làm trong 28 ngày, rồi quay lại trong 28 ngày. Tôi luôn thấy lo khi phải rời bỏ cô ấy. Nếu có chuyện gì xảy ra ở nhà, tôi không thể giúp được. Đôi lúc, khi đã đến hạn tôi được về nhà, thời tiết sẽ nổi điên, và trực thăng không thể hạ cánh. Khi đó, tôi sẽ phải dỡ hành lí, rồi đợi mấy ngày để trời quang hơn. Trên ngọn hải đăng không có điện thoại, nên nếu bạn muốn nói chuyện với vợ, bạn phải nói qua một hệ thống radio phức tạp. Nếu hệ thống đó có hỏng hóc, bạn không thể liên lạc cho đến khi có kĩ sư bay ra”.

Canh giữ ngọn hải đăng, mùa hè đến cùng một số đặc quyền như thỏa thích ngắm hoàng hôn, và nhiều đá khô để nằm tắm nắng. Nhưng mọi chuyện rất khác vào mùa đông. “Những ngọn hải đăng bằng đá, bạn phải trèo gần 10m để vào bên trong. Ngoài ra, biển trở nên rất dữ tợn ở phía chân tháp. Đến tháng Mười, bạn gần như bị khóa chặt bên trong ngọn hải đăng cho đến cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư. Đó là lý do chúng hay được gọi là “tàu ngầm dựng đứng””.

Những người canh gác hải đăng cuối cùng của Anh ảnh 1

Neil Hargreaves ở ngọn hải đăng Longships năm 1987

Dù những “tàu ngầm” này có thể là nhà tù theo mùa, ít nhất người sống ở đó có thể đếm ngược đến ngày được thả. “Ở trong một ngọn hải đăng hẻo lánh, bạn biết là trong một tháng bạn sẽ được tự do, chứ không như sự giãn cách xã hội, khi mà bạn không biết bao giờ nó sẽ kết thúc”.

Đó là cuộc đời họ đã chọn. 21 tuổi, David Abbleby trở thành một người canh gác hải đăng và ông tiếp tục sự nghiệp trong ba thập kỉ tiếp theo. “Sự cô lập trong ngọn hải đăng không giống như thứ chúng ta đang trải qua. Canh gác, tất nhiên, là công việc tôi chọn. Khi ngọn hải đăng là ngôi nhà bạn, bạn tận dụng điều đó và xung quanh cũng không có điều cám dỗ nào, và việc đó khác với tình cảnh cách ly bắt buộc bây giơ”.

Có lẽ chúng ta cũng có thể nhìn việc cách ly như một ca gác: 28 ngày ngoài biển, 28 ngày trên đất liền. Một quãng thời gian để chăm chút những sở thích và khám phá những điều mới, như Hargreaves cùng những quyển sách của ông, hoặc thời gian để gây dựng tinh thần đón chờ lành mạnh, như Appleby. Những thú vui thư giãn có thể sẽ không đưa chúng ta lên trang nhất một tờ tạp chí thêu chữ thập, hay đảm bảo chúng ta sẽ được hoàn toàn tự do trong một tháng, nhưng chúng sẽ giúp ta hạnh phúc hơn khi trở về cuộc sống trước đây.

MỚI - NÓNG