Những người bảo vệ yếu nhân - Họ là ai?

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Cuba Raul Castro chụp ảnh chung với cảnh vệ phía Nam, tháng 7 năm 2012.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Cuba Raul Castro chụp ảnh chung với cảnh vệ phía Nam, tháng 7 năm 2012.
TP - Không hầm hố, phô trương cơ bắp cuồn cuộn, kính đen, khoanh tay trước ngực kiêu hãnh, súng lớn, súng nhỏ, phương tiện hỗ trợ trang bị tận răng… như đặc vụ nhiều nước, những người bảo vệ yếu nhân Việt Nam dung dị, dễ gần, thái độ cởi mở. Nhưng xét về hiệu quả, đặc vụ của những nước có bề dày truyền thống như Mỹ cũng phải vị nể.

Những vị khách khó tính

Chúng tôi đến Phòng 180 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ phía Nam giữa tháng 9/2014 đúng thời điểm đơn vị đang tất bật chuẩn bị phương án bảo vệ an toàn cho chuyến thăm, làm việc tại TPHCM của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. 

Phòng 180 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ phía Nam có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các đoàn quốc khách nước ngoài tới thăm và làm việc tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, các hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn. Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ tháp tùng hàng trăm đoàn khách quốc tế siêu VIP, như vua, nữ hoàng, tổng thống, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, ngoại trưởng, thái tử…

Có rất nhiều việc phải làm mỗi khi có đoàn quốc khách tới thăm. Đoàn nào sang thì an ninh của họ được cử sang trước để họp với cảnh vệ Việt Nam bàn phương án bảo vệ. 

Tùy theo mức độ quan trọng của mỗi đoàn khách mà vòng rào bảo vệ dày mỏng khác nhau. Thông thường thì lực lượng quân đội bảo vệ từ xa, tiếp theo là lớp bảo vệ của công an TPHCM hoặc các tỉnh nơi đoàn đến thăm, bảo vệ vòng trong và bảo vệ tiếp cận thuộc lực lượng cảnh vệ. Lực lượng cảnh vệ sẽ phối hợp với các lực lượng khác rà phá bom mìn, “làm sạch” địa bàn nơi đoàn ăn ở, làm việc, bố trí lực lượng kiểm soát các điểm cao, tháp tùng theo đoàn…

Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận ngoài bản lĩnh nghiệp vụ, bắn súng, võ thuật giỏi nay yêu cầu thêm ngoại hình, giỏi ngoại ngữ và nghi thức ngoại giao. 

Trung tá Nguyễn Hữu Liệu, Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp Phòng 180 kể, Hoa Kỳ là nước đem theo đội ngũ đặc vụ hùng hậu nhất để bảo vệ Tổng thống. Việt Nam đã đón hai tổng thống Mỹ và nhiều ngoại trưởng sang thăm. 

Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống George Bush đều đem theo đội đặc vụ và lượng khí tài khổng lồ. Tổng thống Bush dự APEC 2006 ở Hà Nội, sau đó vào thăm và làm việc tại TPHCM. 

Họ làm việc liên tục nên không hiếm ngày anh em chỉ đủ thời gian gặm bánh mì thay cơm. Sau này anh em có kinh nghiệm, thường “thủ” sâm hoặc những loại thực phẩm ăn nhanh, dinh dưỡng cao theo người để giữ sức.

Đại úy Bùi Văn Sung
Trong những ngày đó, cảnh vệ Việt Nam và đặc vụ Mỹ họp liên miên, ngày nào cũng họp sáu, bảy lần. Họ hỏi rất kỹ, đại khái các điểm cao đã bố trí tay súng bắn tỉa và chống bắn tỉa chưa, ở đâu, bao nhiêu? Họp xong, chưa yên tâm, lại họp lại, lại hỏi…

Với các nước thì thường bố trí cảnh vệ ta ngồi trong xe tổng thống, thủ tướng… Khi xe VIP đậu thì cảnh vệ ta mở cửa, kết hợp che chắn. 

Riêng Mỹ thì không, họ đòi việc đó là của đặc vụ Mỹ. Đặc vụ họ đòi ngồi trên xe cảnh sát dẫn đường, cảnh vệ ta khéo léo nhưng cương quyết từ chối vì luật Việt Nam chỉ cho phép cảnh sát giao thông có quyền ngồi xe dẫn đường. 

Khi chuyên cơ Air Force One chở Tổng thổng Bush hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đặc vụ Mỹ đòi cho họ lái trực thăng vũ trang Marine One bay hộ tống đoàn, bảo vệ hai chiếc Cadillac One giống nhau, trong đó một chiếc chở Tổng thống, là các loại xe bọc thép trang bị các loại vũ khí tối tân để bảo vệ. Các điểm cao dọc đường từ sân bay về khách sạn đều phải bố trí các tay súng bắn tỉa. 

Cảnh vệ ta từ chối cho phép mang vũ khí nặng vào nội địa, thuyết phục đối tác bằng phương án bảo vệ không ồn ào nhưng tuyệt đối an toàn. Sau chuyến thăm, đặc vụ Mỹ phải thừa nhận phương pháp của “đồng nghiệp” Việt Nam hiệu quả.

Vượt qua áp lực

Bảo vệ an toàn cho nguyên thủ quốc gia là nhiệm vụ với áp lực rất lớn đòi hỏi người cảnh vệ phải vượt qua. Lịch làm việc của đoàn thường dày đặc, nhất là các đoàn phương Tây. Họ đi từ sáng sớm đến tối, họp hành liên tục. 

Những người bảo vệ yếu nhân - Họ là ai? ảnh 1 Trung tá Nguyễn Hữu Liệu (trái) trong chuyến tháp tùng bảo vệ 
vị khách VIP trên sông Sài Gòn

Những đặc vụ luôn phải theo sát, cận kề đoàn, huy động mọi giác quan, để mắt bốn phương tám hướng canh chừng, ngăn chặn kịp thời tình huống xấu có thể xảy ra. Khách VIP đi từ 6 giờ sáng thì cảnh vệ phải dậy từ 4 giờ để chuẩn bị, bao gồm cả việc tranh thủ ăn uống, kiểm tra lại lộ trình, lường trước các tình huống có thể phải xử lý. Đêm về khách nghỉ ngơi thì cảnh vệ phải chong mắt thay nhau trực để đảm bảo an ninh tuyệt đối. 

Đại úy Bùi Văn Sung, Tổ phó Đội bảo vệ khách quốc tế kể, anh thường tháp tùng khách phương Tây. Sáng sớm họ dậy tập thể dục, đương nhiên cảnh vệ phải dậy sớm hơn, tập cùng để bảo vệ khách. 

Họ làm việc liên tục nên không hiếm ngày anh em chỉ đủ thời gian gặm bánh mì thay cơm. Sau này anh em có kinh nghiệm, thường “thủ” sâm hoặc những loại thực phẩm ăn nhanh, dinh dưỡng cao theo người để giữ sức. 

Đi bảo vệ đoàn còn có đồng đội bọc lót, hỗ trợ, còn đối với nhiệm vụ bảo vệ khách lẻ, phải độc lập tác chiến. Khách VIP đôi khi nghỉ qua đêm tại các tỉnh. Dù đã có lực lượng tại chỗ hỗ trợ vòng ngoài, phía dưới khách sạn, nhưng cảnh vệ nằm đối diện phòng khách VIP không dám ngủ, đêm thức trắng, cửa phòng mở toang để trông chừng. 

Áp lực công việc lớn, nhiệm vụ đặt ra rất cao, không được phép xảy ra sơ suất. Mọi bài huấn luyện của cảnh vệ đều được soạn riêng, cao hơn mặt bằng chung toàn ngành. 

Chỉ nêu một ví dụ về môn bắn súng để thấy độ khó mà người lính cảnh vệ nào cũng phải vượt qua. Hằng năm, toàn đơn vị, bất kể già trẻ trai, gái, phải thực hành nhiều bài bắn, trong đó có bài bắn nhanh hai băng, một băng 7 viên và một băng 5 viên đạn súng ngắn trúng ba mục tiêu trong 17 giây. Quá 17 giây là trượt.

Thời gian bắn được tính từ khi rút súng, bắn, thay băng rồi bắn tiếp. Kinh nghiệm của cảnh vệ là băng đầu tiên chỉ bắn 6 viên, còn một viên ở trên nòng nên nạp băng đạn sau vào không cần phải lên đạn, tiết kiệm thời gian. 

Những chiến binh có kinh nghiệm, khi nghe tiếng đạn nổ có thể phân biệt được đó là loại súng nào, băng đạn có bao nhiêu viên. Với cách bắn này, khi thực chiến, đối phương sẽ không thể biết được mình đã hết đạn hay chưa, đồng thời mình có thể bắn vài chục viên đạn liên tục, dù chỉ là súng ngắn băng đạn giới hạn. Tuy nhiên để bắn trúng đích đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm, khổ luyện.

Người cảnh vệ khi đã bước chân theo nghề là xác định rõ ràng tinh thần sẵn sàng xả thân hy sinh tính mạng mình để bảo vệ an toàn cho các yếu nhân, đó là mục tiêu được đặt lên vị trí hàng đầu. Những đòn thế võ thuật của cảnh vệ được học không phải để bảo vệ mình mà để bảo vệ người khác. Khi làm nhiệm vụ, người cảnh vệ tập trung cao độ, toàn tâm toàn ý bảo vệ an toàn tuyệt đối cho yếu nhân. 

Những người bảo vệ yếu nhân - Họ là ai? ảnh 2 Cảnh vệ mở cửa xe cho khách VIP

Gắn bó với nghề, vất vả, căng thẳng, trách nhiệm nặng nề, hiểm nguy, nhưng cũng không hiếm niềm vui, đôi khi chỉ là ngạc nhiên khám phá ra những điều mới lạ. Trung tá Đặng Khắc Trang, Đội phó Đội bảo vệ quốc tế nhớ lại lần đi theo bảo vệ đoàn khách Mông Cổ xuống thăm và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu tháng 11/2013.

Ai cũng biết Mông Cổ là một quốc gia thảo nguyên mênh mông, mới sinh ra trong họ đã có dòng máu cưỡi ngựa, bắn cung. Ít người biết bơi lội, đơn giản đó chỉ là tập quán của họ.

Thế nhưng, Tổng thống Tsakhia Elbegdorj đột nhiên có nhu cầu đi bơi. “Không được để xảy ra tình huống bất ngờ” vốn là phương châm của lực lượng cảnh vệ. Anh em lập tức kiểm tra khu vực, từ bãi biển tới hồ bơi, kiểm tra nhân thân nhân viên phục vụ, chốt chặn các vị trí trọng yếu, lấy theo một nhân viên cứu hộ tại resort rồi triển khai vòng tròn bảo vệ bơi cùng tổng thống.

Sau chuyến tắm biển ngẫu hứng đó, Tổng thống Tsakhia Elbegdorj rất hài lòng. Bản thân anh em cảnh vệ cũng vui vì biết thêm Tổng thống Mông Cổ dường như học bơi trong thời gian du học tại Nga. 

MỚI - NÓNG