Những ngọn lửa đang 'đốt cháy' Sudan

TP - Trong tình hình xung đột ở Sudan hiện nay, giới quan sát cho rằng bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây nhằm nhen nhóm lại ngọn lửa của Mùa xuân Ả-rập cũng sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với an ninh và ổn định khu vực.

Ở vùng Sừng châu Phi, các nước Ả-rập Vùng Vịnh tham gia rất sâu vào những vấn đề phức tạp của cạnh tranh quyền lực, cạnh tranh chính trị và xung đột trên khắp khu vực ven Biển Đỏ, nơi gần đây lại nổi lên như một không gian địa chiến lược, khiến các cường quốc khu vực và toàn cầu đều tìm cách gây ảnh hưởng.

Tiền đồn tình báo của Mỹ?

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa chỉ đạo quân đội triển khai chiến dịch “rút các nhân viên chính phủ khỏi Khartoum”. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 16.000 công dân Mỹ đang ở Sudan khi chiến dịch giải cứu diễn ra. Đại sứ quán Mỹ ở Khartoum có số lượng cán bộ, nhân viên đông tương đương phái đoàn ở Kiev. Con số này không tương xứng với quy mô và mức độ quan hệ song phương Mỹ - Sudan, vì thế có suy đoán rằng đó là một tiền đồn tình báo quan trọng.

Những ngọn lửa đang 'đốt cháy' Sudan ảnh 1

Binh lính Sudan trung thành với tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan. Ảnh: Getty

Trong khi đó, một nhóm gồm Ả-rập Xê-út và UAE, một nhóm khác là Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng quyết liệt tranh giành ảnh hưởng và tác động lên chính trị ở vùng Sừng châu Phi. Tuy nhiên, sau nhiều năm cạnh tranh quyết liệt, đã có dấu hiệu cho thấy họ bắt đầu tính toán lại một cách thận trọng vai trò của mình. Tại Sudan, những nỗ lực của Ả-rập Xê-út và UAE nhằm định hình quá trình quá độ chính trị sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ tháng 4/2019 mang lại thành công một phần, nhưng cũng gây ra nhiều vấn đề về uy tín.

Mỹ và Liên minh châu Âu coi các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh là những đối tác hữu ích ở vùng Sừng châu Phi về đầu tư cũng như ảnh hưởng. Thỏa thuận giữa Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump với Israel và các quốc gia Vùng Vịnh nhằm lôi kéo lãnh đạo quân đội Sudan tham gia Hiệp định Abraham năm 2020 trở thành cột mốc quan trọng.

Những ngọn lửa đang 'đốt cháy' Sudan ảnh 2

Hai vị tướng Abdel Fattah al-Burhan (phải) và Mohamed Hamdan Dagalo từng là bạn một thời. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, sự nồng ấm đó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, và kế hoạch của phương Tây nhằm cưỡi trên đôi cánh của các nước Vùng Vịnh để đối phó ảnh hưởng gia tăng của Nga và Trung Quốc ở Biển Đỏ đã chết yểu, như cách liên minh Mỹ - Ả-rập Xê-út chao đảo dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi Riyadh chuyển sang tăng cường quan hệ với Mátxcơva và Bắc Kinh. Điều này buộc phương Tây phải tìm cơ hội tăng cường hợp tác với các vị tướng ở Khartoum, dựa trên những nỗ lực và nguồn lực của chính họ, song song với việc các quốc gia Vùng Vịnh điều chỉnh lại cách can dự vào vùng Sừng châu Phi.

Giải pháp chín ép

Tóm lại, các nhà quan sát cho rằng phương Tây nhìn nhận sự ổn định và phát triển bền vững của Sudan thông qua lăng kính tân bảo thủ, nghĩa là mở rộng những lý tưởng của Mỹ ra khắp thế giới, từ đó càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ âm ỉ ở Sudan từ năm 2019, giữa quân đội do tướng Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RFS) do Mohammed Hamdan Dagalo lãnh đạo.

Hai tướng Burhan và Dagalo tranh giành quyền lực trong những cuộc đàm phán về việc khôi phục quyền lãnh đạo dân sự ở Sudan trước khi đàm phán đổ vỡ, dẫn đến đợt bạo lực tồi tệ nhất ở nước này trong mấy thập kỷ. Các nhà phân tích cho rằng, những giải pháp chính trị chín ép, xa rời thực tế mà các nền dân chủ phương Tây ủng hộ càng làm trầm trọng tình trạng đấu đá trong nội bộ quân đội Sudan.

Kết quả dàn xếp mà phương Tây đứng sau phần lớn chỉ giới hạn trong Hội đồng quân sự chuyển tiếp và Lực lượng vì Tự do và Thay đổi. Đó là một liên minh mới ra đời, với sự tham gia của các nhóm dân sự và phiến quân Sudan được lựa chọn giản đơn, không đại diện cho các lực lượng quốc gia ở Sudan. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi những nỗ lực của phái tân cổ điển nhằm áp đặt những cấu trúc kỳ lạ trên một nền văn minh cổ đại đã thất bại.

Cách mô tả của truyền thông phương Tây khắc họa chiến sự ở Sudan hiện nay như một cuộc xung đột nội bộ bị cho là sự đơn giản hóa và nỗ lực che đậy. Nghĩa là cuộc khủng hoảng này không chỉ là tranh giành cá nhân giữa hai vị tướng Burhan và Hemedti, khi hai người vốn là bạn của nhau từ lâu.

Bản chất xung đột

Trong bài viết đăng trên AsiaTimes ngày 25/4, nhà ngoại giao nghỉ hưu của Ấn Độ M.K. Bhadrakumar cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể được giải quyết thông qua một “giải pháp an ninh”, nghĩa là một tiến trình hội nhập với sự tham gia của RSF với tư cách một đối tác chính trị chứ không phải một lực lượng quân sự trực thuộc quân đội. Sudan là một quốc gia rộng lớn với sự đa dạng về sắc tộc và vùng miền, với khoảng 400- 500 bộ lạc. Sự ổn định của quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào mô hình tương tác giữa giới tinh hoa và các thị tộc.

Về cơ bản, điều thúc đẩy các lực lượng trong cuộc xung đột hiện nay là kỳ vọng của họ về gia tăng vai trò của mình trong tiến trình chính trị nội bộ của đất nước. Cuộc xung đột hiện nay không phải về tiếp cận một số nguồn lực quân đội, mà là để kiểm soát nền kinh tế và phân chia quyền lực.

Ông Bhadrakumar cho rằng, cách xử lý thông tin không thoả đáng của đại diện Liên Hợp Quốc Volker Perthes về việc thành lập chính phủ mới cũng góp phần đáng kể dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông Bhadrakumar cho rằng, ông Perthes là người mang tư tưởng tân bảo thủ, không phù hợp để xử lý nhiệm vụ nhạy cảm như vậy. Cũng theo bài viết, cuộc họp của Liên Hợp Quốc ngày 15/3 cho thấy ông Perthes xa rời thực tế thông qua việc thúc đẩy chuyển giao quyền lực từ chính quyền quân sự sang dân sự, thay vì tập trung hỗ trợ thành lập chính phủ mới và thành lập ủy ban soạn thảo hiến pháp, vì thế đã kích thích sự đối lập giữa các bên tham chiến.

Một điều may mắn là chưa có dấu hiệu của sự cực đoan tôn giáo trong cuộc xung đột hiện nay, cũng chưa có khoảng trống quyền lực nào để các nhóm khủng bố có thể tận dụng. Một giải pháp toàn diện có thể không sớm xảy ra, vì những mâu thuẫn nội bộ tích tụ theo thời gian đòi hỏi sự thỏa hiệp, trong khi các bên đến nay vẫn chưa sẵn sàng.

Lợi ích của Nga, Trung Quốc

Trong chuyến thăm Sudan hồi tháng 2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp lãnh đạo của cả hai phe. Sau khi xung đột nổ ra ở Sudan, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: “Những sự kiện kịch tính diễn ra ở Sudan gần đây khiến Mátxcơva quan ngại nghiêm trọng. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan thể hiện ý chí chính trị và có các bước đi khẩn cấp để tiến tới ngừng bắn. Chúng tôi tin rằng bất kỳ khác biệt nào cũng có thể giải quyết thông qua thương lượng”.

Hãng quân sự tư nhân Nga Wagner bắt đầu vào Sudan năm 2017. Trước đó, Mátxcơva đàm phán một loạt thoả thuận kinh tế và an ninh với chính quyền của Tổng thống Omar al-Bashir khi đó, bao gồm quyền tiếp cận mỏ vàng dành cho M-Invest, một doanh nghiệp của Nga có liên quan đến Wagner. Các hoạt động của Wagner ở Sudan vẫn tiếp tục sau cuộc đảo chính tháng 4/2019.

Nga từ lâu đã mong muốn có thể tiếp cận Biển Đỏ. Cuối năm 2020, Mátxcơva và Khartoum đạt được một thỏa thuận về việc cho phép mở căn cứ hải quân ở thành phố Port Sudan bên bờ Biển Đỏ. Theo thỏa thuận, căn cứ sẽ trở thành một trung tâm hậu cần hải quân và sửa chữa, tiếp nhận 300 người và 4 tàu hải quân, bao gồm tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Chính quyền quá độ Sudan tạm dừng kế hoạch, một phần do sức ép của Mỹ. Sau cuộc đảo chính năm 2021, chính phủ quân sự cũng không muốn khôi phục thỏa thuận.

Trung Quốc cũng không chọn đứng về bên nào trong cuộc xung đột ở Sudan. Cách tiếp cận thận trọng của Bắc Kinh phù hợp với chính sách đối ngoại của họ, nhưng cũng để bảo vệ những lợi ích kinh tế mà họ đã tạo dựng với Sudan trong 3 thập kỷ qua. Tháng 5 năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Khartoum Ma Xinmin cho biết, hơn 130 công ty Trung Quốc đang làm ăn ở Sudan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ước tính có hơn 15.000 công dân Trung Quốc đang ở Sudan khi xung đột nổ ra.

Quan điểm trung lập của Trung Quốc có thể tạo cơ hội để Bắc Kinh đóng vai trò trung gian hòa giải, nhưng sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia gồm Mỹ, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và UAE.

Chưa rõ giải pháp của phương Tây đối với xung đột ở Sudan hiện nay là gì. Có ý kiến cho rằng trọng tâm của phương Tây hiện nay là quốc tế hóa cuộc khủng hoảng, làm sâu sắc cạnh tranh nước lớn ở Sudan và tạo cớ để phương Tây can thiệp. Các nhà quan sát cho rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm khơi lại đống than hồng của Mùa xuân Ả-rập cũng sẽ gây ra những hậu quả lớn cho ổn định và an ninh khu vực.

Sudan nợ nước ngoài gần 60 tỷ USD

Các quốc gia chính liên quan đến hai phe tham chiến ở Sudan đều đã đưa ra những sáng kiến gìn giữ hòa bình, bao gồm UAE, Ả-rập Xê-út và Ai Cập. Bên cạnh đó, các đối tác bên ngoài, nhất là Nga và Trung Quốc, sẽ có những nỗ lực nhằm ngăn cuộc xung đột kéo dài. Sudan đang có khoản nợ nước ngoài gần 60 tỷ USD, hầu hết nợ Nga và Trung Quốc.

Tin liên quan