Những mùa cói cuối cùng ở xứ Nghệ - Bài 1: Cói đẫm mồ hôi người

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tận dụng diện tích cói ở những đám ruộng bị bỏ hoang sau khi thu hồi, chuyển đổi mục đích nhưng chưa sử dụng, người dân xã Hưng Hòa (TP Vinh, Nghệ An) ra đồng “mót” cói. Công việc vất vả nhưng bù lại cho thu nhập khá.

Tranh thủ

16 giờ, trời vẫn nắng chói chang. Trên cánh đồng cói ở xã Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An có khoảng chục người đang miệt mài gặt cói, chẻ cói. Nói là cánh đồng nhưng thực chất chỉ là những đám ruộng bị bỏ hoang sau khi thu hồi, chuyển đổi mục đích nhưng chưa sử dụng. Tận dụng phần diện tích này, một số hộ dân xóm Phong Thuận, xã Hưng Hòa ra đồng “mót” cói. Đây là vụ thu hoạch chính, nhưng những cánh đồng cói đã không còn nhộn nhịp như ngày xưa.

Tất bật gặt cói, ông Dương Xuân Khoa (SN 1962) cho biết: “Nhà tôi 3 đời làm cói. Khi vừa mở mắt là thấy cây cói, nghe mùi cói. Lên 7 tuổi đã biết kéo gon. 10 tuổi đã ra đồng cùng cha mẹ gặt hái. Nếu không quen sẽ thấy gốc cói sắc, đâm vào chân đau, chứ như chúng tôi đã quen đi trên gốc cói, trên ruộng mấp mô này”.

Người đàn ông nhớ về thời hoàng kim của cây cói Hưng Hòa: “Ngày trước, những cánh đồng cói trải dài xanh mượt như tấm thảm khổng lồ. Khi đến mùa thu hoạch, làng trên, xóm dưới rộn ràng cắt, phơi, phục vụ cho việc dệt chiếu. Trên các con đường dẫn vào làng, người dân đều phơi cói. Mùi cói khô tỏa ra một mùi thơm rất riêng, ngan ngát. Nhờ có những ruộng cói mà nhà nhà có thêm thu nhập, nuôi con cái ăn học và trang trải cuộc sống”.

Những mùa cói cuối cùng ở xứ Nghệ - Bài 1: Cói đẫm mồ hôi người ảnh 1

Cói được chẻ bằng máy, năng suất và đều, đẹp hơn.

Những mùa cói cuối cùng ở xứ Nghệ - Bài 1: Cói đẫm mồ hôi người ảnh 2

Khi nắng lên cao, vợ chồng ông Khoa căng một tấm vải trên đồng tạo thành chỗ trú nắng và tiếp tục công việc.

Chỉ mới 30 phút, tấm lưng áo của ông Khoa đã ướt sũng. Trên gương mặt, những giọt mồ hôi lã chã rơi vào thân cói dưới chân. Ông bảo, gốc cói cứng, chiều cao lý tưởng để thu hoạch là vào khoảng từ 1-1,5m. Bởi vậy, thu hoạch cói là công việc khá mất sức đối với người dân. Cây cói sau khi được chặt khỏi gốc bằng một chiếc dao rựa sắc lẹm, phải giũ mạnh để loại bỏ phần “áo” gốc hay những cây hỏng, chiều cao không đạt. Phần việc này thường do những người đàn ông đảm nhận. “Cây cói dễ sống, không cần nhiều công chăm sóc và cho thu hoạch hàng năm trong thời gian dài mà không phải trồng lại mới. Tuy nhiên, diện tích trồng cói ngày càng bị thu hẹp do nghề làm chiếu cói không còn thịnh hành như trước. Mặt khác, phần lớn diện tích trồng cói đã được quy hoạch, chuyển đổi sang mục đích khác”, ông Khoa chia sẻ.

Những mùa cói cuối cùng ở xứ Nghệ - Bài 1: Cói đẫm mồ hôi người ảnh 3

Người dân Hưng Hòa thu hoạch cói.

Sau khi được cắt, giũ sạch để lấy những cây đạt tiêu chuẩn, cói được chẻ làm đôi. Theo lời ông Khoa, công đoạn này phải được thực hiện khi cây cói còn tươi. Bên chiếc máy chẻ cói, ông có nhiệm vụ đẩy cói vào máy để phân tách thân cói ra làm đôi theo chiều dọc, còn vợ ông sẽ thu sợi cói sau khi chẻ. Đôi bàn tay thuần thục, hai vợ chồng kết hợp ăn ý, chẳng mấy chốc, những đống cói đã được chất cao vút. “Chẻ cói bằng máy cho năng suất hơn và chẻ đều, đẹp hơn. Cói đạt chuẩn để sử dụng dệt chiếu là những cây cao, khỏe, cứng cáp, đặc biệt là có màu sắc đẹp. Hai vợ chồng tôi mỗi ngày thu hoạch được từ 50-70kg cói thành phẩm, nếu thời tiết thuận lợi thì có thể hơn”, ông Khoa cho hay.

“Mót được chừng nào hay chừng ấy”

Tối đi làm, ngày chị Nguyễn Thị Minh (SN 1995) cùng mẹ chồng ra đồng “mót” cói. Chị cũng là người trẻ tuổi nhất trên cánh đồng cói này. “Trồng cói, chăm sóc cói đã vất vả nhưng thu hoạch cói cũng vất vả không kém và mất rất nhiều thời gian. Giá cói thời điểm hiện tại 90.000-100.000 đồng/10kg. Mỗi ngày, tôi cùng mẹ chồng có thể thu hoạch, sơ chế được 60kg, tính ra được khoảng 600 nghìn đồng. Ngày thuận lợi, làm túc tắc cũng có thể đút túi nửa triệu bạc mỗi người. Công việc này không mất chi phí đầu tư, chỉ mất sức thôi nhưng phải chịu khó”, chị Minh nói.

Nhanh tay gặt cói, chị Minh cho biết, mùa thu hoạch cói ở vùng ven sông Lam bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch. “Cói sau khi chẻ thường được phơi ngay trên những ruộng vừa thu hoạch xong hoặc trên các bãi bồi, bờ ruộng… Số ít được người dân mang về phơi tại nhà. Thời tiết nắng nóng như hiện nay rất thích hợp cho việc thu hoạch cói. Chỉ cần phơi từ sáng đến chiều là cói sẽ khô, lên màu rất đẹp. Sau khi sơ chế, cói được dệt thành chiếu, hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ”, chị Minh tâm sự.

Trước đây, gia đình bà Trần Thị Hương (SN 1977) có 6 ha diện tích trồng cói, nay quy hoạch làm dự án nên chỉ còn khoảng 1 ha. Nhiều năm qua, cây cói đã phần nào giúp cải thiện cuộc sống, trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. “Cây cói đã gắn bó với gia đình 3 đời, nay diện tích cói bị thu hồi để làm dự án, chúng tôi cũng buồn lắm nhưng không biết làm thế nào. Sau một ngày phơi ngoài đồng, cói sẽ được gom lại, đưa về nhà phơi trở một lần nữa trước khi nhập cho thương lái. Hiện, một phần nhỏ cói được số ít hộ dân còn dệt chiếu ở Hưng Hòa sử dụng. Còn chủ yếu cói thành phẩm được bán ra Nga Sơn, Thanh Hóa - nơi có làng nghề dệt chiếu nổi tiếng hoặc bán cho các thương lái để xuất đi Trung Quốc”, bà Hương nói.

Ông Khoa, bà Hương… có thể là những người “mót” cói cuối cùng ở Hưng Hòa. Bởi khi các dự án được quy hoạch và thu hồi đất để triển khai đi vào xây dựng, đồng nghĩa những thửa ruộng cói cũng biến mất. Không còn tự chủ được nguyên liệu cùng với thị trường ngày càng bị thu hẹp, nghề làm chiếu cói ở đây vốn đã rất khó duy trì nay đứng trước nguy cơ xóa sổ.

Để tránh nắng nóng, những nông dân Phong Thuận ra đồng từ lúc 4 giờ sáng, trưa về nhà, chiều lại ra đồng cho đến tận 7, 8 giờ tối. Họ miệt mài làm việc và chỉ dừng lại dăm phút để uống nước, rồi lại tay cắt tay chẻ và đem phơi. Công việc nặng nhọc, chỉ kéo dài khoảng vài tháng trong năm nên người dân đều tranh thủ. “Người trẻ thì làm việc khác, có tiền hơn. Giờ chỉ có người già, không biết làm gì nữa mới tranh thủ đi “mót” cói kiếm đôi đồng thôi. Cũng vì ít người làm nên cói dễ bán, được giá hơn. Giờ chúng tôi “mót” được chừng nào hay chừng ấy, vì khu vực này đã bị thu hồi làm dự án”, bà Hương trải lòng.

Trên cánh đồng nắng lóa rộn rã tiếng cười nói, những tấm lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Nghề cói là thế, cần nắng. Có biết bao nhiêu khó khăn, cùng nỗi lo mai một làng nghề, nhưng giây phút này đây, tiếng máy chẻ, tiếng dao cứa vào từng lá cói xanh, bày châu chấu bay nhảy trên đám cỏ, tất cả cho một cảm giác bình yên…

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.