Những kỷ vật hiếm, nguyên gốc 'kể chuyện' về Chủ tịch Hồ Chí Minh
TPO - Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề "Mỗi kỷ vật một câu chuyện", giới thiệu nhiều hiện vật độc bản, nguyên gốc, gắn liền với các câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Ngày 13/10, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VHTT&DL, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Mỗi kỷ vật một câu chuyện”(Sưu tập tặng phẩm Bác Hồ 1945 - 1969). Ảnh: Trường Phong |
|
Bộ sưu tập gồm khoảng 200 hiện vật, tư liệu của nhân dân trong nước, kiều bào, bạn bè quốc tế gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng bào và bạn bè quốc tế, được giới thiệu đến công chúng. Trong ảnh là khăn rằn ri Nam Bộ, do T.Ư Cục miền Nam tặng Bác Hồ năm 1963. Ảnh: Trường Phong |
|
Trong ảnh là khăn len quàng cổ, do bà Marie Louise, phu nhân Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968. Ảnh: Trường Phong |
|
Tranh thêu chân dung Bác Hồ trong không khí toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Vải trắng thêu chỉ nhiều màu, do học sinh Trường Thanh thiếu niên Việt Nam thêu tặng Bác Hồ dịp kỷ niệm 8 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1953). Ảnh: Trường Phong |
|
Bộ tặng phẩm Nguyên soái Diệp Kiếm Anh tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1961, gồm bộ đồ dùng văn phòng bằng đá ngọc; quạt Trương Phi; bài từ của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Ảnh: Trường Phong |
|
Khăn quàng đỏ Bác Hồ tặng em Đinh Ngọc Thỉ - Chủ nhiệm Hợp tác xã Măng non Duy Viên, tháng 12/1966 và áo len gile Bác Hồ tặng nghệ sĩ Linh Nhâm năm 1967. Ảnh: Trường Phong |
|
Bộ sưu tập tượng mèo hoa bằng sứ nhiều màu, do hai cháu Anna và Bạch Lan, sống tại Bắc Kinh, Trung Quốc gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Người, ngày 1/5/1960. Ảnh: Trường Phong |
|
Bộ tặng phẩm của Việt kiều Pháp Nguyễn Viết Tỵ, gồm Huy hiệu Marcel Cachin; đĩa hát Những tiếng hát trong các bưng biền Việt Nam; máy chữ Hermes Baby phiên bản Thuỵ Sỹ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Việt Tỵ sang Pháp năm 1921. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn ngoại giao Việt Nam đến Paris trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp, anh vinh dự trở thành đầu bếp nấu ăn phục vụ Người và phái đoàn. Sau khi Bác Hồ về nước, anh đã gửi đồng chí Nguyễn Đức Thọ mang từ Paris về tặng Người số tặng phẩm nói trên để bày tỏ tình cảm và sự ngưỡng mộ. Ảnh: Trường Phong |
|
Chân dung Bác Hồ, ký hoạ mực nho của cháu Đàm Bình, học sinh trường Kim Đồng vẽ tặng Bác Hồ nhân dịp sinh nhật lần thứ 74 của Người, năm 1964. Ảnh: Trường Phong |
|
Bộ tặng phẩm nhà báo Pháp Madeleine Riffaud tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm sách "Trong bưng biền Việt Cộng"; sách "Ở Bắc Việt Nam - Viết dưới làn bom" và bộ đĩa hát Maurice Chevalier. Ảnh: Trường Phong |
|
Áo len và đài bán dẫn Bác Hồ tặng bà Nguyễn Thị Tố (Nghệ An) trong thời gian bà hoạt động cách mạng. Bà Tố đã tặng lại các kỷ vật này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2007. Ảnh: Trường Phong |
|
Bộ dụng cụ bàn ăn bằng tre vót, gồm đũa, dao, dĩa, que xiên do cháu Nguyễn Thị Băng Tâm, học sinh trường Tiểu học Nguyễn Văn Sắc (Hà Nội) tự làm tặng Bác Hồ, ngày 10/2/1964. Ảnh: Trường Phong |
|
Các vật phẩm Huy hiệu Lê Nin, do Đoàn đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô thăm Việt Nam tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1962; Bộ đồ cà phê do Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hộp gỗ sơn mài, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A.N.Kosygin dẫn đầu sang thăm hữu nghị Việt Nam, tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/2/1965. Ảnh: Trường Phong |
|
Tấm lụa hoa Bác Hồ tặng Phó Tổng Biên tập Báo ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Định, khi vợ ông Định là bà Nguyễn Thị Mễ đẻ sinh ba, năm 1962. Ảnh: Trường Phong |
|
Truyện Kiều, bản dịch tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh, xuất bản năm 1951. Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng nhà quay phim Cộng hoà dân chủ Đức Franz Faber, năm 1954. Ảnh: Trường Phong |
|
Tranh thêu Chùa Một cột bằng chỉ thêu nhiều màu, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Luật sư Loseby năm 1960. Luật sư Loseby là luật sư tiến bộ người Anh, làm việc tại Văn phòng Luật sư Russ and Co ở Hồng Kông. Ông là người bào chữa thành công cho Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông những năm 1931 - 1933. Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời gia đình luật sư Loseby sang thăm Việt Nam. Nhân dịp này, Người đã tặng Luật sư bức tranh thêu Chùa Một cột, công trình nghệ thuật kiến trúc Phật giáo nổi tiếng, biểu tượng của đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Ảnh: Trường Phong |
|
Mũ dạ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông Pierre Biquard, tháng 1/1969, nhà vật lý người Pháp, Uỷ viên Hội đồng hoà bình thế giới. Tháng 12/1968, ông cùng Đoàn phong trào Hoà bình Pháp đi thăm và ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Ngày 2/1/1969, ông Pierre Biquard cùng đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch. Khi đoàn chuẩn bị rời đi, nhìn thấy ông Biquard đầu trần giữa mùa đông giá rét, Bác Hồ đưa cho ông chiếc mũ dạ và bảo "Anh đội mũ vào đi, bên ngoài đang rất lạnh". Nhìn chiếc mũ, ông nói: "Nhưng thưa Chủ tịch, chiếc mũ quá nhỏ với cái đầu của tôi". Người trả lời: "Vậy anh cứ giữ lấy như một món quà kỷ niệm". Trâm cài hình con bướm Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Saipradit Phanomyong Vaini, con gái út Nguyên Thủ tướng Thái Lan Pridi Banomyong trong dịp gia đình ông đến thăm Việt Nam, tháng 8/1963. Ảnh: Trường Phong. |
|
Thanh gươm và áo trấn thủ Bác Hồ tặng cụ Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) - Thủ lĩnh đồng bào dân tộc H'mông (Hà Giang). Ảnh: Trường Phong |
|
Tượng voi, gỗ chạm khắc, do Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tặng Bác Hồ nhân dịp sinh nhật lần thứ 76 của Người, năm 1966. Ảnh: Trường Phong |
|
Một số vật phẩm Bác Hồ tặng các nghệ sĩ, cán bộ cách mạng. Ảnh: Trường Phong |
|
Bộ quần áo tơ tằm Bác Hồ tặng đồng chí Trịnh Như Lương, năm 1949 và Thư Bác Hồ gửi đồng chí Trịnh Như Lương. Ảnh: Trường Phong |
|
Đồng hồ đeo tay Movado, Bác Hồ tặng Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc Trần Đăng Khoa, năm 1955. Ảnh: Trường Phong |
|
Bộ sưu tập Huy hiệu Bác Hồ, phần thưởng cao quý của Bác Hồ dành tặng những cá nhân lập chiến công xuất sắc trong chiến đấu cũng như trong phong trào "Người tốt, việc tốt". Ảnh: Trường Phong |
|
Vật phẩm từ Indonexia và Miến Điện tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Trường Phong |
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà du hành vũ trụ Liên Xô Gherman Stepanovich Titov tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, ngày 21/1/1962. Ảnh: Trường Phong |
Trường Phong