Đó là chuyến xe chở rau quả mà những người dân Nam Trà My gom góp được để ủng hộ đồng bào lâm nạn. Tôi đã từng đến Nam Trà My sau đợt mưa lũ, sạt lở núi khủng khiếp năm 2020. Tôi biết vùng đất dân cư chủ yếu là đồng bào thiểu số đó nghèo kiệt lại hay bị thiên tai.
Lại cũng thấy trên truyền hình những cảnh quay ở tỉnh nào đó bà mẹ già bê cái rổ có 4 – 5 củ su hào, em bé xách hai tay hai quả bầu nhỏ đến điểm quyên góp rau quả cho đồng bào vùng dịch.
Tác giả trong một chuyến thăm hỏi đồng bào bị mưa lũ ở Quảng Bình năm 2020 do báo Tiền Phong và Công ty Sen Vàng tổ chức. Người ngồi sau là Nguyễn Thúc Thùy Tiên - người năm 2021 xuất sắc giành danh hiệu Hoa hậu Hoà bình Thế giới |
Cùng với con số trăm tỷ, nghìn tỷ đồng của những tập đoàn, những doanh nghiệp lớn góp cho công cuộc chiến đấu với COVID 19, những mớ rau, củ su hào, quả bầu của đồng bào dân tộc thiểu số, của em bé, bà mẹ ấy cho thấy nước mình là một đất nước thiện nguyện.
2. Có năm bão lớn, nhiều ngư dân bỏ mình trên biển, khăn tang trắng một vệt ven biển Hậu Lộc, Thanh Hoá, báo Tiền Phong kết nối đưa một đoàn thiện nguyện về thăm hỏi, trao quà. Khi tôi đưa chiếc phong bì trong đó có 500 nghìn đồng cho một bà cụ rất già, lưng còng, bà nói “Con xin ông”.
Đó là một câu nói ám ảnh tôi nhiều năm, cho đến tận bây giờ.
Nhiều khi nhớ lại, tôi nghĩ có lẽ lúc đó tôi nên quỳ xuống trước mặt bà cụ già ấy.
Năm 2020, dịch bùng phát. Nhiều người nghèo hết kế sinh nhai. Trên mạng lan đi bức ảnh chấn động: Một ông cụ ôm thùng mì phát chẩn, nước mắt giàn giụa.
Đó là những câu chuyện, những hình ảnh chúng ta sống và nhớ lấy, như tên của một cuốn sách.
3. Những năm có thiên tai lớn, báo Tiền Phong đều kêu gọi và tổ chức những đoàn công tác cùng đối tác, nhà tài trợ đi thăm hỏi đồng bào bị nạn. Chúng tôi đã gặp nhiều cảnh thương tâm, nhưng ám ảnh tôi nhất là dáng ngồi rũ xuống và đôi mắt vô hồn, nhìn mà không nhìn bất cứ thứ gì của những người mất hết người thân.
Hai thanh niên người dân tộc thiểu số, một ở Yên Bái, một ở Thanh Hoá có số phận giống nhau kỳ lạ. Cơn lũ quét cuốn phăng ngôi nhà cùng tất cả 6 – 7 người ruột thịt của họ. Họ thoát vì đang đi làm ăn ở nơi khác nhưng còn lại một mình trên cõi đời này. Chúng tôi không biết nói gì thêm với họ sau vài câu động viên. Chỉ biết ngồi cạnh cầm những bàn tay lạnh giá mong truyền sang đó một chút hơi ấm.
Có lẽ, cách duy nhất truyền lại lửa sống cho những đôi mắt ấy là làm cho chủ nhân của chúng thấy rằng bên cạnh họ vẫn có nhiều, rất nhiều những người khác, những tấm lòng.
4. Có đến quá nửa những chuyến thiện nguyện của báo Tiền Phong hướng về vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Khi nguồn lực huy động chỉ đủ đưa tới cho mỗi gia đình 500 nghìn đồng, chúng tôi thấy áy náy vì quá ít. Nhưng lãnh đạo nhiều địa phương nói không, thậm chí nên chia quà ra nhỏ hơn, 300 nghìn một suất thôi để nhiều người được hưởng hơn vì đối với nhiều gia đình 300 nghìn đã là một số tiền lớn mà không phải lúc nào trong nhà cũng có được.
5. Trong công việc, chúng tôi gặp nhiều người rất đáng khâm phục, những người còn rất trẻ nhưng đã quyết định gắn bó cả đời mình với việc thiện nguyện.
Một trong số đó là Hoàng Hoa Trung – Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019, người bắt đầu làm thiện nguyện từ năm 17 tuổi và dần dà tập trung hoàn toàn vào việc làm thiện nguyện, quyết định dành cả cuộc đời mình vào việc này. Cùng nhóm của mình, Trung tạo ra các chương trình lớn như Nuôi em, Sức mạnh 2000… hỗ trợ nuôi hàng vạn em bé miền núi nghèo, xây dựng hàng trăm điểm trường, hàng nghìn phòng học.
Đất nước cần những người để xoay chuyển tình thế, những nhà chiến lược nhưng cũng rất cần những người chăm lo cho những phận không may khi tình thế chưa thực sự xoay chuyển và góp phần thúc đẩy sự xoay chuyển đó.
6. Hè năm 2017, tôi tình cờ gặp nói chuyện với thượng tá Cao Đăng Cường, một sĩ quan Biên Phòng miền núi Thanh Hoá. Cường mời tôi có dịp ghé thăm đồn của anh. Đến tháng 10 năm đó thì xe anh và một đồng đội qua ngầm bị lũ bất ngờ ập về cuốn trôi. Nhiều ngày sau thi thể anh mới được tìm thấy trên một ngọn cây. Còn đồng đội anh thì cho đến giờ vẫn không được tìm thấy.
Tôi đã đến đứng cúi đầu chỗ Cường bị cuốn trôi ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá, rồi về thăm, động viên gia đình hai sĩ quan hy sinh, chuyển quà của bạn đọc gửi chia sẻ. Tại Sầm Sơn, khi tôi chào ra về, mẹ của Cường đi cùng tôi ra cửa, vòng tay ôm ngang lưng tôi nói: “Em nó thiệt phận, có các anh đến chia sẻ thế này mẹ cũng cảm thấy nhẹ lòng bớt”.
Câu nói của mẹ cùng với điếu thuốc mà một nhóm thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Kim Bảng, Hà Nam châm sẵn và cắm vào môi tôi nói “hút đi!” tôi coi là phần thưởng lớn nhất với mình trong những năm tháng làm công tác đền ơn đáp nghĩa, thiện nguyện.
7. Học bổng Nâng bước thủ khoa của báo Tiền Phong và Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam hằng năm trao từ 10 đến 20 triệu đồng/suất cho những thủ khoa đầu vào các ngành của các trường đại học có hoàn cảnh khó khăn được bình chọn. Phần đông con nhà nghèo được cha mẹ khuyến khích học để thoát nghèo, nhưng nhiều em cha mẹ thuyết phục ở nhà vì không thể nào chu cấp cho con đi học. Nhiều em nhập trường tay trắng, nhưng cứ đi rồi tính, nghĩ sẽ làm thêm để vừa mưu sinh, vừa học. Một số em chỉ biết khóc khi được hỏi vì cả cha lẫn mẹ không còn trên đời. Nhưng các em là các thủ khoa, á khoa, hoặc đạt thứ hạng rất cao trong các kỳ thi tuyển sinh đại học.
BTC học bổng cố gắng để không chỉ đơn giản cấp cho các em một số tiền học bổng mà mời các em về nơi tổ chức, để các em được gặp mặt nhau, được tham quan, giao lưu, được tôn vinh. Để các em cảm thấy ấm áp và vinh dự, củng cố nơi các em niềm tin vào cuộc sống.
8. Vẫn có câu rằng “hãy đưa chiếc cần câu, đừng đưa con cá”. Một câu nói đúng về nguyên tắc, đúng trên diện rộng, nhưng theo tôi chưa hoàn toàn, đặc biệt nếu áp dụng vào những cảnh huống cụ thể. Vẫn phải kết hợp đưa cả cần câu, cả con cá, tuỳ vào tình huống hoàn cảnh. Hãy nghĩ đến những ông cụ, bà cụ, những sinh viên nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn… trên. Bởi nhiều trường hợp, nếu chỉ có cần câu thì lại phải nhớ câu “nước xa không cứu được lửa gần”.
9. Tôi tin rằng đại đa số các nghệ sĩ thành tâm làm việc thiện. Có thể một số người trong họ nghĩ không tới, nghĩ đơn giản, nên làm đại khái, rồi chậm trễ. Và họ phải trả giá đắt về việc đó.
Niềm vui của các em bé người Mông ở Thanh Hóa trong một sự kiện thiện nguyện của Tiền Phong |
Thật ra, tổ chức chuyển các nguồn lực thiện nguyện tới tận tay người cần không phải là việc dễ. Ngay cả báo Tiền Phong, với bộ máy có thể nói là khá hùng hậu của mình, có văn phòng đại diện tại 5 vùng miền, thêm hàng chục phóng viên thường trú tại các tỉnh, thành, lại dựa vào hệ thống Đoàn, Hội, chính quyền địa phương mà mỗi năm thực hiện việc đưa khoảng trên dưới 10 tỷ đồng tiền thiện nguyện tới nhiều đối tượng khác nhau cũng vẫn là một việc rất vất vả, cần nhiều thời gian và phải chịu khó lên rừng, xuống biển, lội nước, lội bùn.
Thiện nguyện là việc làm vất vả, cao quý. Không nên vì sơ suất của vài người mà phủ nhận, mà chỉ trích đại trà để rồi cũng trở thành đại trà câu nói “xin chừa làm thiện nguyện”.
10. Báo Tiền Phong có nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa, thiện nguyện: Chủ Nhật Đỏ, Học bổng Nâng bước thủ khoa, Chương trình đền ơn đáp nghĩa dành cho các cựu TNXP, thương binh và người có công, Chương trình tết cho người nghèo vv và vv... Bên cạnh đó là nhiều hoạt động xã hội, văn hoá, thể thao mang tầm quốc gia khác. Một năm, lớn nhỏ tổng cộng từ 40 – 50 hoạt động. Còn trên cả những việc kia là nhiệm vụ chính trị của một cơ quan báo chí.
Thành thử, nhiều khi cán bộ, phóng viên, nhân viên mệt mỏi vì quá tải. Thậm chí có người bàn lùi, nên giảm bớt, nên dừng lại… Lãnh đạo báo đôi khi cũng phải nói sẽ xem xét việc khoanh việc lại, tập trung vào một số hoạt động chính thôi. Nhưng rồi nghĩ lại, nhớ lại những điều mà một phần tôi kể trên đây, lại động viên anh chị em: Chúng ta đã rất cố gắng rồi, hết sức rồi. Nhưng thôi, hãy cố gắng thêm chút nữa!.