Những đồ ăn thức uống “mang hoạ” cho người bị viêm họng

Ảnh minh hoạ: Interenet
Ảnh minh hoạ: Interenet
TPO - Việc điều trị viêm họng mạn tính phải điều trị tận gốc bệnh, như viêm họng do viêm xoang chảy dịch xuống, hút thuốc nhiều cũng gây viêm họng mạn tính, hay trào ngược dạ dày, dịch axít dạ dày trào ngược lên cũng gây viêm họng. Người bệnh bị viêm họng hạt không nên ăn đồ lạnh, những đồ để lâu trong tủ lạnh, không uống nước đá, ăn kem.. hay đồ ăn nóng quá, gây tổn thương đến biểu mô của niêm mạc họng, khiến bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.

Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Trưởng bộ môn Tai mũi họng – Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình – Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, viêm họng nhiều lần, tái đi tái lại, tổ chức lympho tập trung ở vùng đó nổi lên gọi là viêm họng hạt.

Thời gian dài người ta nghĩ rằng hạt này gây viêm họng nhưng thực ra hạt này là hậu quả của viêm họng kéo dài mà thôi. Khi viêm nhiều tổ chức lympho tạo nên hạt này.

Để điều trị bệnh này cần điều trị căn nguyên của nó. Trước kia người ta nghĩ rằng đốt cái hạt đó đi sẽ hết viêm, khi viêm cấp hạt đó đỏ, trên hạt có chấm mủ, nghĩ đó là tổ chức viêm. Thực ra đó nằm trong bệnh cảnh viêm họng nói chung, việc đốt hạt đó không giải quyết được căn nguyên và gây nên bỏng của niêm mạc họng để lại sẹo gây biến đổi cảm giác vùng họng nhiều, nên ngày nay rất ít sử dụng nếu không muốn nói là không sử dụng nữa.

Việc điều trị viêm họng mạn tính phải điều trị tận gốc bệnh, như viêm họng do viêm xoang chảy dịch xuống, hút thuốc nhiều cũng gây viêm họng mạn tính, hay trào ngược dạ dày, dịch axít dạ dày trào ngược lên cũng gây viêm họng. Như viêm họng do trào ngược dạ dày, ít khi người bệnh cảm nhận được, khi ngủ người bệnh bị trào ngược dạ dày, chỉ bằng qua thăm khám mới xác định được.

Việc điều trị phải tùy từng nguyên nhân như viêm xoang thì phải điều trị, bỏ hút thuốc hoặc là uống thuốc tránh trào ngược nếu bị trào ngược dạ dày.

Người bệnh bị viêm họng hạt không nên ăn đồ lạnh, những đồ để lâu trong tủ lạnh, không uống nước đá, ăn kem.. hay đồ ăn nóng quá, gây tổn thương đến biểu mô của niêm mạc họng, khiến bệnh càng trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, không nên ăn mặn quá. Không được hút thuốc lá, thuốc lào - một trong những nguyên nhân gây các bệnh về họng kéo dài.

Về chế độ ăn với những bệnh nhân nghi trào ngược dạ dày, bữa cuối cùng nên cách lúc đi ngủ 4 tiếng, khi dạ dày ít thức ăn thì sẽ đỡ bị trào ngược. Tránh ăn xong đi ngủ ngay, trẻ nhỏ trước khi đi ngủ hay được ăn uống cũng dễ bị trào ngược, đồ rán mỡ, trà, cà phê đều gây trào ngược nhiều hơn... Ngoài việc dùng thuốc chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng trong viêm họng do trào ngược. 

MỚI - NÓNG