Giữa ngổn ngang khó khăn, đã nổi bật lên những điểm sáng, cho thấy giá trị của sự dũng cảm bứt phá, đổi mới để vươn làm đẹp cho ngành, ghi tên Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
1/Phú Yên lần đầu tiên tăng trưởng du lịch đạt trên 25%. Vượt qua những hạn chế về giao thông và cơ sở hạ tầng, Phú Yên kiên trì cầu thị và khuyến mãi, mà cụ thể là miễn vé tham quan toàn bộ cho du khách. Sau khi công chiếu bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được công chúng nồng nhiệt khen ngợi, Phú Yên đã chủ động mời đoàn phim gặp gỡ và giao lưu để PR và tạo nên hiệu ứng bất ngờ về lượng khách.
2/Đà Nẵng vẫn tiên phong đột phá với nhiều cách làm sáng tạo, các sự kiện độc đáo bằng cách xã hội hóa, huy động được tiềm lực và phối hợp đồng bộ. Các lễ hội “Pháo hoa”, “Đường đua sắc màu”, “Flashmob Biển”, “Marathon quốc tế”, “Lướt ván sông Hàn”… đều ấn tượng. Đà Nẵng là địa phương tổ chức thành công nhất các lễ hội, góp phần quyết định vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch, gần 30%.
3/Hà Giang là tỉnh cực Bắc, có cột cờ Lũng Cú; giao thông cách trở nhưng là điểm nóng du lịch. Tỉnh đã cố gắng cải thiện các dịch vụ, từ vận chuyển, lưu trú đến dịch vụ. Đáng khen nhất là lễ hội “Hoa tam giác mạch”, biểu tượng du lịch của Hà Giang, lần đầu tiên được tổ chức khá thành công với sự hưởng ứng tích cực của người dân lẫn du khách. Hà Giang cũng vừa đưa vào khai thác hang Lũng Khúy (Quản Bạ) cực đẹp. Tăng trưởng du lịch của tỉnh tăng hơn 20% so với năm ngoái.
4/Quảng Nam, tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 2 di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn. Nếu Hội An vẫn giữ vững vị trí số 1 đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam thì cù lao Chàm lại đi đầu về du lịch sinh thái. Dù là trọng điểm du lịch nhưng các điểm đến đều đảm bảo thân thiện, không có nạn ăn xin, bán hàng rong, móc túi, chặt chém… Du lịch Quảng Nam 2015 tăng hơn 10%.
5/Hiệp hội Du lịch TPHCM với chương trình “Kích cầu nội địa”. Chương trình khởi đầu từ 2012 với vài ngàn vé khuyến mãi của Vietnam Airlines đã tăng lên hơn 130.000 vé với cả Vietjet Air và Jestar Pacific trong năm 2015. Gần đây có thêm Công ty Đường sắt Sài Gòn cùng nhập cuộc. Dù kết quả còn khiêm tốn nhưng là bước đột phá của Hiệp hội ngành nghề, nối kết các dịch vụ, tăng sức cạnh tranh cho du lịch.
6/Tập đoàn Mường Thanh, chủ sở hữu tư nhân chuỗi khách sạn cao cấp ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Năm 2015, Mường Thanh đưa vào hoạt động 9 khách sạn mới, nâng tổng số chuỗi khách sạn lên 34.
7/Phú Quốc tiếp tục vị trí dẫn đầu về du lịch biển đảo, cả chất lượng dịch vụ lẫn đầu tư mà Vườn thú hoang dã Vinpearl Safari thuộc tập đoàn Vincom Group là trọng điểm. Có diện tích gần 480 ha với hơn 3.000 động vật quí hiếm.
8/Chuỗi tour chuyên biệt khám phá hang động ở Quảng Bình do Công ty Oxalis tổ chức. Nếu tour “Khám phá Sơn Đoòng” rất đắt và kén khách (giá tour 3.000 USD, 5 ngày 4 đêm) thì các tour “Khám phá hang Én” ( 2 ngày 1 đêm), “Khám phá hệ thống hang động Tú Làn” (từ 1 – 4 ngày 3 đêm) phổ biến hơn dù không thể đại trà nhưng cực kỳ hấp dẫn. Với sự tham gia tư vấn, huấn luyện và thiết kế tour của các chuyên gia hang động Anh, Oxalis đã tạo nên thương hiệu Việt hàng đầu về du lịch hang động.
9/ Chuỗi Homestay ở Việt Bắc do CBT (Community Based Tourism) Việt Nam hỗ trợ, phối kết hợp với các địa phương, các nguồn lực xã hội, mở ra hướng đột phá về du lịch cộng đồng lấy cư dân làm chủ thể. Dù qui mô nhỏ nhưng hiệu quả và rải đều nhiều tỉnh. Mô hình này có thể xem là chuẩn để phát triển ra các tỉnh vì tính thực tiễn, từ nhân lực tới vật lực và rất dễ thực hiện. Các điểm đang hoạt động là Mai Hịch, bản Lác, bản Bước (Hòa Bình); Xuân Giang (Hà Giang); Nghĩa Lộ (Yên Bái); Thái Hải (Thái Nguyên); Hua Tat và hang Kia (Sơn La)…
Đây chỉ là những điểm sáng tiêu biểu, từ góc nhìn của cá nhân tôi, một người hoạt động hơn 30 năm chuyên ngành du lịch. Hy vọng những điểm sáng này sẽ lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, tiếp tục góp phần tô điểm diện mạo du lịch Việt Nam rạng rỡ hơn trong năm 2016.
Nguyễn Văn Mỹ (UV.BCH Hiệp Hội Lữ hành VN)