Các loại bệnh về gan phổ biến như Viêm gan B, Viêm gan C, Gan nhiễm mỡ không do bia rượu…
Viêm gan C gây nhiễm trùng mãn tính ở hầu hết những người mắc bệnh này và có tỷ lệ nhiễm bệnh cao gấp 10 lần so với HIV, nhưng nhiều người không được xét nghiệm vì họ không nhận ra rằng họ đang có nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do bia rượu thường có yếu tố nguy cơ là do béo phì và tiểu đường tuýp 2, bệnh này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai vào bất kỳ lúc nào trong đời. Có những người bị bệnh nhưng không hề có dấu hiệu nguy cơ mắc bệnh.
Vậy làm thế nào để biết được gan có đang gặp vấn đề gì không để tiến hành sàng lọc sớm phát hiện bệnh. Những dấu hiệu dưới đây sẽ nói cho bạn biết đã đến lúc cần gặp bác sỹ.
1. Phân có màu nhạt: Bất cứ lúc nào phân có sự thay đổi đáng kể, cần thông báo với bác sỹ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể thấy xấu hổ khi nhắc đến điều này nhưng nó thật sự rất quan trọng nhằm giúp các bác sỹ nhận định những gì đang xảy ra trong cơ thể chúng ta. Phân nhạt màu thường chỉ ra đường mật bị tắc do bệnh gan cơ bản.
2. Vàng da: Nếu bạn nhận thấy da hoặc vùng trắng ở mắt vàng hơn bình thường, hãy tìm gặp bác sỹ ngay. Vàng da phổ biến ở trẻ sơ sinh nhưng với mức độ nhẹ, còn đối với người lớn thì cần được điều trị. Việc đổi sang màu vàng là do sự hình thành bilirubin trong máu, sản phẩm của sự phân hủy tế bào hồng cầu. Khi gan không thể làm sạch được bilirubin khỏi hệ thống cơ thể, nó sẽ tích tụ và gây ra vàng da.
3. Không có cảm giác thèm ăn và buồn nôn: Triệu chứng này có thể đi cùng với việc giảm cân và có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề về sức khoẻ, một số bệnh nghiêm trọng và những bệnh khác có thể điều trị dễ dàng. Những thay đổi trong cảm giác thèm ăn, giảm cân đột ngột không giải thích được, và buồn nôn dai dẳng cần được đánh giá bởi bác sỹ chuyên khoa nhằm sàng lọc bệnh gan hoặc các bệnh khác.
4. Mệt mỏi và/hoặc suy nhược: Tuy có cảm giác ngủ ngon mỗi đêm nhưng vẫn có cảm giác mệt mỏi, suy nhược. Dấu hiệu này chỉ ra nhiều vấn đề về sức khoẻ và bệnh gan là một trong số đó. Cần đi kiểm tra sức khoẻ sớm nếu bị mệt mỏi mà không biết lý do là gì.
5. Ngứa da: Không ai biết lý do chắc chắn tại sao bệnh gan có thể gây ra ngứa ngáy khó chịu, nhưng thường là nó đi kèm với tắc nghẽn mật, do việc hình thành một chất hóa học trong mật tích tụ vào máu khi chức năng gan bị suy giảm.
6. Đau bụng: Gan nằm ở vùng bụng phải phía trên. Thông thường đó là nơi những người bị bệnh gan cảm thấy đau, nhưng đôi khi còn có thể đau lưng hoặc đau vai phải.
7. Sưng/Lưu giữ chất dịch: Có nhiều lý do đối với việc giữ nước (phù), và bệnh gan là một trong nhiều chẩn đoán nên được xem xét nếu bị sưng đột ngột ở chân hoặc bụng.
Bệnh gan thường có thể được điều trị, và chẩn đoán sớm có thể giúp giảm thiểu tổn thương gan lâu dài. Khi tổn thương gan nhẹ, cơ thể thậm chí có thể thay thế các tế bào gan bị tổn thương bằng các tế bào mới, phục hồi tổn thương theo thời gian. Tuy nhiên, nếu tổn thương nghiêm trọng và kéo dài, tình trạng xơ gan có thể xảy ra, đây là tình trạng bệnh rất nghiêm trọng khi có quá nhiều tế bào gan khỏe mạnh bị thay thế bằng mô sẹo và chức năng gan bị tổn thương đáng kể.
Nếu bị bệnh gan, bạn có thể chữa trị đạt kết quả tốt nhất khi được chẩn đoán sớm, vì vậy cần gặp bác sỹ nếu có các dấu hiệu nào kể trên và yêu cầu bác sỹ đánh giá và làm giảm nguy cơ bệnh gan. Hiện nay không có văcxin phòng viêm gan C, còn viêm gan A và B có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm chúng đúng lịch.
Nếu đang mắc bệnh hoặc vừa hồi phục bệnh gan, nên kiêng rượu, ăn uống lành mạnh, duy trì uống thuốc và chất bổ sung theo đơn, và tập thể dục đều đặn có thể giúp gan phục hồi.