Di cư tự do: Nhức nhối

Những cư dân 'vô thừa nhận'

Dân DCTD kết tre làm cầu tạm
Dân DCTD kết tre làm cầu tạm
TP - Có những thôn được thành lập cả chục năm nhưng hàng ngàn nhân khẩu vẫn chưa được công nhận là công dân sinh sống hợp pháp. Hơn 2 vạn hộ di cư tự do (DCTD) đang sống lẩn khuất trong rừng sâu, con cái hầu như không được đến trường, không thể làm CMND, đăng ký kết hôn...

10 năm chưa được hợp pháp hóa

Thôn Bình Lợi cách trung tâm UBND xã Cư M’lan, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) chừng 30 km, đường đi lại rất khó khăn. Bí thư chi bộ Bế Văn Long kể, đã cùng với một vài hộ vào thôn Bình Lợi khai phá, lập nghiệp từ năm 1994. Nghe tin đất ở đây khá tốt, cây cối sinh trưởng nhanh nên hàng chục hộ khác cùng vào sinh sống. Khu vực này thuộc đất lâm nghiệp của Cty TNHH Lâm nghiệp Cư M’lan.

Những cư dân 'vô thừa nhận' ảnh 1 Ngôi làng 18 năm chưa được hợp pháp hóa vì chiếm đất rừng

Tiếp nối câu chuyện, Trưởng thôn Bình Lợi Lý Tòng Chuống nói, đến năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt quy hoạch, hình thành khu tái định cư tại chỗ cho 87 hộ. Hai năm sau, chính quyền có quyết định thành lập thôn Bình Lợi. Sau đó, điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng… được xây dựng khang trang. Hiện nhân khẩu trong thôn đã lên đến 1.450 người. Thế nhưng, người dân sinh sống ở đây lại không được cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)… Tình trạng này kéo dài nhiều năm gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bà con.

“Muốn đăng ký kết hôn cũng không được vì không có giấy tờ hợp pháp. Thậm chí, có tiền mua chiếc xe máy nhưng không đăng ký được, do vướng thủ tục pháp lý. Con trai đầu chúng tôi đi làm công nhân không thể làm giấy xác nhận tại UBND xã này, mà phải đến nơi khác chứng thực”, ông Dương Văn Giời (46 tuổi) tâm sự.

Do không có sổ đỏ, người dân thôn Bình Lợi không có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. “Số hộ khó khăn trong thôn khá nhiều, muốn vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng không có cơ hội. Nhiều người phải ngậm đắng, nuốt cay đi vay nóng, lãi suất cao để có vốn đầu tư sản xuất. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều nơi, đề đạt nguyện vọng tại các buổi tiếp xúc cử tri… nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Long nói.

Những người sống cách biệt

Bà Ban Diệu An Kỳ (56 tuổi), cho biết đã vào đây từ năm 1998, sinh được 6 đứa con, nhưng chỉ 3 đứa đầu làm được CMND do nhập “ké” hộ khẩu của một người quen ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Bản thân bà khi về quê ở Quảng Ninh làm lại giấy tờ tùy thân thì bị chính quyền từ chối do đã cắt khẩu khỏi địa phương mấy chục năm trước. Đứa con thứ 3 vừa lập gia đình nhưng không thể đăng ký kết hôn được do vướng thủ tục pháp lý. “Tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng lần nào UBND và công an xã cũng trả lời rằng, không đủ điều kiện được cấp các giấy tờ đó”, bà Ký tâm sự.

Những cư dân 'vô thừa nhận' ảnh 2 Vào rừng tìm rau củ mùa giáp hạt

Ông Nguyễn Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã Cư M’lan xác nhận, dù đã có quyết định thành lập thôn Bình Lợi, nhưng nguồn gốc đất đai ở đây là đất rừng, chưa được thu hồi đưa về địa phương để chuyển đổi thành đất ở. “Khu vực này là nơi ở của dân DCTD. Theo luật cư trú, muốn nhập khẩu, đăng ký hộ khẩu thường trú phải có nhà ở và đất hợp pháp. Về việc làm hộ khẩu, CMND cho người dân, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được. Hiện đã có quy hoạch dân cư, nhưng người dân không đồng tình đến chỗ mới”, ông Hà nói.

Tại xã Ea Lê (huyện Ea Súp, Đắk Lắk), ông Bàn Văn Sỉnh, Tổ trưởng tổ tự quản TK 249, cho biết, người dân sống ở khu vực này đều là dân DCTD với khoảng 176 hộ, trên 900 nhân khẩu. Do sống trên đất lâm nghiệp nên chưa được thành lập thôn. Cuộc sống của người dân bị cách biệt với bên ngoài khi không có điện, đường, trạm y tế... Hầu hết người dân ở đây không có sổ hộ khẩu, không làm được CMND... rất thiệt thòi.

“Chứng kiến những đứa trẻ trong làng thất học, tôi làm đơn trình bày UBND xã Ea Lê. Sau đó, một điểm trường được xây lên để dạy chữ cho trẻ tiểu học, còn những đứa lớn hơn phải ra ngoài xã, huyện học bán trú. Số lượng trẻ học lên cao chỉ đếm trên đầu ngón tay vì nhà nghèo lại không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nhiều gia đình đến cuối năm học vẫn còn nợ tiền học phí. Mong sao nhà nước lập thôn, cho dân cái hộ khẩu là mừng lắm rồi”, ông Sỉnh nói.

Tại làng Mông thuộc thôn 12 (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk), nơi từng khiến dư luận “dậy sóng” bởi hình ảnh 4 đứa trẻ ăn cơm nguội với ve sầu (loài có chứa độc tố dễ gây ngộ độc), cuộc sống của người dân cũng vô cùng khó khăn. Ông Thào Seo Chảo (54 tuổi, quê Lào Cai), một trong những người đến thôn 12 sớm nhất tâm tư: “Ở quê đất đai sản xuất ít quá, tôi xem bản đồ thấy Tây Nguyên đất đai bạt ngàn nên quyết định bán nhà, 4 con trâu, 2 con ngựa được 60 triệu đồng, đón xe đưa vợ và 5 con vào đây từ năm 2008. Đến nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được cấp hộ khẩu, điện thắp sáng cũng phải mua lại của người khác... rất thiệt thòi”.

Ông Lê Viết Nhượng, Bí thư xã Vụ Bổn cho biết, từ năm 2008 đến nay đã có gần 400 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu DCTD từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào, tập trung chủ yếu ở thôn 12. Hiện chỉ có 17 hộ được nhập khẩu, còn lại không đủ điều kiện do không có đất ở ổn định. Để giải quyết tạm thời vấn đề này, UBND xã đã linh hoạt làm sổ tạm trú cho dân để quản lý nhân khẩu, trẻ em được đi học, người dân được hưởng các chính sách về hộ nghèo... Đời sống của các hộ DCTD rất khó khăn thiếu thốn, mong chính quyền sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án ổn định, sắp xếp dân DCTD để người dân được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Huyện nóng nhất về DCTD ở Lâm Đồng là Đam Rông vẫn còn hơn 520 hộ với khoảng 2.800 khẩu chưa được bố trí ổn định cuộc sống. Theo UBND huyện Đam Rông, đa số các trường hợp này sinh sống ở những nơi chưa có tổ chức thôn, buôn được chính quyền công nhận mà chủ yếu là tự quản, do đó chưa được hưởng các chính sách của nhà nước về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, cũng như chưa được đăng ký hộ khẩu, hộ tịch; tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh chính trị.

MỚI - NÓNG