Quá nhiều hệ lụy từ dân di cư tự do

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị
TPO - Các đại biểu, lãnh đạo tham gia hội nghị hội nghị Giải pháp ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên đã chỉ ra nhiều hệ lụy từ dân di cư tự do (DCTD), và sự lỏng lẻo trong  việc quản lý đất đai của các nông lâm trường trên Tây Nguyên.
Quá nhiều hệ lụy từ dân di cư tự do ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo các tỉnh về dự hội nghị

Quá nhiều hệ lụy

Sáng 9/12, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị Giải pháp ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên.

Cùng điều hành hội nghị, còn có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo 28 tỉnh thành và lãnh đạo các bộ ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đời sống người dân DCTD. Trong những năm qua, tình trạng dân DCTD có giảm, nhưng nhiều hộ dân DCTD vẫn chưa được ổn định ở nơi ở mới. Hiện Chính phủ mới thu xếp được hơn 5.000 tỷ đồng trên tổng số nhu cầu hơn 23.000 tỷ đồng cho các dự án bố trí, ổn định dân DCTD. Phó thủ tướng đã đề nghị các đại biểu thảo luận về các giải pháp: ổn định chỗ ở, hộ khẩu, an sinh xã hội… cho dân DCTD.

Quá nhiều hệ lụy từ dân di cư tự do ảnh 2 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại hội nghị,: Tổng số dân di cư trên địa bàn cả nước giai đoạn 2005-2017 gần 67.000 hộ, trong đó Tây Bắc hơn 5.800 hộ, Tây Nguyên gần 59.000 hộ và Tây Nam Bộ hơn 2.000 hộ. Đến hết năm 2017, tổng số hộ dân DCTD được hỗ trợ, bố trí sắp xếp chỗ ở ổn định là hơn 42.000, còn hơn 24.500 hộ cần phải sắp xếp, bố trí chỗ chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên.

Theo ông Cường, việc dân DCTD để lại nhiều hệ lụy không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Tình trạng này dẫn đến nạn chặt phá rừng khắp nơi để lấy đất làm nương rẫy, diện tích rừng tự nhiên vì vậy ngày một thu hẹp. Việc di dân tự do cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, trong đó nổi lên tình trạng tranh chấp đất giữa người dân DCTD với các nông, lâm trường. “Cá biệt có trường hợp sử dụng vũ khí để bắt giữ người, giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp, gây bất ổn về tình hình an ninh, trật tự, đảm bảo an ninh quốc phòng. Có nơi còn xuất hiện các băng nhóm bảo kê để tranh giành đất đai với người dân khác, các nông lâm trường để bán lại cho người dân cần đất”, ông Cường nhấn mạnh.

Quá nhiều hệ lụy từ dân di cư tự do ảnh 3 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại hội nghị

Phân tích về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng dân DCTD, ông Cường cho rằng một số địa phương xây dựng quy hoạch bố trí, sắp xếp, ổn định dân DCTD chưa phù hợp, chưa thực tế. Bên cạnh đó là việc bố trí kinh phí từ Trung ương cho các dự án còn rất hạn chế, chưa kịp thời khiến nhiều dự án dở dang kéo dài (39/65 dự án). Vì vậy, đời sống của người dân tại các vùng di DCTD rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao như Tây Nguyên 19,7%, Tây Bắc 25,8, cao hơn mức trung bình cả nước từ 2 đến 2,5 lần.

Phải yên dân để phát triển

Bộ trưởng Bộ NN&TNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Di dân tự do làm xáo trộn đời sống của người dân, phá vỡ quy hoạch về dân cư, sử dụng đất của nhiều địa phương. Tình trạng này còn diễn ra lâu, kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và cần phải có một giải pháp căn cơ, quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đề nghị cần rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, tài chính, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân DCTD, các hộ nghèo thiếu đất sản xuất ... để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Xây dựng kế hoạch chi tiết, ưu tiên nguồn lực đất đai, kinh phí và con người, để thực hiện chính sách đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất và dân DCTD,  nhằm giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất.

Quá nhiều hệ lụy từ dân di cư tự do ảnh 4 Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu

“Chính phủ cũng phải sớm có kế hoạch, chương trình cụ thể trong việc quản lý đất đai nói chung và đất đai nông lâm trường nói riêng. Theo đó, tập trung rà soát, kiểm tra cụ thể trên địa bàn từng xã để có phương án giải quyết dứt điểm các tranh chấp khiếu kiện về đất đai, làm rõ trách nhiệm các cấp chính quyền. Chủ động quy hoạch, xây dựng các điểm dân cư tập trung, quy định định mức diện tích đất ở vùng nông thôn, có kế hoạch khắc phục tình trạng di cư tự phát, dân cư trú phân tán trên diện rộng trong diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng quản lý”, ông Hà đề xuất.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình trạng dân DCTD đã để lại nhiều hệ lụy mà rõ nhất là nạn phá rừng, lấn chiếm đất làm nương rẫy, xảy ra các vụ tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Vì vậy, quan điểm “giữ dân và ổn định dân tại chỗ” là quan điểm nhất quán, là nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài cần phải triệt để thực hiện. Đối với hơn 24.500 hộ dân DCTD chưa có chỗ ở cần phải sớm được ổn định, tránh phát sinh.

Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương: Từ 2019 - 2025, phải hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân DCTD, thực hiện việc cấp đất ở, đất sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và nguồn ngân sách Trung ương. Hoàn thành 32 dự án ổn định dân di cư tự do còn lại, rà soát, hoàn thiện bổ sung các dư án khác để đưa vào kế hoạch bố trí vốn trung hạn.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.