Những công trình góp phần thay đổi diện mạo TPHCM trong năm 2023
TPO - Trong năm 2023, lần lượt những cây cầu bị “treo” lâu năm ở TPHCM đã được hoàn thành và thông xe. Đây là những công trình có ý nghĩa tăng cường kết nối giao thông, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần thay đổi diện mạo khu vực.
Nằm trên trục đường Lê Văn Lương, cầu Long Kiểng bắc qua sông Phước Kiểng, nối hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TPHCM).
Dự án đầu tư xây dựng cầu Long Kiểng mới nhằm thay thế cầu sắt cũ đã được UBND TPHCM phê duyệt đầu tư ngày 28/5/2001 và chính thức khởi công xây dựng vào ngày 9/8/2018. Đến ngày 20/12/2019, dự án phải tạm dừng thi công vì không có thêm mặt bằng để tiếp tục thi công.
Sau khi được gỡ vướng về mặt bằng, năm 2022 dự án được tái khởi động và hoàn thành thông xe vào ngày 8/9/2023. Cầu Long Kiểng mới góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối giao thông khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, cầu Vàm Sát 2 bắc qua sông Vàm Sát nằm trên trục đường Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Dự án được khởi công từ năm 2018, do không được giao tiếp mặt bằng nên công trình đã tạm dừng thi công từ tháng 12/2019.
Đến tháng 10/2022 là thời điểm UBND huyện Cần Giờ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư tiếp tục thi công.
Ngày 15/9/2023, cầu Vàm Sát 2 đã hoàn thành và thông xe, giúp kết nối xã Lý Nhơn với trung tâm huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng của khu vực, khai thác tiềm năng du lịch, thúc đẩy và phát triển kinh tế, xã hội của huyện Cần Giờ.
Nằm ở khu vực phía đông TPHCM, cầu Long Đại kết nối hai bờ sông Tắc giữa phường Long Bình và Long Phước (TPThủ Đức) được khởi công tháng 3/2017, đến năm 2019 tạm ngưng thi công do gặp khó khăn trong công tác thu hồi đất. Đến cuối năm 2022, công trình tái khởi động. Ngày 16/12/2023 vừa qua, công trình đã hoàn thành và được thông xe.
Khi có cầu Long Đại, người dân hai bên bờ sông Tắc chỉ mất khoảng 500m để di chuyển qua lại thay vì phải chạy đường vòng mất 10km như trước đây. Đồng thời, công trình còn có ảnh hưởng tích cực, giúp tăng cường kết nối quanh khu vực đô thị ở đường Phước Thiện (phường Long Bình, TP Thủ Đức). Ảnh: Ngô Tùng
Ngoài khánh thành và thông xe các dự án kể trên, mới đây UBND TP Thủ Đức cũng vừa khánh thành công viên bờ sông Sài Gòn sau 1 tháng khẩn trương thi công.
Theo ghi nhận của PV, dải đất ven sông Sài Gòn ngày trước chỉ có lau lách, cỏ dại mọc um tùm thì hiện nay đã thay đổi hoàn toàn diện mạo. Hơn 15.000 cây hoa hướng dương sẽ khoe sắc trong dịp Tết Dương lịch 2024. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm tham quan, vui chơi, thu hút đông đảo người dân trong dịp Tết đến, Xuân về.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, công viên bờ sông Sài Gòn là không gian tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Thủ Thiêm. Công viên không chỉ là nơi giữ gìn và phát triển cây xanh, mà còn là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại.
Tái khởi động loạt dự án “treo”
Cũng trong năm 2023, các địa phương ở TPHCM đã đẩy nhanh việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, qua đó, tái khởi động các dự án bị “treo” nhiều năm như: cầu Nam Lý, Tăng Long (TP Thủ Đức), cầu Bà Hom (quận Bình Tân), cầu Phước Long, cầu Rạch Đỉa (nối huyện Nhà Bè và quận 7),…
TPO - Những ngày qua, các đơn vị quân đội đã gia cố đê ven sông Cầu ngăn nước lũ tràn vào nội đô thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đảm bảo an toàn cho người dân.
TPO - Đối mặt với lũ lên cao, người dân phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đã chuẩn bị sẵn sàng bằng cách đưa tài sản có giá trị lên tầng cao hoặc đến nơi an toàn.
TPO - Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Quốc Oai có 5 xã bị ngập úng, trong đó xóm Bến Vôi (thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu) đã hoàn toàn bị cô lập.