Đem công nghệ Âu, Mỹ về Việt Nam
Với mong muốn mang đến các thực phẩm sạch, Công ty Cổ phần Skyfarm, doanh nghiệp khởi nghiệp của những người trẻ ở Hà Nội, đã bỏ ra hơn một triệu USD để đưa mô hình này về Việt Nam. Dù đang ở giai đoạn bước đầu (thử nghiệm ở quy mô 10ha, sản lượng một tấn/tháng, chủ yếu là rau quả theo mùa) nhưng mô hình này được Ban tổ chức là Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với BĐKH (thuộc mạng lưới toàn cầu của Chương trình phát triển công nghệ ứng phó với BĐKH của Ngân hàng thế giới) đánh giá cao về tính bền vững và thân thiện với môi trường. Theo BTC, mô hình này sẽ giúp giảm lượng phân bón và thuốc BVTV xuống còn 20%, giảm lượng nước tưới xuống còn 30%.
Một công nghệ khác của doanh nghiệp khởi nghiệp được chú ý nhiều là hệ thống đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng dẫn dụ cá sử dụng đèn LED. Ứng dụng loại đèn này vào thực tế giúp tiết kiệm 80% điện năng của tàu cá. Qua đó, tiết kiệm 60% lượng dầu Diesel sử dụng cho ánh sáng của mỗi tàu (trung bình khoảng 2.000-3.000 lít/tàu/tháng), giúp giảm 60 tấn CO2/tàu/năm. Công nghệ này cũng giúp tránh các bệnh nghề nghiệp do đèn Metal Halide gây ra như lòa mắt, bỏng da, ung thư da.
Nhiều công nghệ khác được vinh danh sáng qua được đánh giá cao về mức độ thân thiện môi trường, gần gũi cuộc sống như Mô hình sản xuất và tiêu dùng thực phẩm hữu cơ khép kín không chất thải tại Việt Nam, công nghệ lưới điện mặt trời mini, công nghệ bếp Gas sinh khối cho người thu nhập thấp, công nghệ phân xanh hữu cơ từ chất thải công nghiệp hay hệ thống trạm thời tiết khí hậu tự động dự báo, cảnh báo tự động thời tiết, sâu bệnh phục vụ nông nghiệp và dân cư…
Điểm đến mới cho doanh nghiệp cần công nghệ sạch
19 doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ nhận được tài trợ từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với Biến đổi khí hậu (VCIC) với hỗ trợ tài chính, đào tạo và tư vấn thiết kế ý tưởng công nghệ, cung cấp chuyên gia công nghệ, hỗ trợ tiếp cận các phòng thí nghiệm để kiểm định, hiệu chuẩn công nghệ.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Cục phó Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT các nước phát triển cam kết đóng góp ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm đồng thời chuyển giao tài chính, công nghệ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Việc phát triển các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường cũng sẽ là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp trong những năm tới.