Thật ra chuyện ông Vinh “Nghệ” sẽ phải ra đi đã được bàn từ hồi... ông mới về với bầu Kiên trong cuộc sáp nhập giữa hai đội Hoà Phát Hà Nội và Hà Nội ACB. Chẳng cần phải giấu, ông Vinh vốn nổi tiếng trong việc ưu ái cho các cầu thủ xứ Nghệ từ hồi còn làm cho Hoà Phát.
Thế nên, ngay khi về với đội bóng mới, ông Vinh đã không ít lần được “góp ý” bằng cách này hoặc cách khác. Nhưng ở thời điểm mà Timothy vẫn ghi bàn đều đều, ở thời điểm mà Công Vinh bất chợt toả sáng, chiếc ghế của ông Vinh vẫn chắc bởi suy cho cùng, nằm ở tốp đầu khi mà đội bóng vừa được ghép lại từ hai thành một đã là quá hay. Hơn nữa, với lực như thế, đòi vô địch có mà mơ.
Nhưng chuyện của ông Vinh đâu có suôn sẻ mãi được. Nhìn sang Bình Dương sẽ thấy. Mạnh đến thế, đều người đến thế mà cầu thủ muốn thua là thua chứ hà huống gì làng nhàng như Hà Nội. Chả cần thua gì nhiều, cứ ngay trên sân nhà với sự có mặt của ông bầu và các cổ động viên ruột, đội bóng của ông Vinh chơi cứ như mất hồn.
Tuần trước, trong cuộc so đọ giữa bầu Hiển và bầu Kiên, khi mà người ta thấy bầu Hiển cười hả hê, đứng bật dậy trên hàng ghế danh dự để vỗ tay rần rần thì bầu Kiên ngồi im. Thua 1 – 3 trong trận đấu để coi ai mới là “Hà Nội xịn” như băngrôn trên khán đài giăng giăng, hỏi sao không bực.
Nhưng, vậy thì chưa đủ, trước đội bóng vừa thăng hạng, quỹ chi tiêu cho cả mùa bóng không quá con số 40 tỉ đồng như chính ông Lại Hồng Vân, huấn luyện viên đội Kiên Giang thừa nhận, ông Vinh lại tiếp tục thúc thủ.
Nhưng tệ nhất không phải là chuyện thua đậm mà là chuyện các cầu thủ Hà Nội giành nhau thực hiện quả phạt đền, để cho khán giả ngao ngán và hiểu rằng, ở đội bóng này cầu thủ mới là người quyết định chứ ông Vinh chả có tiếng nói gì. Mà đây nào phải lần đầu tiên các cầu thủ giành nhau đá phạt, đây cũng đâu phải lần đầu tiên các “cựu trào” ở đội Hà Nội chỉ trích ông Vinh bênh học trò cũ của mình.
Đến nước này ông Vinh không từ chức mới là chuyện lạ. Bầu Kiên không vì thành tích của đội mà chấp thuận mới là chuyện khó tin.
Trước ông Vinh, ông Đặng Trần Chỉnh đã phải ra đi khỏi Bình Dương bởi binh hùng tướng mạnh, nhưng cứ vào sân là chơi như buồn ngủ. Sau ông Vinh người ta đang bàn tới huấn luyện viên Phạm Công Lộc.
Được mời về đất Sài Gòn để nắm Navibank Sài Gòn, ông Lộc đã thật sự lúng túng khi gặp phải sóng ngầm từ trong đội. Navibank Sài Gòn không phải như Đồng Tháp của ông, ở dưới quê các cầu thủ đều lành tính, ông biết họ từ nhỏ và họ ra sân có màu cờ sắc áo địa phương.
Ở đội bóng tuy mang tên Sài Gòn này, ngặt nghèo thay toàn là cầu thủ “nhập khẩu”, họ đá bóng vì tiền, vì thương hiệu của chính mình nên đụng chạm quyền lợi là rách việc ngay. Hoà quái đản trước Hải Phòng, còn gì đau hơn cho ông Lộc là vài cầu thủ của Navibank Sài Gòn cười tươi hơn hoa. Thủ thành Thế Anh qua tận khu kỹ thuật của Hải Phòng để bắt tay chúc mừng “bố Hải”, vì đã khiến Navibank Sài Gòn của anh bị cưa điểm.
Gãy ghế, điệp khúc này đang dồn dập xuất hiện ở nửa cuối cuộc đua giải quốc nội, khi mà các ông chủ cần thành tích để “ăn nói”, đây là lúc các cầu thủ tung hoành.