Những cây cảnh gây nguy hiểm tính mạng

Hoa trúc đào. Ảnh minh họa: Internet
Hoa trúc đào. Ảnh minh họa: Internet
TPO - It người biết rằng, những cây để trang trí trong nhà và những cây cảnh trong vườn cũng có thể có chất độc. 

Trong những năm gần đây, do điều kiện kinh tế xã hội phát triển, nhiều gia đình đã chú ý đến việc làm đẹp bằng cách sử dụng các loại cây trang trí trong nhà và cây cảnh trong vườn. Tuy nhiên, ít người biết rằng, những cây để trang trí trong nhà và những cây cảnh trong vườn cũng có thể có chất độc. 

Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, ăn phải các loại cây hoặc quả ở trẻ em là một trong năm nguyên nhân hàng đầu cho các cuộc gọi đến phòng cấp cứu. Cũng rất may ngộ độc do các loại cây cảnh và quả ở trẻ em thường nhẹ do ăn số lượng ít.

Những loại cây nào có thể gây độc?

Các loại cây được chia thành 3 nhóm theo độc tính của chúng

Nhóm 1; gồm các cây có tác dụng độc toàn thân mà có thể gây ra ngộ độc nặng như cây trúc đào (oleander), cây thuỷ tùng (yew), cây anh túc poppy), cây ngải tây (warmwood), Marijuana (cannabis)

Nhóm 2a: gồm các cây có chứa oxalate canxi không tan trong nước, gây sưng niêm mạc, đau kiểu bỏng rát nếu trẻ ăn phải. Rất nhiều cây trong nhà có chứa thành phần này như khoai nước/khoai sọ (taro), cây cọ (Jaggery palm)

Nhóm 2b: gồm các cây có chứa oxalate canxi tan trong nước gây ra tổn thương hạ canxi máu cấp, tổn thương thận, và tổn thương thứ phát của các tạng khác do canxi lắng đọng tại các tạng. Triệu chứng cũng thay đổi khác nhau tuỳ theo sự lắng đọng của tinh thể canxi tại các tạng. Nếu bệnh nhân ăn số lượng nhiều có thể gây ngộ độc toàn thân hoặc viêm dạ dày ruột. Các loại cây, quả ở loại này bao gồm: Mãng cầu xiêm (soursop), me đất (sorrel), rau sam (purslane), lá đại hoàng ( rhubarb).

Nhóm 3: chứa các chất độc gây kích nhẹ hoặc vừa đối với đường tiêu hoá hoặc viêm da khi tiếp xúc như cây óc chó (walnut), cây nguyệt quế (laurel),

Biểu hiện lâm sàng như thế nào?

Biểu hiện lâm sàng đa dạng, phụ thuộc nguyên nhân gây ngộ độc

Với nguyên nhân là các cây, quả ở nhóm 1: đa số bệnh nhân xuất hiện nôn, đau bụng, ỉa chảy trong vòng 60-90 phút sau khi ăn hoặc uống các loại cây, quả trên. Có trường hợp có thể gây ỉa chảy dữ dội dẫn đến mất nước và điện giải nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Nhóm 2a: bỏng niêm mạc miệng, đau họng, cảm giác đau nhói khi tiếp xúc với niêm mạc. Sưng môi, lưỡi, thanh quản. Một số trường hợp có thể gây phù thanh môn.

Nhóm 2b: oxalate tan trong nước được hấp thu vào hệ tuần hoàn, gây hạ canxi máu cấp và tổn thương đa tạng, tổn thương hoại tử ống thận cấp.

Nhóm 3: chủ yếu là biểu hiện kích thích da và niêm mạc. Thường ngộ độc nhóm này nhẹ hơn nhóm 2. Nôn và ỉa chảy là thường gặp và thường ở thể nhẹ hoặc trung bình và có thể tự khỏi.

Điều trị và dự phòng:

Vì trẻ em còn hiếu động và chưa ý thức được các việc mình làm, do đó người lớn cần thường xuyên chú ý đến trẻ, không cho trẻ tiếp xúc với các loại cây cảnh, vật dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ; giáo dục cho trẻ có ý thức trong việc ăn chín, uống sôi; tạo cho trẻ thói quen không đưa các vật lạ vào miệng. Khi phát hiện ra trẻ ăn, uống phải các loại quả, cây có thể gây ngộ độc, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

MỚI - NÓNG