Nhức nhối mỹ phẩm rởm - Bài 2: Mất tiền mua bệnh vào thân

Bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm đều phải điều trị tại Viện Da liễu T.Ư
Bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm đều phải điều trị tại Viện Da liễu T.Ư
TP - Sử dụng mỹ phẩm trôi nổi, tự chế, không rõ nguồn gốc khiến không ít người chịu hậu quả nghiêm trọng. Theo các bác sỹ, các biến chứng nặng thường gặp do mỹ phẩm rởm như viêm tấy đỏ vùng da, nhiễm trùng, loét, để lại sẹo làm biến dạng da không thể phục hồi, nhiều trường hợp bị di chứng dai dẳng hàng năm trời.

Nhiều nạn nhân của mỹ phẩm rởm 


Khoa khám bệnh, Viện da liễu T.Ư luôn trong tình trạng ken kín người đến thăm khám. Trong đó, khá nhiều bệnh nhân với khuôn mặt tấy đỏ phải bịt khẩu trang kín mít. Nhiều bệnh nhân đã bị bác sỹ kết luận, viêm da tiếp xúc mà nguyên nhân là do sử dụng sản phẩm mỹ phẩm bị dị ứng, kích ứng.

Bệnh nhân Nguyễn Thị V., ngoài 30 tuổi đến Viện Da liễu T.Ư trong tình trạng da mẩn đỏ, mặt sưng phù không thể mở mắt, vùng cổ có nhiều da bong tróc như vảy nến. Sau khi thăm khám, xác định bệnh nhân bị kích ứng mỹ phẩm sau khi sử dụng kem làm trắng da không rõ nguồn gốc, các bác sỹ quyết định cho bệnh nhân nhập viện để điều trị. Bệnh nhân phải sử dụng các phương pháp điều trị tới 7 ngày tình trạng phù nề, mẩn đỏ mới thuyên giảm.

“Nguy hiểm nhất là các sản phẩm mỹ phẩm có chứa thành phần chống viêm, khi sử dụng có cảm giác trắng da, hết mụn nhưng lâu dài, da có thể bị bào mòn, tấy đỏ, giãn mạch, teo da, giãn da, da mỏng dần. Đặc biệt, da yếu khi ra nắng, gặp tác động của ánh nắng lại tăng sắc tố khiến màu da chỗ đen, chỗ trắng không đồng đều”.

Phó viện trưởng Viện da liễu T.Ư Lê Hữu Doanh
Chị Trần Hồng T. (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), 25 tuổi, cũng trong tình trạng mặt ngứa, rát, mẩn đỏ, sưng nề phải nhập viện sau 4 ngày sử dụng sản phẩm làm trắng da. Chị T. chia sẻ, do chị sử dụng bộ sản phẩm trắng da ốc sên gồm 3 hộp sữa tắm, kem bôi đêm, bôi ngày mua ở một cửa hàng với giá hơn 600 nghìn đồng do một người bạn cùng công ty giới thiệu. Thấy bạn trắng ra trông thấy sau nửa tháng sử dụng, chị cũng mua bộ sản phẩm này qua mạng mà không tìm hiểu kỹ về sản phẩm. 

Theo Trưởng khoa khám bệnh Viện Da liễu T.Ư Nguyễn Lê Hoa, 99% bệnh nhân đến khám được bác sỹ xác định viêm da tiếp xúc, trong đó có mỹ phẩm gây nên. “Những trường hợp nặng sẽ phải nhập viện điều trị. Năm 2014 có nhiều trường hợp bệnh nhân dùng mỹ phẩm bị kích ứng phải nhập viện”, bác sỹ Hoa nói. Trên các diễn đàn webtretho.vn, rất nhiều người chia sẻ về việc dùng mỹ phẩm bị dị ứng, có người tốn hàng trăm triệu đồng, mất cả năm trời để điều trị mụn và vết thâm.

Chị An Quỳnh, Trưởng phòng một công ty truyền thông (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm đau thương khi sử dụng sản phẩm dưỡng đêm được một người bạn giới thiệu là kem trộn chiết xuất từ thiên nhiên, rất an toàn. Tuy nhiên, sử dụng được một tuần thì toàn vùng da mặt, cổ của chị bắt đầu xuất hiện mụn đỏ li ti kèm theo ngứa, rát. Quá sợ hãi, ai mách gì chị cũng mua thuốc điều trị, thậm chí chị đã mua rất nhiều liệu trình trị mụn, giảm thâm của các spa với giá hàng chục triệu đồng vẫn không cải thiện được tình trạng. 

Trao đổi với phóng viên ngày 6/3, bác sĩ Trương Lê Anh Tuấn - Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết, trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận khoảng 20 ca dị ứng do mỹ phẩm. “Như ngày 5/3, riêng tôi đã khám 3 ca. Bệnh nhân từ bình dân đến trí thức đều bị mỹ phẩm rởm gây họa”, bác sĩ Tuấn nói.

Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn lưu ý, ngoài mỹ phẩm rởm, giả, giá rẻ, bệnh viện còn tiếp nhận những ca chị em phụ nữ sử dụng các loại kem trộn, mỹ phẩm tự pha… rất nguy hiểm. “Đó là chưa kể thói quen “cứ bôi thử cái này không được, thì bôi cái kia, thoa nhiều loại kem chồng lên nhau” khiến tình trạng dị ứng càng nặng nề, phức tạp hơn”- bác sĩ Tuấn cảnh báo. Mới đây, bệnh nhân Nguyễn Thị H., 39 tuổi ở quận 7, phải vào viện điều trị sau khi toàn da mặt bong tróc, ngứa và nổi mủ. Sau khi vào viện, chị H. cho biết do một người quen tự chế kem và cho dùng thử, nói rằng sẽ xóa nếp nhăn và trắng da cấp tốc. Nhưng da chưa kịp trắng thì đã ôm họa. Theo bác sĩ Tuấn, không phải chỉ có mỹ phẩm rẻ tiền, rởm mà kể cả mỹ phẩm đắt tiền, thương hiệu lớn, nhưng cũng vẫn có tỷ lệ dị ứng nhất định đối với một số người.

Hậu quả lâu dài

Trưởng khoa Khám bệnh Viện Da liễu T.Ư Nguyễn Lê Hoa cho hay, trung bình phụ nữ có thể tiếp xúc với 5-10 loại mỹ phẩm mỗi ngày, gồm các loại như son môi, kem dưỡng, chì kẻ, phấn má, xà phòng…nên nguy cơ bị dị ứng, kích ứng khá cao. Khi bị dị ứng, vùng da sẽ bị mẩn, ngứa, rát thậm chí sưng phù. Vì vậy, khi sử dụng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có thành phần được kiểm định rõ ràng mới nên dùng.

Về di chứng kéo dài, bác sĩ Hoàng Văn Minh - Trưởng phòng khám Da liễu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, ngoài gây viêm da tiếp xúc kích ứng như kể trên, mỹ phẩm giả, kém chất lượng còn gây ngứa, sưng phù vùng mặt, môi, miệng. Một số nhỏ bị tăng sắc tố da, khiến vùng da bị nám, sạm đen.

Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Huynh Huy Hoàng- Trưởng khoa Lâm sàng 1, BV Da liễu TPHCM, cho biết mỗi tháng ở khoa tiếp nhận ít nhất 20 trường hợp bị dị ứng các loại mỹ phẩm không nguồn gốc. Theo bác sĩ Hoàng, các loại mỹ phẩm hay kem trộn không rõ nguồn gốc được quảng bá làm trắng da cấp tốc đều có chứa chất corticoid. “Các đối tượng chế kem này thường dùng chất corticoid để sớm làm trắng da nhưng sau đó, chất này làm mạch máu giãn nở gây ngứa ngáy khó chịu kèm theo sạm, nám và teo da”- bác sĩ Hoàng nói.

Ông Lê Hữu Doanh, Phó viện trưởng Viện da liễu T.Ư cho hay, khó có thể thống kê được con số mỗi năm có bao nhiêu người bị dị ứng, kích ứng do sử dụng mỹ phẩm do đối tượng bệnh nhân này nằm trong kết luận viêm da do tiếp xúc, tuy nhiên, số lượng người đến thăm khám khá nhiều. 

Ông Doanh thông tin, những năm gần đây, bệnh nhân dùng các sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da như: kem ốc sên, kem trộn, kem 7 màu, sản phẩm không rõ nguồn gốc đến điều trị tại viện khá nhiều.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.