Nhớ nhiều, cụ Phạm Khắc Lãm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tuổi tác nhiều khi chả phải là dấu mốc lẫn tiêu chí đo đếm. Nhưng sự ra đi của một lão niên tuổi quá cửu thập đã gây hiệu ứng bâng khuâng cho không ít người? Tôi đang hằn đậm thêm trong trí nhớ những ngày 18 năm trước!
Nhớ nhiều, cụ Phạm Khắc Lãm ảnh 1
Nhà báo Phạm Khắc Lãm

Ban tổ chức cuộc thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ tháng 6/2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải xếp nhóm báo chí tháp tùng cho tôi ở cùng phòng suốt cả chuyến đi với nhà báo Phạm Khắc Lãm.

Nếu có cái sự đình đám hội họp, làng báo nước Nam ta có lẽ cũng sẵn lòng xếp ông con trai trưởng của Cụ Đổng lý ngự tiền Phạm Khắc Hoè ( tác giả cuốn sách nổi tiếng Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc) ngồi chiếu tiên chỉ!

Anh em trong nhóm báo chí tháp tùng gọi người đồng nghiệp cao niên đã tuổi 75 ấy, những là cụ, là ông là bác là anh!

Ấy cũng chỉ là kiểu gọi cho vui đó thôi... Chứ cụ gì mà tổng cộng chuyến đi, tỉ mẩn cả thảy 24 lần chuyên cơ thoắt thay đổi độ cao để hạ để lên và băng qua chặng lộ vân đi lẫn về 36.000 cột số đường trời với 44 giờ đồng hồ lơ lửng trên độ cao mười, mười một ngàn mét mà cấm thấy cụ nhà báo Phạm Khắc Lãm nhăn nhó hay kêu kiếc gì!

Đã thế cứ chiểu theo chương trình, cụ cũng chạy gằn chạy gấp cũng sải bước mau bước khoan như chúng tôi để bắt kịp công việc!

Liền tù tì nửa tháng như thế, trải từ Mỹ đến Canada, cấm thấy cụ bỏ bữa làm nào.

Có lẽ trong đám báo chí tháp tùng hậu sinh, nhiều người chưa tường bậc nhà báo cao niên Phạm Khắc Lãm? Thuở có người chưa sinh hoặc đang mới oe oe, cụ Lãm đã tốt nghiệp Trường báo chí Bắc Kinh, đã là Vụ trưởng một Vụ ở Ban Tuyên huấn Trung ương, đã từng thông thạo tiếng Trung, Anh, Pháp.

Từng là chuyên gia nghiên cứu về Mỹ và phương Tây và mãi sau mới ở chức danh Giám đốc Đài truyền hình Trung ương, rồi Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Tổng Biên tập Tạp chí Việt Mỹ bây giờ.

Vậy nên sự có mặt của cụ trong đoàn đi này là phải lắm.

Trong mớ hành trang của cụ nhập cảnh vào nước Mỹ tôi biết có cuốn Nước Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, một cách nhìn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản tháng 6/2005. Cuốn sách tập hợp mấy chục bài báo của cụ Lãm viết từ những năm đầu sáu mươi mà như ông Hoàng Tùng đã viết trong lời giới thiệu.

Trong số hơn 7.000 đầu sách của nhiều tác giả trên thế giới viết về cuộc chiến tranh có phần khó hiểu của Mỹ ở Việt Nam, cách nhìn từ Hà Nội về nước Mỹ của Phạm Khắc Lãm là cách nhìn khách quan đối với chiến tranh Việt Nam của năm đời Tổng thống Mỹ.

Là một nhà tuyên truyền, một nhà báo chuyên nghiệp có nhiều hoạt động kinh nghiệm đối ngoại lại biết nhiều ngoại ngữ, những bài viết của Phạm Khắc Lãm giản dị mạch lạc, lượng thông tin lớn, độ tin cậy cao vì nói có sách mách có chứng…

Nhớ hôm ở khách sạn Wardotf Astoria của New York, tôi đang mắt nhắm mắt mở thì chuông cửa đổ. Ai nhỉ? Mà cụ Lãm đã có chìa khoá riêng?

Cửa mở, hai ông bà người Mỹ ngó chừng cũng đã luống tuổi tới tìm cụ Lãm. Cụ thường có khách ngoại quốc đến thăm như thế... Seattle, Washington DC hay Boston đều vậy...

Giờ này không biết cụ đi đâu? Mà hai người khách kia ra dáng là người lịch lãm phúc hậu. Tôi bảo họ nán đợi. Lát sau cụ về. Trời đất, thì ra là một nhân vật cỡ bự của báo chí Mỹ. Cụ ông tên Seymour Topping, nguyên là Tổng biên tập tờ New York Times kiêm Chủ tịch Giải thưởng Pulittzer. Còn bà vợ trẻ hơn, nguyên là phóng viên ảnh cũng của tờ báo ấy tên Audrey Ronny.

Thì ra, cụ quen họ hồi hai vợ chồng sang Việt Nam công tác. Khách của cụ đại loại là thế. Không dân viết báo thì là học giả là nhà nghiên cứu...

Nhớ nhiều, cụ Phạm Khắc Lãm ảnh 2

Ông Phạm Khắc Lãm một thời từng là thư ký cho Ðại tướng Võ Nguyên Giáp

Có một hồi ức buồn.

Trưa 22/6/2005, sau khi dự buổi họp báo chung trong Nhà Trắng của Tổng thống Bush và Thủ tướng Phan Văn Khải, nhóm phóng viên Việt Nam thung thăng tản bộ ra đại lộ Pennsylvania chạy qua trước mặt Nhà Trắng để tới chỗ xe của Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đậu.

Tốp đi trước đã lên được xe, tốp đi sau gồm có cụ Lãm, Lưu Vinh ở báo Công an nhân dân, Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập VietNamnet, Bạch Ngọc Chiến- Tùy viên báo chí Sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ ( sau này Bạch Ngọc Chiến phụ trách VTV4 Đài truyền hình Việt Nam. Sau nữa là Phó chủ tịch tỉnh Nam Định) và tôi.

Là một nhà tuyên truyền, một nhà báo chuyên nghiệp có nhiều hoạt động kinh nghiệm đối ngoại lại biết nhiều ngoại ngữ, những bài viết của Phạm Khắc Lãm giản dị mạch lạc, lượng thông tin lớn, độ tin cậy cao vì nói có sách mách có chứng…

Đã quá quen với cái cảnh hễ có đoàn thăm nào đó đến một vài nước có bà con Việt mình sinh sống thì một nhúm quá khích lại diễn cái trò biểu tình. Luật pháp nước sở tại thường cho phép họ làm cái việc đó, nhưng có quy định hẳn hoi như chỉ được đứng ở một chỗ nhất định, cấm các hành động quá khích như ném đá, dùng gậy gộc để hành hung người khác... Vậy nên vừa ra khỏi Nhà Trắng thấy một nhúm người gào thét này khác bên kia đường, chúng tôi cũng chẳng lấy làm lạ.

Chả ai để ý đến khoảng hơn chục gã đàn ông mặt mũi bặm trợn đã lặng lẽ tách khỏi nhóm người kia, đợi cho chúng tôi ra khỏi cổng chính của Nhà Trắng một đoạn liền lao vào... Chúng tôi chả ai bảo ai đều lui tuốt lại phía cổng Nhà Trắng, nơi có tốp nhân viên an ninh trên lưng áo có chữ FBI vẫn găm mình 24/24 tại đó.

Nhưng có lẽ mọi toan tính, phòng ngừa đã hơi bị chậm.

Thốt nhiên, tôi lĩnh trọn một cú đạp đau điếng vào người. Và không biết khi đó Lưu Vinh cũng bị quật vào đầu bằng chai nước suối.

Còn Nguyễn Anh Tuấn có cái va li con con đựng cụ bị hành nghề lúc nào cũng kéo theo người thì bị đá văng, nhưng may Tuấn chộp lại được.

Trời ơi, còn cụ Lãm, cụ Lãm đâu rồi? Buổi trưa gặp nạn ấy, cái dáng của cụ Lãm ngả nghiêng lảo đảo bên tôi như một con cò đổ bão... Nói thì lâu nhưng việc diễn ra thì chóng.

Những vệ sĩ FBI như những ông hộ pháp súng ống, dùi cui đầy mình thoáng thấy việc đám hô hét kia lợi dụng biểu tình để hành hung, để phạm luật liền lao ra chặn đứng chúng lại, xách cái đám người hung hãn kia như xách những con nhái.

Định thần lại, chúng tôi chợt nhận ra đã được dồn vào một phòng làm việc ngay sát ria đường của FBI. Nhìn ra cửa kính, tôi thấy nhúm người hô hét bị FBI xua tuốt luốt, còn mấy gã hung hãn nhất bị tống ngay lên xe có còi hụ đưa đi.

Thấy chúng tôi hỏi han dồn dập, cụ Lãm cười tỉnh rụi như không, nói cứ yên trí cụ không bị sao cả. Nhưng mà trông cụ hơi xanh và hơi xộc xệch... Còn Nguyễn Anh Tuấn lại có ngay cái cười thường trực muôn thuở. Tuấn đang say sưa nói gì với cái máy di động vệ tinh tường thuật chuyến đi cho bạn đọc VietNamnet ở nhà.

Đợi một lúc, tốp an ninh đưa chúng tôi rời Nhà Trắng bằng cổng sau để về khách sạn.

Viên sĩ quan còn đi với chúng tôi một quãng khá xa. Trước khi quay lưng, anh ta còn ngỏ ý lấy làm tiếc rồi xin lỗi. Nhìn cái lưng chùi chũi to bè xa lạ bỗng dưng trở nên thân thiết ấy khuất dần, tâm trí tôi choán ngập những cay đắng… Con đường yêu thương, hóa giải hận thù sao cứ chông gai, bao giờ lòng bao dung, vị tha khỏa lấp...

MỚI - NÓNG