Nhớ một ngã ba đường phố

TP - Bài viết này không nói về một ca khúc “ngã tư đường phố” nào đó của nhạc sĩ Phạm Tuyên mà nhắc đến một Ngã Ba, nơi hợp nhau của 3 con phố Lý Thường Kiệt, Bông Ruộm (Nhuộm) và Dã Tượng. Bốn mươi bảy (47) năm trước, tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội trông ra Ngã Ba này đã diễn ra một phiên tòa (khai mạc ngày 7/6 và kết thúc ngày 12/6/1976) vụ xử ông Tạ Đình Đề.

Ngã Ba ấy vẫn đó, khi rộn rịp khi lặng lẽ như bao năm. Tòa án NDTP Hà Nội đã di dời đi nơi khác. Nhưng những điều bất biến về pháp luật và đạo lý mà Ngã Ba này chứng kiến về phiên tòa vẫn vẹn nguyên như gần nửa thế kỷ trước.

… Có vài lần, mỗi khi cùng ông Tạ Đình Đề qua cái Ngã Ba ấy, tôi lại nhắc khẽ bằng khẩu khí đã quen thân rằng “Này có nhớ chỗ này không đấy!”. Ông Đề khi thì cười khì khì, khi thì chỉ im lặng!

Năm 1991, viết Tạ Đình Đề, huyền thoại và sự thật, tôi cùng ông Đề từng ngồi lỳ trong cái quán nước sát Ngã Ba này.

Nhớ một ngã ba đường phố ảnh 1

Ông Tạ Đình Đề (bên trái).

Phải, ngã ba này, sự kiện năm ấy chắc còn phải ám ông mãi?

…Tầng một, trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, 48 phố Lý Thường Kiệt khi đó Tòa Hà Nội đóng tạm đã diễn ra phiên tòa đặc biệt xử ông Tạ Đình Đề. Phiên tòa kéo dài đến 6 ngày, từ 7/6 đến 12/6/1976. Hôm nào Ngã Ba liền kề quảng trường Tòa án cũng đông nghịt.

Nhớ một ngã ba đường phố ảnh 2

Bà Phùng Lê Trân. (Ảnh tư liệu gia đình)

Người ta hồi hộp rồi xúm nhau bình luận tranh cãi mỗi khi có cái nào đó hiếm hoi lọt ra. Chỉ đến khi buổi trưa ngày 12/6, Chủ tọa phiên tòa dõng dạc tuyên bố bị cáo Tạ Đình Đề, Trưởng ban TDTT, kiêm Xưởng trưởng Xưởng dụng cụ cao su của Tổng cục Đường sắt và 7 bị cáo khác không phạm tội cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế gây thiệt hại cho tài sản XHCN; không phạm tội tham ô và hối lộ. Tạ Đình Đề và các bị cáo khác được trả tự do ngay tại phiên tòa.

Trong tiếng hò reo vang dội của những người tham dự và theo dõi phiên tòa qua loa phóng thanh, người ta ào đến với ông Tạ Đình Đề. Rồi những bó hoa, thời ấy là hiếm hoi, nhưng không biết đã được chuẩn bị tự khi nào đã tới tấp ùa đến rồi người ta công kênh ông Đề lên như chào đón người anh hùng.

Nhớ một ngã ba đường phố ảnh 3

Bút tích ông Đề.

… Từ Ngã Ba này, tôi đã theo ông về căn nhà thưng cót ép ở Khu tập thể Đường sắt. Không phải để khảo cổ để nhấm nháp cái niềm vui trắng án cùng tha bổng của buổi trưa tháng 6 năm 76 ấy. Mà để lặng phắc nỗi đau, nỗi buồn khó mà sẻ chia lẫn nguôi ngoai của chủ nhân. Bởi có những kẻ lòng dạ hắc ám không chịu được niềm vui trắng án của Tạ Đình Đề, 9 năm sau còn âm mưu kéo bè cánh vu cho ông cái tội tuyên truyền chống CNXH! Ở tuổi 68, Tạ Đình Đề lại bị bắt, lại tú tài (từ ông dùng kiểu hài hước là tái tù). Ròng rã hơn 3 năm bị giam không xét xử. Mãi đến tháng 12/1987, ông mới được tha.

Những lần đến nhà ông Đề, tôi đụng một người. Người này lạ. Thoắt cứ như một ông già. Nhưng cũng nhoáng cái, cung cách của một cậu bé? Ngạc nhiên chưa tới 30? Dáng lầm lì. Lử khử. Một người con trai của ông Đề đấy. Anh có ánh nhìn lạ, như có đám mây u tối… Ánh mắt cùng cung cách như tố rằng anh không muốn tiếp câu chuyện với khách?

Nhớ một ngã ba đường phố ảnh 4

Trang đầu bản án Tạ Đình Đề.

Rồi chuyện bi thương cũng được chắp nối. Anh con trai làm ở Đường sắt Hà Nội. Đâu như ở bộ phận toa xe. Có cậu bạn hào phóng trút cho anh mấy lít xăng để anh đổ xe máy đi chơi với người yêu dịp quốc khánh 2-9 năm 1985. Chỉ có vậy nhưng anh bị bắt bị kết tội phá hoại. Bị tra hỏi vặn vẹo đủ điều. Tạm tha nhưng vẫn phải bị tiếp tục gọi hỏi. Cũng chính thời điểm đó, bố anh, ông Tạ Đình Đề có lệnh bắt vì tội tuyên truyền phản động!

Bố bị giam, con bị gọi lên gọi xuống! Cả hai bố con đều bị quy kết phản động phá hoại! Từ một chàng trai nhanh nhẹn, vui tính, anh bị đuổi việc. Những ngày ở cơ quan điều tra, Th thoắt trở thành thể trạng gần như hoảng loạn, tâm thần. Nhưng căn bệnh hoảng loạn quái ác ấy dường như mấy năm liền không buông tha anh.

Khi tôi viết những dòng này may mắn bệnh tình của anh cũng tạm lui. Đã có một mái ấm. Hai vợ chồng có một sạp hàng bán tạp hóa. Theo lời dặn của Th, tôi đã không đề cập đến hoàn cảnh của anh hiện tại!

… Hồi ức từ Ngã Ba này, tôi từng nèo ông thuật lại trường hợp nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và kịch sĩ Lưu Quang Vũ từng được Tạ Đình Đề cưu mang đưa vào Xưởng Cao su Đường sắt. Cái thời Lưu Quang Vũ mắc cái tội đào ngũ rồi thất nghiệp đói rài đói rạc.

Năm xa ấy, tôi với ông có ghé Rạp Hồng Hà đối diện với Chợ Hàng Da. Lần coi vở Tôi và chúng ta mới công diễn. Lưu Quang Vũ đã lấy một phần chất liệu từ những oan khuất của ông Đề…

Chút đèn sân khấu hắt chéo. Gương mặt gồ ghề của Tạ Đình Đề thoắt như tượng.

Tôi nắm lấy bàn tay ông.

“Bác ạ, anh Võ Khắc Nghiêm có nói Phan Lạc Hoa trong ấn phẩm bản nhạc Tàu anh qua núi có lời đề kính tặng ân nhân Tạ Đình Đề. Còn Lưu Quang Vũ, vở kịch ta đương coi cũng có nhời kính bác Đề! Đúng không?”.

Ông không ngó vào tôi mà hướng lên sân khấu. Giọng rời rạc.

“Thôi nhắc lại làm gì. Chúng chết cả rồi…”.

… Lần ấy tôi cố nèo ông Đề đưa đi gặp một người.

Đó là bà thẩm phán Phùng Lê Trân chủ tọa phiên tòa tháng 6 năm 76. Nhưng lạ, ông cứ ngần ngừ, chùng chình thế nào?

Bất ngờ, ông vuột ra.

“Bọn mình không được hoan nghênh đâu!”.

…Sau phiên tòa ít lâu, ông Đề và ông Luật (cấp phó từng bị giam và cùng được tha bổng như ông Đề) xách theo một túi quà. Bà Trân lạnh lùng “nếu các anh mang quà đến thì tôi xin lỗi, tôi phải mời các anh ra khỏi nhà tôi”. Cả hai, phải để túi quà ở ngoài cửa mới được vào nhà.

Sau cuộc ấy, ông Đề phải thực hiện một cam kết với bà là mỗi năm xin đến chúc Tết một lần. Và chỉ đi tay không.

Mãi đến Tết năm 1997, ông Đề mới đến mang theo một cái đồng hồ điện tử treo tường.

Cái đồng hồ này cũng không đáng bao nhiêu, xin chị vui lòng nhận cho tôi. Chúng ta đều đã quá già rồi…”.

Không hiểu linh cảm thế nào mà bà đã nhận chiếc đồng hồ, món quà đầu tiên và cuối cùng của ông Tạ Đình Đề tặng ân nhân của mình.

(Nhớ lại mà choáng cả người! Mấy tháng sau ông Đề qua đời!).

Sau khi ông Đề mất, một người con trai ông Đề, đang làm ăn ở trong Nam ra, đã mang quà bánh đến chúc Tết bà. Anh bộc bạch.

Bố cháu dặn là sau khi bố mất, con phải thay bố đến chúc Tết bác mỗi năm. Vì thế, cháu xin phép bác cho cháu được qua lại.

Bà ân cần.

“Bác xử bố cháu là theo nhiệm vụ được phân công. Bố cháu không có tội thì phải được tuyên là không phạm tội, vì thế không phải mang ơn huệ gì cả. Bố cháu dặn thế nhưng cháu không phải câu nệ đến thăm bác nữa. Bây giờ cháu mang túi quà này về. Bác không muốn như vậy…”

Từ đó gia đình ông Tạ Đình Đề mới thôi đi lại.

Trở lại lần đi cùng ông Đề đến nhà bà ở phố Cao Bá Quát. Căn phòng chật hẹp mà ba người. Vợ chồng bà cùng người con trai

Ở tuổi hưu, bà thẩm phán vẫn lưu nhiều nét ưa nhìn! Bà ngạc nhiên khi có sự có mặt của tôi. Có vẻ bà không mặn chuyện lắm. Tôi thoáng nghĩ đến chữ hoan nghênh của ông Đề. Nhưng bà chuyện khá khéo…

Nhưng cuộc thăm ấy, tôi đã chẳng không moi, cũng chẳng thâu hoạch được tý thông tin hay chuyện gì…

Vĩ thanh

Mãi sau này, chắp nối lại nhiều nguồn trong đó có cả người thân của bà Phùng Lê Trân, người viết bài này mới hiểu tại sao ông Tạ Đình Đề luôn thường trực sự kính trọng bà như vậy.

Người ta muốn ông Đề phải chịu mức án từ 15-20 năm. Thời gian trước phiên tòa, có nhiều người lạ lẫn quen đã đến nhà bà. Họ gặp cả hai ông bà…

Cả chú công an hộ tịch cũng ghé. Và bóng gió xa xôi “còn con trai chị nữa đấy”!

Hôm khai mạc phiên tòa, ông chồng bà không đi làm. Ông không ra khỏi nhà, chỉ đi lại, hết đứng lại ngồi, bồn chồn trong căn phòng hẹp. Lòng ông như lửa đốt, nhất là lúc trước khi đi, bà thở dài rồi ngập ngừng: “Hôm nay có thể em không về”.

Nắm vững luật, nói như thuật ngữ pháp đình bây giờ là luôn tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội cho bị cáo. Gần một tuần liên tục những căng thẳng đấu trí. Kết thúc phiên tòa, thẩm phán Phùng Lê Trân tự tin, dõng dạc tuyên án dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Nhiều người đã nghe được chất giọng khẳng khái của bà trong khoảng thời gian nghị án ở một phạm vi hẹp “Ông Đề không có tội, tôi không thể vẽ tội cho ông ấy”

Sau phiên tòa tha bổng bị cáo Tạ Đình Đề, bà Phùng Lê Trân đã bị một sức ép ghê gớm. Đã có nhiều cuộc họp và những cật vấn này khác. Rồi có bản án, có kháng nghị nhưng đã không có phiên tòa giám đốc thẩm. Vụ án Tạ Đình Đề đã khiến bà kiệt sức, Thẩm phán Phùng Lê Trân phải đi nằm viện hơn một tháng trời. Sau đợt nghỉ chữa bệnh, năm 1978 bà về nghỉ hưu, năm đó bà 57 tuổi.

Bà người làng Bát Tràng, Gia Lâm. Là con gái của nhà giáo Phùng Văn Trinh (hiện ở Hải Dương có ngôi trường mang tên ông. Một người em trai của bà, ông Phùng Văn Tửu sau này là Phó Chủ tịch Quốc hội.

Năm 13 tuổi, bà được cha mẹ gả cho con trai một gia đình khá giả ở Hải Phòng. Thương cha mẹ, bà chấp nhận làm người con dâu hiếu thuận, chu toàn nhưng dứt khoát không chịu làm vợ.

Sau cách mạng Tháng Tám, bà thoát ly tham gia công tác. Năm 1948, bà bị địch bắt tại Hồng Gai. Bà bị tra tấn dã man. Địch đã bẻ gãy hai hàm răng của bà nên bà đã phải mang răng giả suốt đời. Bà cũng bị Pháp đưa ra xét xử, từngcãi lý với quan tòa thực dân. Hết Tòa đệ nhị cấp rồi lên Tòa thượng thẩm.

Năm 1951, bà Phùng Lê Trân vào ngành Tòa án, với cương vị Hội thẩm ở Tòa án Quảng Yên. Sau này được học nghiệp vụ, bà được bổ nhiệm và phân công làm Thẩm phán Tòa án khu Ba Đình, rồi lên Thẩm phán Tòa án Hà Nội. Năm 1956, sau khi đã được giải phóng khỏi tờ hôn thú cũ, bà gặp và kết hôn với một Việt kiều từ Pháp về. Ông là trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy da Thụy Khuê.

Cuộc đời bà có lẽ là chất liệu cho một cuốn sách hấp dẫn. Tôi biết nhà văn Chu Lai từng ấp ủ ý định viết về bà.

Muộn còn hơn không! Cố lên, nhà văn Chu Lai.

Tin liên quan