Nhìn gần công trình cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung ‘chạy nước rút’ trước mùa mưa bão
TPO - “Đại dự án” đường ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An (thành phố Huế) - cây cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, sau nhiều tháng khởi công xây dựng hiện đã định hình toàn bộ hệ thống móng trụ và trong giai đoạn thi công nước rút trước mùa mưa bão năm 2023.
Tháng 3/2022, dự án đường ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An nối xã Hải Dương với phường Thuận An (thành phố Huế, giai đoạn 1) được khởi công xây dựng.
Công trình dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng. Quy mô tuyến dài gần 8 km, trong đó phần cầu dài khoảng 2,36 km, mặt cắt ngang tuyến 26 m, bề rộng 20 m.
Công trình quan trọng bậc nhất của dự án này là cây cầu vượt cửa biển Thuận An, thành phố Huế.
Đây là cây cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung hiện nay, đảm bảo khổ thông thuyền theo quy hoạch luồng tàu ra vào cảng biển Thuận An và phạm vi an toàn luồng hàng hải, với nhịp chính dài 218 m và cao 40 m. Đây là nhịp cầu Extradosed (cầu dầm - cáp hỗn hợp) dài và cao nhất nước ta hiện nay. Tháp cầu có chiều cao 32 m, được thiết kế dạng chữ A phía trên tạo mỹ quan cho công trình. Chiều cao từ mặt nước lên đến đỉnh tháp là 72 m.
Dự án được thực hiện thi công bởi liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam - Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty 479 Hòa Bình.
Sau 18 tháng khởi công, trên công trường “đại dự án” 2.400 tỷ đồng này luôn trong khí thế thi công nhộn nhịp, khẩn trương; với hơn 300 công nhân cùng phương tiện máy móc làm việc liên tục, nhằm bảo đảm tiến độ đề ra và tranh thủ thời tiết thuận lợi để chạy nước rút trước mùa mưa bão năm 2023.
Theo thiết kế, cầu vượt cửa biển Thuận An có đến 50 trụ, 2 mố cầu. Đến nay, hầu hết các hố móng, thân trụ đã được khởi công. Những chân trụ khổng lồ bắt đầu vươn cao lên trời, dần tạo nên hình hài của cây cầu vượt biển dài nhất khu vực miền Trung.
Theo đánh giá, việc thi công trụ T26 và T27 nằm giữa cửa biển Thuận An (mỗi trụ nằm cách nhau khoảng 218 m) là khó khăn, phức tạp nhất, với độ cao đảm bảo khổ thông thuyền 39m để tàu trọng tải hơn 5.000 tấn ra vào cảng Thuận An.
Đến nay, dự án đã nghiệm thu thanh toán cho 3 nhà thầu với số tiền trên 725 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 961,7 tỷ đồng. Mặc dù vậy, dự án lại đang vướng về công tác giải phóng mặt bằng (chủ yếu ở phần đường dẫn lên cầu), với hàng trăm hộ dân, mồ mả chưa di dời.
Ban quản lý dự án và các đơn vị nhà thầu quyết tâm hoàn thành mục tiêu vào tháng 10/2024 sẽ hợp long cầu, hoàn thiện mặt cầu, bờ bò, lan can, khe co giãn các nhịp còn lại (trừ nhịp chính) để thông xe kỹ thuật.
Trước đó, vào tháng 3 năm nay, trong chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An và dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh. Tại công trường dự án, Thủ tướng yêu cầu việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính kỹ thuật, mỹ thuật và môi trường, không đội vốn phi lý, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân và an toàn cho người dân; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.