Ảnh đập ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á tại Huế trước thời điểm đại tu cấp bách
TPO - Công trình thủy lợi kết hợp cầu giao thông Thảo Long nằm ở hạ nguồn sông Hương (TP Huế) được các chuyên gia đánh giá là đập ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á đã được Bộ NN&PTNT quyết định đầu tư 348 tỷ đồng phục vụ sửa chữa cấp bách.
Tháng 8/2001, dự án đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long tại hạ nguồn sông Hương (xã Phú Thanh và Hương Phong, TP Huế) được khởi công xây dựng, do Ban Quản lý Dự án Thủy lợi 408 (nay là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5, Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí thực hiện 152 tỷ đồng.
Đến năm 2008, công trình thủy lợi Thảo Long hoàn thành xây dựng, được đưa vào vận hành khai thác, kết hợp chức năng giao thông nối đôi bờ bắc và nam sông Hương qua hai xã Hương Phong và Phú Thanh, TP Huế.
Năm 2010, từ khi cầu Tam Giang vượt phá Tam Giang đưa vào vận hành, cầu Thảo Long thuộc công trình thủy lợi Thảo Long đã trở thành mạch nối quan trọng thông suốt toàn tuyến Quốc lộ 49B từ huyện Phong Điền (phía bắc) đến huyện Phú Lộc (nam tỉnh TT-Huế).
Công trình có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt và phối hợp với các hồ thủy lợi Tả Trạch, hồ thủy điện Bình Điền thực hiện điều tiết, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, dân sinh cho toàn bộ vùng hạ du sông Hương.
Công trình đập Thảo Long có chiều rộng thông nước 472,5 m, với 15 khoang, mỗi khoang rộng 31,5 m. Ngoài cầu giao thông, hệ thống đập còn có một âu thuyền dài 53 m, rộng 8 m. Hệ thống đập đảm bảo giao thông thủy trọng tải thuyền 50 tấn và cầu đường bộ cho phép xe 13 tấn đi qua. Theo các chuyên gia đánh giá, đây là công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo thời gian và do nằm ở vị trí có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên công trình Thảo Long bị xuống cấp, hư hỏng ở nhiều hạng mục.
Theo ghi nhận của PV tại công trình đập Thảo Long, các cửa van sử dụng vật liệu thép CT3, thiết bị thủy lực, thiết bị điện, điện tử lắp đặt ngoài trời, chịu nhiều tác động bất lợi của môi trường nhiễm mặn, độ ẩm, giông sét nên đã hư hỏng theo thời gian.
Tại vị trí lòng dẫn thượng, hạ lưu cống ngăn mặn bị bồi lắng với khối lượng lớn, bình quân hàng năm lên đến hàng nghìn m3, gây kẹt cửa và cản trở dòng chảy. Hầu hết cửa cống có hiện tượng xói lở dưới cọc cự dầm đáy, đặc biệt tại cửa cống số 10, 13 và 15 bị xói lở bản đáy sâu từ 2-3 m, dòng chảy xuyên qua rất lớn ảnh hưởng đến công tác ngăn mặn, giữ ngọt và về lâu dài làm mất ổn định công trình.
Riêng phần tiếp giáp đường dẫn và mố cầu Thảo Long đã bị lún sụt, nứt gãy, hư hỏng, xuất hiện những lỗ thủng, các mảng vữa kết dính đá hộc bị bong tróc tại nhiều vị trí... đã gây ảnh hưởng cho hoạt động giao thông qua lại cầu, cũng như an toàn đập.
Kết cấu thiết bị kỹ thuật hạ lưu đập bị gỉ sét nghiêm trọng.
Một bộ phận kỹ thuật thuộc hệ thống vận hành cửa xả bị mục nát.
Sắt thép tại công trình đập bị môi trường nhiễm mặn ăn mòn.
Trước thực trạng đáng báo động đó, mới đây Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định phê duyệt thành phần Dự án sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn công trình này với tổng mức đầu tư hơn 348 tỷ đồng. Dự án được Bộ NN&PTNT giao cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh TT-Huế làm chủ đầu tư.
Dự án sẽ xử lý chống thấm nền đập bằng cừ thép từ khoang số 1 đến hết khoang số 15, với chiều dài 495 m. Kết hợp cừ thi công làm cừ chống thấm, với chiều sâu phần cừ chống thấm 13 m. Xử lý các khe rỗng dưới dầm dàn van bằng hình thức phun áp lực cao hỗn hợp cát trộn xi măng. Gia cố hố xói, lòng dẫn hạ lưu công trình bằng đá hộc, lớp rọ đá trên phạm vị 24 m đối với 6 khoang bờ Bắc và 44 m đối với 9 khoang bờ Nam.
Phần cơ khí, thay mới 6 cửa van và đại tu, sửa chữa 9 cửa van. Thay mới toàn bộ các cụm kín nước đáy và cụm nước bên tại 15 cửa. Kết cấu cụm kín nước bằng thép Sus304, bu lông chịu lực bằng thép không rỉ, kín nước bằng cao su tấm và cao su củ tỏi. Bố trí cụm kín nước bên và đáy thuận lợi cho việc sửa chữa, thay thế gioăng và bảo dưỡng cửa van.
Khoang âu thuyền, thay mới cửa âu thượng và cửa âu hạ bằng thép không rỉ, trục cối, bu lông chịu lực được chế tạo, thay thế bằng thép không rỉ cường độ cao, kín nước bằng cao su tấm và cao su củ tỏi. Thay mới hệ thống xi lanh đóng mở cửa van chính và cửa van cấp thoát nước buồng âu. Nâng cấp, sửa chữa hệ thống điện điều khiển các van tại công trình và nhà quản lý. Sửa chữa, nâng cấp nhà quản lý, bờ bao kết hợp đường quản lý hai đầu đập Thảo Long.
Dự án còn thực hiện chỉnh trang cầu giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, biển báo…; xây dựng hệ thống giám sát phục vụ quản lý, vận hành công trình. Đến nay, dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến triển khai thi công vào đầu năm 2024.