Thuế giữa các nước ASEAN sắp về 0%:

Nhiều quan chức, DN vẫn “lơ mơ”

Nhiều quan chức, DN vẫn “lơ mơ”
TP - Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập, nhưng tới nay hầu hết doanh nghiệp (DN) và quan chức Việt Nam vẫn còn rất “lơ mơ” với AEC.

Khi AEC ra đời, khoảng 90% dòng thuế quan giữa các nước thành viên sẽ giảm về 0% ngay lập tức (10% số thuế còn lại sẽ về 0% trong lộ trình tới năm 2018).


TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Trong nhiều khảo sát mới đây, chỉ 30% DN Việt Nam hiểu biết đủ về AEC để lên kế hoạch kinh doanh. Đặc biệt, các DN nhỏ và vừa hầu như không biết gì. “Không chỉ DN, nhiều quan chức Việt Nam cũng hiểu rất lơ mơ về AEC”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia thuộc Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) cho rằng, điểm yếu của DN Việt hiện nay là thuộc chuỗi giá trị thấp, ít giá trị giá tăng, môi trường đầu tư chậm được cải thiện, xuất khẩu dựa nhiều vào tài nguyên (như than, khoáng sản…). 

Tuy vậy, Việt Nam có lợi thế nhờ chính trị ổn định, dân số vàng và tầng lớp thu nhập trung bình đang tăng lên. “Nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội AEC sẽ có nhiều dưa địa để phát triển. Tuy nhiên, khi tham gia sân chơi chung cũng phải đối mặt cạnh tranh cả về hàng hóa (khi thuế về 0) và lao động (lao động Việt Nam tay nghề thấp)”, ông Dương nói.

Theo ông Võ Trí Thành, khi tham gia AEC, những ngành nghề Việt Nam có lợi thế so sánh như da giày, dệt may, thủy sản… sẽ có cơ hội tốt để phát huy, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, ông Thành lưu ý, khả năng chống đỡ các cú sốc của DN Việt rất kém, do thiếu chiến lược dài hạn. Ngoài ra, Chính phủ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong lựa chọn đối tượng, phương thức để hỗ trợ khi DN đối mặt các cú sốc. Khả năng phổ biến pháp luật của Việt Nam rất yếu, do hạn chế kinh phí và độ quan tâm của cơ quan quản lý chưa nhiều.

Ông Thành khuyến nghị, ngoài những vấn đề lâu nay vẫn nói như nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định kinh tế, cải thiện thể chế..., Việt Nam cần tăng kết nối giữa Nhà nước và DN. Qua đó, giúp DN không chỉ biết, còn hiểu đầy đủ để thực hiện, tránh và giảm thiệt hại khi vướng phải tranh chấp.

Theo báo cáo của EU-MUTRAP, Việt Nam cũng đang đối mặt nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Tuy nhiên, việc chuyển lên một nước có thu nhập cao đang gặp khó khăn, do cải cách vẫn khiêm tốn, trong khi năng suất lao động ít được cải thiện.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.