Nhiều hoạt động mừng ngày thống nhất đất nước

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều chương trình, hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ người dân và du khách đến TPHCM dịp 30/4 và 1/5. Các chương trình tôn vinh bao lớp người với những chiến công bảo vệ và xây dựng đất nước.

Chương trình ca nhạc đặc biệt kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước do Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM sẽ tổ chức sẽ diễn ra tối 29/4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chương trình được chia làm 3 chương, gồm: Việt Nam trong trái tim ta, Miền Nam thành đồng và Thành phố niềm tin. Mỗi chương sẽ mang một thông điệp riêng và được kết nối với nhau qua các ca khúc mang đậm tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa và ngợi ca tinh thần lao động dựng xây tổ quốc.

Chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của NSƯT Thanh Thúy và sự dàn dựng của đạo diễn Binh Hùng cùng với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như NSND Quang Thọ, NSND Trọng Hữu, NSND Thoại Miêu, Lam Tuyền, Vân Khánh, Hiền Thục, Hồ Trung Dũng, Quốc Đại, Võ Hạ Trâm, saxophone Quách Tiến Dũng, nhóm nhạc Mắt Ngọc, nhóm Nhật Nguyệt, Lạc Việt…

Theo ông Trần Thế Thuận- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao TPHCM, đây là những hoạt động lớn không chỉ kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước 30/4 và 136 năm ngày Quốc tế Lao động 1/5, mà còn mang ý nghĩa khẳng định những nỗ lực phi thường và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc ngăn chặn dịch COVID-19, thành phố đã sớm khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội, bước vào thời kỳ bình thường mới.

Nhiều hoạt động mừng ngày thống nhất đất nước ảnh 1

Diễu hành Carnival tại Công viên văn hóa Đầm Sen

Trong hai ngày 30/4 và tối 1/5 cũng diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ người dân và du khách do các đơn vị nghệ thuật như Trung tâm Ca nhạc nhẹ, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Nghệ thuật hát bội, Nhà hát Kịch thành phố… thực hiện.

Các rạp phim ở TPHCM sẽ công chiếu bộ phim “Bình minh đỏ” do hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất. Bộ phim được lấy cảm hứng từ những chiến công và những tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn. Các nữ Thanh niên xung phong trong Trung đội nữ lái xe đã cống hiến tuổi thanh xuân, sẵn sàng chịu đựng khó khăn gian khổ, thậm chí cả sự hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, góp sức mình vào công cuộc thống nhất đất nước. Phim “Bình minh đỏ” do đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân và đạo diễn trẻ Trần Chí Thành thực hiện cùng với sự tham gia của các nữ diễn viên trẻ như Phạm Quỳnh Anh, Phạm Bảo Hân, Hà Phương Anh, Hoàng Bích Phượng. Trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, bộ phim “Bình minh đỏ” đã được trao Giải thưởng Giám khảo. Trong buổi chiếu ra mắt tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, “Bình minh đỏ” đã lấy được nước mắt của nhiều khán giả. Theo đạo diễn trẻ Hồng Lê, bộ phim “Bình minh đỏ” đã tái hiện chân thực cuộc sống của những nữ Thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với những hy sinh mất mát. Để mỗi ai xem xong đều thấy hiểu hơn về sự hy sinh của những thế hệ đi trước để có được cuộc sống hòa bình hôm nay.

Nhiều hoạt động mừng ngày thống nhất đất nước ảnh 2

Cảnh trong phim “Bình minh đỏ”

Cùng với các hoạt động biểu diễn, tại TPHCM cũng đồng thời diễn ra nhiều hoạt động triển lãm hình ảnh, trưng bày hiện vật với các chủ đề liên quan đến ngày thống nhất đất nước. Trong đó, triển lãm ảnh “TPHCM - 47 năm cùng cả nước, vì cả nước” được khai mạc từ ngày 27/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Triển lãm trưng bày 90 hình ảnh giới thiệu khái quát về Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là cuộc đấu tranh hào hùng của quân và dân miền Nam với ba mặt trận tiến công (giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Huế - Đà Nẵng, giải phóng Sài Gòn) cùng với các cuộc nổi dậy ở Đồng bằng sông Cửu Long, để giành thắng lợi trọn vẹn thống nhất đất nước. Triển lãm sẽ kéo dài cho tới hết ngày 7/5.

Tại đường Đồng Khởi và Cung Văn hoá Lao động TPHCM sẽ là cuộc triển lãm “Giai cấp công nhân TPHCM phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” với 70 bức ảnh ghi lại những thành tựu và các khoảng khắc đẹp của giai cấp công nhân tại TPHCM, những người đã phát huy truyền thống anh hùng, năng động, luôn đi đầu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập với quốc tế để dựng xây thành phố giàu đẹp.

Các điểm vui chơi nổi tiếng tại TPHCM như Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa chào mừng ngày thống nhất đất nước. Trong suốt 4 ngày nghỉ lễ, tại Công viên văn hóa Đầm Sen diễn ra nhiều hoạt động ngoài trời như diễu hành Carnaval xe hoa với hơn 100 vũ công và nghệ sĩ xiếc, ảo thuật, thưởng thức âm nhạc đường phố, nhảy flashmob, các chương trình biểu diễn nghệ thuật từ truyền thống tới hiện đại. Tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (TP Thủ Đức) diễn ra chương trình nhạc hội, biểu diễn nghệ thuật chào mừng ngày hội “Thống nhất non sông” với nhiều tiết mục văn nghệ mang ca ngợi truyền thống yêu nước, ca ngợi tinh thần lao động.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, đại diện đơn vị quản lý Công viên văn hóa Đầm Sen cho biết, dịp lễ năm nay sẽ phục vụ khoảng 45.000 lượt khách. Giá vé không tăng để giúp người dân TPHCM có kỳ nghỉ lễ trọn vẹn sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong các ngày từ 30/4 - 3/5, miễn vé vào cổng cho du khách mặc áo cờ đỏ sao vàng, hoặc du khách có thể mua vé trọn gói giảm 50% khi mặc áo này. Những du khách có sinh nhật trong ngày 30/4 và 1/5 được miễn phí vé vào cổng và giảm 50% khi mua vé trọn gói các trò chơi tại Đầm Sen trong hai ngày này. Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (TP Thủ Đức) miễn vé vào cổng cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 và miễn vé cho trẻ em.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.