Nhiều bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi đe dọa, Việt Nam tăng cường kiểm dịch y tế biên giới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh/thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế yêu cầu tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới.

Cục Y tế dự phòng cho biết, theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 tới đầu năm 2024, dịch COVID-19 tiếp tục ghi nhận các biến thể mới, trong đó có các biến thể cần theo dõi (XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86, JN.1); các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác vẫn được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới như: bệnh Nipah tại Ấn Độ, Cúm A (H5N1) tại Campuchia, Cúm (H1N2) tại Vương quốc Anh, MERS-CoV tại khu vực Trung Đông; các bệnh viêm đường hô hấp gia tăng tại một số nước.

Để chủ động phát hiện, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng đề nghị các Trung tâm cập nhật thường xuyên các thông tin về các bệnh truyền nhiễm trên thế giới có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng chống ngay tại cửa khẩu; tăng cường giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu để kịp thời phát hiện sớm, cách li, xử lí kịp thời các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội tại nước ta.

Đồng thời, xây dựng, cập nhật quy trình thực hiện các hoạt động kiểm dịch y tế tại từng cửa khẩu căn cứ theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới và các hướng dẫn chuyên môn, kĩ thuật hiện hành. Rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tại từng cửa khẩu, trong đó có phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán, lưu ý kế hoạch cần có sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế tại địa phương.

Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lí cửa khẩu và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, đề xuất danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế thường xuyên và trong trường hợp có dịch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, trong 2 tuần đầu năm 2024 ghi nhận 419 ca mắc COVID-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố; số mắc tăng 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số ca nhập viện tăng nhẹ nhưng không có trường hợp nặng, hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả.

Hiện nay dịch bệnh truyền nhiễm đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Không ghi nhận các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A. Các bệnh truyền nhiễm khác ổn định. Tuy nhiên, tại khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường; đây cũng là thời điểm nước ta chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, vì vậy người dân đi lại, giao lưu nhiều là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan và có nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lí nền.

Phòng bệnh

Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có COVID-19 Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như sau:

- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;

- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng;

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

MỚI - NÓNG