Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số bệnh nhân cúm A tăng cao tại Hà Nội. Hai tuần gần đây, các bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi đến khám, được xét nghiệm và chẩn đoán mắc bệnh cúm A. Đây là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày ghi nhận hơn 100 trẻ mắc cúm A, trong đó hơn 10% nhập viện điều trị. Riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), khoảng một tháng trở lại đây tiếp nhận nhiều bệnh nhi cúm A, 60 - 80 bệnh nhi nội trú, chiếm khoảng 1/2 -1/3 số trẻ điều trị tại trung tâm. TS. Đỗ Thị Thúy Nga, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em cho biết, các biến chứng của cúm A có thể gây ra tổn thương phổi, viêm phổi nặng, suy hô hấp, thậm chí có những trẻ phải thở máy, viêm não hoặc viêm cơ tim.
Bệnh nhân cúm A phải can thiệp tim phổi nhân tạo |
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho gần 20 ca mắc cúm có bệnh lí nền. Có những bệnh nhân chỉ sau ít ngày mắc bệnh đã phải đặt ống thở máy vì tình trạng suy hô hấp diễn biến nặng. Có trường hợp phổi trắng xóa trên phim chụp X-quang, tổn thương phổi tới 60%.
Bệnh nhân N.M.H., 51 tuổi, được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng mệt mỏi tăng dần, sốt cao, đau đầu, khó thở. Cùng kết quả xét nghiệm mắc cúm A còn phát hiện xơ gan, viêm gan C, khiến cơ thể suy giảm miễn dịch, làm tình trạng viêm phổi nặng hơn.
Hầu hết bệnh nhân cúm phải nhập viện đều do trước đó có bệnh lí nền, nhiễm virus cúm khiến tình trạng nặng lên. Cùng các thuốc điều trị bệnh lí kèm theo, bệnh nhân được điều trị cúm bằng Tamiflu. Đây là loại thuốc kháng virus phải có sự chỉ định của bác sĩ và chỉ có tác dụng trong vòng 48h đầu sau nhiễm virus. Thực tế, hơn 80% trường hợp cúm sẽ tự khỏi sau 1 tuần nhưng vẫn có thể còn đau họng, sổ mũi. Đó là biểu hiện bội nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng khoa Virus - Kí sinh trùng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), cho biết tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện đang điều trị một số trường hợp nặng, nguy kịch do suy tim, đái tháo đường, béo phì tăng nặng khi nhiễm cúm. Một số ca còn đồng nhiễm cả cúm và COVID-19 dẫn đến viêm phổi nặng, phải hỗ trợ thở máy.
“Cúm A chỉ mới vào mùa, một phần do diễn biến thời tiết rét muộn của năm nay. Bác sĩ khuyến cáo mọi người tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm, hạn chế đến nơi đông người, đảm bảo vệ sinh”, bác sĩ, Th.S. Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, nói.
Không tự ý uống thuốc Tamiflu
Trước việc không ít người dân khi mắc cúm đã tự ý mua thuốc Tamiflu về uống, các chuyên gia y tế khuyến cáo thuốc Tamiflu thường được chỉ định với các trường hợp mắc cúm nặng, các trường hợp có nguy cơ cao. Người bệnh không được tự ý sử dụng loại thuốc này khi không có chỉ định của bác sĩ vì dễ gây hiện tượng kháng thuốc.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Theo Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, những tuần gần đây, số ca mắc cúm ở nước ta đang tăng, tuy nhiên, hiện chưa ghi nhận các chủng virus có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người.
Hiện đang là thời điểm giao mùa đông - xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc lạnh, lúc nóng tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm.
Kết quả giám sát các trường hợp mắc cúm cũng cho thấy, các chủng virus gây bệnh đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).
Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.