Nhiều bài học từ lỗ hổng phòng dịch

0:00 / 0:00
0:00
Phun khử trùng, tiêu độc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Minh
Phun khử trùng, tiêu độc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Minh
TP - Ngày 6/5, trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, nói rằng, qua sự việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung và trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh, ngành y tế đã rút ra nhiều bài học để phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 đã được cách ly toàn bộ sau khi phát hiện chùm ca bệnh COVID-19 tại đây. Bộ trưởng có thể cho biết về nguồn lây của chùm ca bệnh?

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, đặc biệt cơ sở 2 (Đông Anh) là thành trì quan trọng của ngành y tế khu vực phía Bắc, là nơi tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Đến nay, Bệnh viện đã điều trị hơn 1.000 ca bệnh COVID-19 trong tổng số hơn 3.000 bệnh nhân ghi nhận ở nước ta, trong đó nhiều ca rất nặng đã điều trị thành công, chưa có trường hợp nào tử vong. Đây là kết quả của sự nỗ lực của tất cả mọi người trong trận chiến hết sức cam go này.

Nhiều bài học từ lỗ hổng phòng dịch ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Bộ trưởng vừa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 xong. Ông cảm thấy sức khỏe thế nào và việc tiêm chủng cho người dân đến đâu?

Tôi thấy sức khỏe sau tiêm hoàn toàn bình thường. Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến. Chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, tiêm đến đâu chắc chắn đến đó. Chính vì thế, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng. Việt Nam đã tiêm cho 675.956 người tuyến đầu. Theo ghi nhận đến nay có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… Triệu chứng này hết sau 24h. Tỷ lệ này thấp so với các nước trên thế giới. Cho đến nay, chúng tôi khẳng định việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại Việt Nam là an toàn.

Về nguyên nhân lây nhiễm, theo đánh giá ban đầu của Giám đốc bệnh viện, có thể do lây giữa các khoa trong bệnh viện và cũng có thể lây từ người nhà bệnh nhân. Chúng tôi đang giao cho các các cơ quan chức năng đánh giá. Điều quan trọng là ngay khi phát hiện, Bộ Y tế đã yêu cầu cách ly y tế toàn bộ bệnh viện và sàng lọc tất cả cán bộ trong bệnh viện, người bệnh, người nhà bệnh nhân. Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện gửi danh sách người đến khám, chữa bệnh từ 15/4 đến nay về các địa phương để thực hiện truy vết, sàng lọc, cách ly, xét nghiệm theo các yêu cầu.

Bệnh viện tuyến đầu bị phong tỏa, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ như thế nào?

Việc này chúng ta đã có kinh nghiệm. Bệnh viện Bạch Mai là ví dụ, từng bị cách ly, nhưng quy mô của Bệnh viện Bạch Mai lớn rất nhiều so với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Chúng tôi tin rằng, các địa phương khẩn trương truy vết tìm ra những người có yếu tố tiếp xúc, có liên quan và có thể trở thành nguồn truyền nhiễm để cách ly, xử lý kịp thời. Mặt khác, Bộ Y tế động viên toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của bệnh viện không được rời vị trí, sẵn sàng tiếp ứng ở tất cả các vị trí trong quy trình điều trị. Đây là thành trì điều trị bệnh nhân nặng. Hiện bệnh viện vẫn tiếp nhận bệnh nhân nặng để đảm bảo điều trị hiệu quả theo đúng yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian ngắn xuất hiện cùng lúc 2 lỗ hổng phòng dịch tại khu cách ly tập trung và trong môi trường bệnh viện. Ngành y tế rút ra bài học gì?

Có nhiều bài học cần rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt hơn, đặc biệt bài học liên quan môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong môi trường cách ly.

Thứ nhất là vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, coi đây là một trong những điểm yếu, lỗ hổng trong vấn đề quản lý. Chúng tôi đã đánh giá, tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh sau 14 ngày cách ly tập trung. Sau khi trao đổi với các cơ quan, chuyên gia, Bộ Y tế đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày.

Thứ hai, khâu bàn giao giữa cơ sở cách ly với các địa phương nơi cư trú của người hết hạn cách ly còn yếu. Bộ Y tế đã có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai chặt.

Thứ ba ở khâu theo dõi tại địa phương sau khi hết cách ly tập trung, giờ yêu cầu làm nghiêm, giám sát và theo dõi sức khoẻ người cách ly thêm 7 ngày sau khi cách ly tập trung.

Thứ tư, xét nghiệm còn bỏ lọt nên Bộ Y tế yêu cầu nâng tần suất xét nghiệm trong thời gian cách ly từ 2-3 lần lên 4-5 lần, đảm bảo an toàn tối đa, phòng lây nhiễm ra cộng đồng. Thứ năm, lây nhiễm trong bệnh viện cũng đã xảy ra tại một số bệnh viện.

Chúng tôi luôn nhấn mạnh, bệnh viện sẽ là nơi phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm, nguy cơ rất cao. Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bệnh viện phải khám sàng lọc kỹ lưỡng, liên tục đối với nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao, triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo không có lây nhiễm trong các bệnh viện.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG