Nhật thận trọng thăm dò khả năng Mỹ quay lại TPP

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)
TPO - Khi Thủ tướng Nhật Bản Suga Yushihide gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hồi tháng 4, có một chủ đề mà ông muốn nêu ra. Đó là khả năng Mỹ quay lại thoả thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Suga định thăm dò lập trường của Washington bằng cách nói rằng Nhật muốn Mỹ sớm muộn sẽ tái tham gia thoả thuận thương mại này, Nikkei đưa tin.

Mỹ dường như vẫn bị ảnh hưởng bởi những hoài nghi về toàn cầu hoá kinh tế từ thời chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump.

Ông Biden nói rằng chính quyền của ông sẽ không hoàn tất thoả thuận thương mại mới nào cho đến khi các nước khác tăng đầu tư vào Mỹ. Trong bài phát biểu trước lưỡng viện của Quốc hội ngày 28/4, ông Biden không nhắc đến thương mại tự do. Thay vào đó, ông nhấn mạnh vấn đề việc làm cho người lao động và tầng lớp trung lưu.

Thủ tướng Suga nói rằng ông hiểu sẽ khó để chính quyền Mỹ thay đổi chính sách sang ủng hộ thương mại tự do ngay cả khi đảng Dân chủ do ông Biden dẫn dắt chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào mùa thu năm 2022.

Tuy nhiên, ông Suga muốn nêu chủ đề này với nhà lãnh đạo Mỹ vì các quan chức Nhật kết luận sau những cuộc đàm phán hậu trường với Mỹ rằng chính quyền Biden không loại trừ khả năng Mỹ cuối cùng sẽ quay lại với TPP.

Thủ tướng Suga được các quan chức cấp dưới báo cáo rằng chính quyền Biden thực tâm muốn đưa Mỹ trở lại TPP vào một thời điểm nào đó nhưng chưa thể chính thức quyết định sớm.

Cuộc gặp kéo dài 2 tiếng rưỡi giữa hai ông Suga và Biden tập trung vào những vấn đề cấp bách hơn, như chính sách với Trung Quốc và biến đổi khí hậu, nên không còn mấy thời gian để thảo luận về TPP.

Năm 2015, khuôn khổ của thoả thuận này được 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, đồng ý về nguyên tắc, khi ông Biden đang là phó tổng thống của chính quyền Barack Obama. Nhưng sau đó ông Trump đã rút khỏi thoả thuận này ngay trong ngày đầu tiên lên nắm quyền.

Nhật Bản rất thất vọng với quyết định này. Bản thân ông Suga cũng rất gắn bó với TPP trong thời gian làm tổng thư ký nội các. Ông tin rằng TPP có thể trở thành nền tảng để thiết lập một trật tự kinh tế tự do và công bằng ở châu Á – Thái Bình Dương.

Nếu không có Mỹ, TPP chỉ là một khối liên minh kinh tế chiếm hơn 10% GDP toàn cầu. Tỷ lệ đó sẽ tăng lên 40% nếu Mỹ tham gia.

Cạnh tranh với sức ảnh hưởng của Trung Quốc chưa bao giờ trở nên cấp thiết như hiện nay, và cảm giác đó được Mỹ và Nhật Bản chia sẻ.

Một quan chức cấp cao Nhật Bản nói rằng thuyết phục Mỹ tham gia TPP là “nhiệm vụ không thể tránh khỏi” đối với Tokyo, và ông Suga “chắc chắn” sớm muộn sẽ đề xuất với ông Biden.

Trung Quốc cũng đang chơi chính trị với TPP. Tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ cân nhắc nghiêm túc việc tham gia khối này. Phát biểu được đưa ra gần thời điểm Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) được 15 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, ký kết. Phát biểu của ông Tập được cho là để thăm dò ông Biden sau khi chiến thắng ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống.

Chưa rõ Trung Quốc nghiêm túc đến mức nào về việc tham gia TPP.

Ke Long, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ nghiên cứu chính sách Tokyo, nói rằng bước đi đó nếu trở thành sự thật “có thể nhằm ngăn chặn Đài Loan tham gia, vì cô lập Đài Loan là vấn đề ư tiên cao nhất của lãnh đạo Trung Quốc”.

Chính phủ Nhật và đảng Dân chủ tự do cầm quyền có kỳ vọng mạnh mẽ rằng Đài Loan sẽ tham gia TPP.

Theo NK
MỚI - NÓNG