Nhật ký của một sinh viên y khoa

Sinh viên y khoa trong một giờ thực tập
Sinh viên y khoa trong một giờ thực tập
Ngày… Trưa nắng... Phóng xe từ Bệnh viện Bạch Mai về, qua cổng parabol Bách Khoa, trông thấy thằng bạn cũ đang xách cặp đi học, vẫn cái kiểu lôi thôi lếch thếch không lẫn vào đâu được.

Một cuộc trò chuyện chớp nhoáng diễn ra, chủ đề vẫn như mọi khi, xoay quanh tương lai và những ngã ba đường... Có một đam mê để mà theo đuổi là một điều may mắn không phải ai cũng có.

Hầu hết mọi người trẻ đều loay hoay tìm hướng đi cho tương lai của mình, có thể vì cái gì cũng giỏi, cái gì cũng thấy hay; có thể vì chẳng có gì nổi bật cả; có thể vì lười biếng, thiếu ý chí, cảm xúc hời hợt...

Người ta hay nói đến việc lắng nghe trái tim, nhưng vấn đề ở chỗ cái gọi là “trái tim” ấy có chịu lên tiếng? Lại nhớ đến cái gọi là “nhân cách nghệ sĩ yếu” đã học. Nhấn mạnh vào từ “yếu”.

Nghệ sĩ thực thụ chẳng ai có nhân cách yếu cả, họ có đam mê, có ý chí và mạnh mẽ vô cùng. Chỉ có những “nghệ sĩ” nửa mùa, cảm xúc hời hợt, hay thay đổi thì mới xếp vào đây. Chợt giật mình, liệu ta cũng thuộc cái nhóm này...

Ngày…

Buổi sáng chủ nhật, tham gia đạp xe tình nguyện tuyên truyền cho Hiệp hội Đái tháo đường cùng các bạn trong đội... Nghe tin có cơn bão lớn, một thoáng lo lắng khi cập nhật tin bão thấy nó lại hướng ra Bắc Trung Bộ. Gọi điện về cho bố mẹ hỏi thăm tình hình ở nhà thế nào. Sau đó lại là cảm giác tiếc nuối vì không thể về quê dự Hội trường cấp III cũng như dự đám cưới của một đứa bạn cùng lớp hồi phổ thông.

Đành vậy, cuộc sống đôi khi phải đánh đổi, mà sự đánh đổi của mình ở đây không phải vì cá nhân, mà là vì tập thể lớp, vì bệnh nhân, vì những người thân yêu đang ở ngoài này...

Tối nay lại trực, một đêm trực với tiếng monitor văng vẳng bên tai và những người bệnh đang nằm trên giường sắt trải tấm nệm trắng loang lổ, lơ lửng giữa sự sống và cái chết... Hãy nghĩ đến những người bệnh đang cần mình, bạn bè đang cần mình, bệnh viện đang cần mình... Và tiếp tục bước đi!...

Ngày...

Càng thấy Y khoa thâm thúy bao nhiêu thì càng tiếc trước đây mình học hời hợt bấy nhiêu. Lý thuyết Y học đâu phải chỉ ngồi đọc vài trăm trang sách rồi học thuộc là xong, phải tư duy, động não, liên tục đặt câu hỏi “Tại sao?”, so sánh đối chiếu với lâm sàng, rồi lại tổng hợp các tình huống lâm sàng đã gặp mà củng cố thêm lý thuyết. Còn về lâm sàng thì có vô vàn điều phải chỉnh đốn. Nhưng đấy là việc nói dễ hơn làm!

Ngày…

Suất cơm trực miễn phí ở Khoa Tâm thần gồm một ít cơm, một miếng đậu phụ, một ít lạc rim và rau cải luộc. Nguội nhưng mà đói thì vẫn xơi ngon lành. Chân thành cảm ơn cậu bạn đã bất chấp gió rét lặn lội từ nhà M4 sang M3 để đem hàng tiếp tế đến cho “đồng bào vùng sâu vùng xa”. Ai cũng bảo mình sao gầy thế. Không đói ăn nhưng thiếu ngủ. Phải điều chỉnh lại lịch cá nhân mới được. Lúc nào cũng như thiếu thời gian.

Ngày...

Khám bệnh nhân, sau đó đọc bệnh án của khoa xem bác sĩ chẩn đoán bệnh gì, rồi lại về tra ICD về chẩn đoán của khoa, tiếp những ngày sau lại lên khám đi khám lại bệnh nhân theo những cái đã đọc, vặn vẹo các anh chị nội trú, rồi mới bắt đầu viết bệnh sử, viết xong khu trú về triệu chứng và hội chứng thấy mông lung quá lại hì hục sửa bệnh sử, đến khi biện luận chẩn đoán lại phải giở ICD ngâm cứu lại từng chữ, chưa kể đến điều trị, tiên lượng, phòng bệnh...

Vâng, đó là những phác họa sơ bộ nhất về con đường mà một bệnh án (trình độ sinh viên) ở cái chuyên khoa này ra đời.

Các “thánh” Y4 mà đọc thì sẽ thấy nó hơi bị ám thị, nhất là những khâu đầu tiên, nhưng với một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và cái gọi là kinh nghiệm chỉ như con số không tròn trĩnh như lĩnh vực bệnh tâm thần thì đây là cách khả dĩ nhất để học (không dám nói là cách tốt nhất).

Ngoài ra, còn một cách khác mà thầy giáo đã bày, đó là khi khám bệnh không vội quan tâm đến triệu chứng, hội chứng hay bệnh mà chỉ cần trả lời 2 câu hỏi: “Biểu hiện gì?” và “Tại sao?”.

Còn những vấn đề sâu hơn có thể tổng hợp lại sau. Thiết nghĩ, nó cũng tốt và đúng cho mọi chuyên khoa, nhưng cẩn thận, dễ sa vào lan man lắm.

Nói thật, khi chuyển sang nghiên cứu các vấn đề về tâm lý, điều quan trọng nhất mà các sinh viên y thu được không phải là một mớ kiến thức về ảo giác, hoang tưởng, trầm cảm, hysteria, tâm thần phân liệt... mà là một góc nhìn khác về cuộc sống, biết được những góc khuất trong nhân cách con người, nơi người ta kìm nén những căng thẳng trong đời và chúng dồn nén lại đến một ngưỡng nhất định thì giọt nước tràn ly là điều dễ hiểu.

Biết, để mà chú ý hơn tới bệnh nhân. Biết, để mà chú ý hơn tới chính bản thân mình. “Rối loạn tâm thần cũng như bệnh cúm, trong đời ai cũng mắc, vấn đề là người ta có tự khỏi hay không” - Triết lý của Y5 đấy!

Trích Nhật ký của một sinh viên y khoa

Theo Theo Sức khỏe Đời sống
MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn lên mức 79,3 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC giảm về mức 81,8 triệu đồng/lượng. Ảnh:PQ.
Giá vàng nhẫn phá vỡ mọi kỷ lục
TPO - Sáng nay (20/9), giá vàng nhẫn tròn tiếp tục tăng 100.000 đồng/lượng, lên mức 79,3 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử. Giá vàng SJC bất ngờ quay đầu giảm, về mức 81,8 triệu đồng/lượng.