Mỹ luôn duy trì 10 biên đội tàu sân bay thường trực, nhưng chiến dịch quân sự chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang khiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương phần nào bị xao lãng. Một số nhà hoạch định chính sách của ông Obama muốn điều hai nhóm tàu sân bay sang Trung Đông để tiếp tục diệt trừ IS. Báo Nhật Bản cho rằng, 4 tháng vắng mặt tàu sân bay Mỹ trong năm 2015 có thể thúc đẩy Nhật Bản bắt đầu phát triển đội tàu sân bay của riêng mình.
Từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai và Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính sách của Washington là luôn giữ Nhật Bản phụ thuộc vào sức mạnh quân sự của Mỹ. Nhưng tình trạng cắt giảm ngân sách và sự bùng phát các cuộc xung đột khắp thế giới đã khiến Mỹ có những ưu tiên mới. Mỹ đang làm rõ rằng, nước này muốn các đồng minh phải đủ khả năng tự xử lý những thách thức chiến lược sát sườn với lợi ích của mình.
Hải quân Mỹ thường triển khai các đội tàu sân bay tại Đông Á và vịnh Ba Tư (Péc-xích) để đề phòng các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc, Triều Tiên, Iran. Trung Quốc đang gấp rút xây dựng đội tàu sân bay nhằm hậu thuẫn tham vọng to lớn của mình, trong khi ngày càng tỏ ra cứng rắn, thể hiện khả năng quân sự ở biển Hoa Đông và biển Đông. Theo Japan Times, tranh chấp ở biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến hàng hải và lưu thông thương mại quốc tế hết sức quan trọng.
Japan Times dẫn lời đô đốc Katsutoshi Kawano, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nhật Bản, hối thúc sớm khởi động “cơ chế quản lý khủng hoảng” với Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp quanh quần đảo Sankaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông tiếp tục căng thẳng. Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới còn bị che phủ bởi vấn đề lịch sử thời thế chiến. Các tàu tuần tiễu và chiến đấu cơ của cả hai quốc gia vẫn thường xuyên theo dõi nhau gần khu vực tranh chấp, làm dấy lên lo sợ về một vụ va chạm hoặc sự cố khác có thể đẩy tình hình leo thang thành xung đột lớn hơn.
Đề xuất thiết lập cơ chế quản lý khủng hoảng đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh gần đây. “Điều đó rất quan trọng. Nó cho phép người của hai phía liên lạc với nhau. Cơ chế liên lạc giữa lực lượng hải quân và không quân hai quốc gia có thể là một bước tiến lớn để tránh một tình huống không mong đợi”, tướng Kawano nói. Theo kế hoạch, ngoài đường dây nóng giữa Nhật Bản và Trung Quốc, liên lạc trực tiếp có thể sẽ được thiết lập giữa các tàu và máy bay của hai nước. Tuy nhiên, tướng Kawano cho rằng, còn quá sớm để khẳng định những kế hoạch này đem lại kết quả. “Chỉ khi nào quan hệ chính trị được xây dựng lại, trao đổi giữa quân đội hai bên mới trở nên khả thi”, ông Kawano nói.
Trung Quốc phát biểu về tranh chấp trên biển
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây phát biểu, Trung Quốc có thể “giải quyết đúng đắn các tranh chấp lãnh thổ”, phản đối việc “cố ý hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Tại một hội nghị đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 28 đến 29/11, ông Tập phát biểu: “Chúng ta cần cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền hàng hải, lợi ích và sự thống nhất quốc gia”. Nhưng ông Tập cũng phát biểu rằng, Trung Quốc có thể “phát triển hòa bình” và phản đối việc “cố ý hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Phát biểu của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước Mỹ, Úc, Nhật Bản tháng trước kêu gọi giải quyết các tranh chấp biển bằng biện pháp hòa bình, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo về hiểm họa xung đột bùng nổ tại châu Á khi Trung Quốc gia tăng các yêu sách lãnh thổ tranh chấp. Trên chuyên san quốc phòng Mỹ, chuyên gia Michael McDevitt nhận định, biển Đông hiện là một trong các khu vực nguy hiểm nhất thế giới.
Theo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 30/11, quan hệ Trung - Nhật luôn trong tình trạng căng thẳng suốt hai năm qua, kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa một số đảo tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ở biển Đông, Trung Quốc hiện có tranh chấp với nhiều nước ASEAN như Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam… Dù quan hệ Trung-Nhật phần nào hạ nhiệt sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Tập và ông Abe hôm 10/11, tàu tuần duyên Trung Quốc vẫn tiếp tục tuần tiễu quanh Senkaku/Điếu Ngư.
Khủng bố tại Tân Cương, 15 người thiệt mạng
Cảnh sát khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) bắn hạ 11 đối tượng thực hiện một tấn công bằng dao, thuốc nổ và rìu nhằm vào dân thường chiều 29/11. Xinhua ngày 30/11 đưa tin, vụ tấn công khủng bố khiến ít nhất 15 người thiệt mạng, 14 người bị thương. “Một lượng thiết bị nổ, dao và rìu đã được tìm thấy tại hiện trường”, Xinhua đưa tin. Vụ tấn công xảy ra chỉ một ngày sau khi chính quyền Tân Cương thông báo kế hoạch tuyển dụng 3.000 cựu binh để tăng cường an ninh. Bắc Kinh đang nỗ lực đối phó tình trạng bạo lực tăng mạnh ở Tân Cương, quê hương của cộng đồng dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo.
Gia Tùng (theo China Daily, BBC)