Báo cáo viết rằng, lá chắn tên lửa Mỹ đã được triển khai ở khu vực Viễn Đông là trở ngại chủ yếu khiến Trung Quốc phải thận trọng nếu tiến hành một cuộc chiến nhằm thống nhất đảo Đài Loan. Hệ thống này có khả năng vô hiệu hóa khả năng hạt nhân của lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc. Hệ thống radar tầm xa PAVE PAWS giúp Mỹ và các đồng minh trong khu vực phát hiện các tên lửa tầm trung và tầm xa của Trung Quốc ngay sau khi chúng được phóng lên.
Với tầm hoạt động 5.500 km, hệ thống radar PAVE PAWS cho phép Đài Loan phát hiện các động thái của tên lửa Trung Quốc. Mỹ đang có kế hoạch bán tên lửa PAC-3 cho Đài Loan với tổng giá trị hợp đồng 1,1 tỷ USD. Hệ thống Aegis triển khai trên các tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có thể đánh chặn tên lửa Trung Quốc trong khu vực. Báo cáo nêu quan điểm việc bán và triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Á sẽ gây mất ổn định khu vực, trong khi Trung Quốc dường như có ý định đạt mục tiêu thống nhất Đài Loan với đại lục bằng biện pháp phi hòa bình.
Báo Japan Times (Nhật Bản) đưa tin, Bộ Quốc phòng nước này đang nghiên cứu một hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhằm giúp Nhật Bản đối phó tốt hơn với các tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên. Quan chức quốc phòng Nhật Bản đã bắt đầu tham vấn Mỹ về hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD và một phiên bản lá chắn tên lửa Standard Missile-3 (SM-3) lắp trên các khu trục hạm trang bị hệ thống Aegis.
Hiện Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sử dụng hệ thống đánh chặn tên lửa hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên, các chiến hạm trang bị Aegis phóng tên lửa SM-3 phá hủy một tên lửa ở ngoài không gian hoặc các mảnh vỡ có nguy cơ nhằm vào Nhật Bản. Nếu thất bại, các căn cứ mặt đất trang bị hệ thống tên lửa Patriot sẽ khai hỏa. Nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tập trung đánh chặn tên lửa ở giữa hai giai đoạn hiện nay.
Do đó, triển khai hệ thống phòng thủ mới THAAD có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo khi chúng từ ngoài quỹ đạo trở lại bầu khí quyển. Trong 11 lần thử nghiệm giai đoạn 2006-2013, THAAD tiêu diệt mọi tên lửa mục tiêu. Việc Mỹ đang xem xét triển khai THAAD tại Hàn Quốc khiến Trung Quốc hết sức lo ngại. Quân đội Mỹ cũng đang thử nghiệm hệ thống tên lửa SM-3 như một phần lá chắn phòng thủ tên lửa tại châu Âu. Hệ thống SM-3 triển khai trên mặt đất có khả năng đáp trả nhanh chóng và năng lực vượt trội so với hệ thống SM-3 trên biển bởi không cần triển khai các chiến hạm Aegis.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hy vọng sẽ thiết lập lá chắn tên lửa 4 giai đoạn kết hợp hệ thống THAAD với các hệ thống tên lửa SM-3 trên mặt đất. Nhằm chuẩn bị cho quá trình này, Nhật Bản sẽ thu thập thông tin từ Mỹ về chi phí, đào tạo con người cũng như các vấn đề tác chiến cần thiết. Ngân sách cho chương trình này được đưa vào kế hoạch năm 2015.
Tuần báo Shukan Gendai (Nhật Bản) nhận định, nếu xảy ra chiến tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc, quân đội Trung Quốc có thể sẽ chọn thành phố Kobe là mục tiêu tấn công đầu tiên, bởi đây là nơi Mitsubishi và Kawasaki đặt cơ sở sản xuất tàu ngầm. Báo Trung Quốc Global Times từng viết, nếu quân đội Trung Quốc tấn công cơ sở chế tạo của hai hãng công nghiệp chủ chốt, có thể đẩy Nhật Bản vào tình thế nguy hiểm.
Mỹ đang đẩy mạnh sáng kiến xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, gồm các tên lửa PAC-3 biển đối không, hệ thống chiến đấu Aegis và hệ thống ăng ten cảnh báo sớm PAVE.