Ngày 31/8, ông Mai Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Pháp Y Đà Nẵng cho hay đã tiến hành xử lý kỷ luật ông L.V.D, nhân viên trung tâm. Ông D. là người bị gia đình nạn nhân B.T.H. (quê Hải Dương) tố chặn xe cứu thương 0 đồng đến đưa thi thể chị H. về quê.
Ông Ngọc cho biết, sau khi xảy ra sự việc, trung tâm đã tiến hành nhiều cuộc họp, thành lập hội đồng xử lý kỷ luật ông D. về mặt Đảng và chính quyền. Trong vụ việc chặn xe cứu thương, ông D. là người liên quan trực tiếp.
“Đơn vị đã họp và thống nhất áp dụng mức xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng. Về mặt Đảng, ông D. bị xử lý mức cảnh cáo”, Giám đốc Trung tâm Pháp Y Đà Nẵng thông tin.
Trung tâm Pháp Y TP Đà Nẵng, nơi xảy ra vụ việc. |
Vụ việc ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình nạn nhân và phẫn nộ dư luận, vậy mức xử lý kỷ luật như vậy có phù hợp không? Trả lời câu hỏi này, ông Ngọc cho biết ông. D. là người lao động, không phải công chức viên chức. Theo quy định, có 4 mức xử lý kỷ luật đối với người lao động: khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cách chức; sa thải. Trường hợp của ông D. không có chức quyền, cũng chưa đến mức sa thải nên xử lý ở mức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng.
Ông Ngọc cũng thừa nhận thiếu sót của lãnh đạo trung tâm, trưởng tua trực trong việc quản lý nhân viên, để xảy ra sự việc không mong muốn.
Như Tiền Phong đã thông tin, chị. B.T.H. (quê Hải Dương) bị tai nạn và tử vong trưa 7/8 trên đường Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng). Đến tối cùng ngày, gia đình chị có mặt tại Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng. Sau khi thực hiện các thủ tục, gia đình gọi xe cứu thương do các Mạnh Thường quân hỗ trợ - chuyến xe 0 đồng - tới chở thi thể về. Lúc này ông D. đóng cửa, cản không cho xe vào. Ông D. nói tới đây thì phải dùng dịch vụ xe tại đây. Mức giá xe dịch vụ là 16 triệu đồng. Thấy quá vô lý và bức xúc nên nhiều người đã quay clip lại và gọi báo công an.