Trong khi châu Âu rơi vào khủng hoảng, với từng nước một lần lượt đổi hướng sang chủ nghĩa phát xít, sự quan tâm dành cho quan điểm thách thức của nhà xuất bản Europa càng tăng cao. “Trò chuyện cùng Hitler” - một tuyển tập những bài luận chống phát xít đã bán được hơn 30.000 bản. Theo lẽ đương nhiên, Đế chế thứ ba không hề hài lòng với điều này, nhưng cặp vợ chồng trẻ hoàn toàn bàng quan với những lời đe dọa.
Khi sách của họ bị cấm ở Đức, họ phản hồi bằng cách xếp tất cả những đầu sách ấy ở ngay cửa sổ, trưng bày thành một chồng cao tựa như chúng sắp bị đốt trụi.
Thụy Sĩ lúc bấy giờ khăng khăng muốn làm phe trung gian, và vì thế Emil và Emmie hứng chịu sự chỉ trích nặng nề từ chính những người đồng hương của họ. Khi Emil bị khai trừ khỏi Hiệp hội Xuất bản Đức năm 1937, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ nối bước bằng cách đe dọa liệt sách của họ vào danh sách đen. Sau năm 1939, mọi hoạt động của họ bị giám sát bởi quân đội nhà nước.
Xuyên suốt Thế chiến II, số phận của Thụy Sĩ vô cùng chơi vơi. Không người dân nào dám nói chắc chắn về nền độc lập của đất nước, khi phía Bắc có Hitler còn phía Nam có Mussolini. Bất kể họ có theo phe ủng hộ hay phản đối đi chăng nữa, một cuộc xâm lược từ Đức nhiều khả năng sẽ xảy ra.
Căn hộ của vợ chồng Oprecht, trên đường Hirschgraben, nằm ngay đối diện lãnh sự quán Đức. Đó là một rủi ro lớn đối với họ, nhưng Emil và Emmie không hề chùn bước. Khi những nhà văn nước ngoài được họ bảo hộ gặp nguy hiểm, họ lại càng nỗ lực nhiều hơn. Họ không chỉ cho những tác giả này quyền lên tiếng, họ còn tìm một ngôi nhà mới cho họ. Nếu những nhà văn này nhập cảnh trái phép vào Thụy Sĩ, hai người sẽ giấu họ khỏi cảnh sát.
“Mọi tài nguyên chúng tôi có đều được sử dụng để giúp những ai bị ngược đãi”, Emmie nói. “Mạng sống nào cũng đáng giá hết”. Đối với những nhà văn bỏ trốn tới Thụy Sĩ, hiệu sách của vợ chồng Oprecht trở thành một chốn cứu sinh - cũng là một nơi để trao đổi và bàn luận một cách tự do.
Thành tựu của họ được ghi nhận bởi phe Đồng minh. “Tôi đã được nghe kể về những khó khăn ông bà phải đối mặt”. Thủ tướng Anh Winston Churchill viết trong một bức thư gửi tới Emil, “và xin hãy biết tôi và các nhà chức trách liên quan vô cùng đề cao công việc ông bà đang làm”. Tổng thống Roosevelt cũng bày tỏ lòng biết ơn. “Chúng tôi có thể hiểu những người bạn này đã cố gắng tới mức nào để giải phóng thế giới khỏi áp bức của Đức quốc xã”, ông viết.
Chỉ khi chiến tranh kết thúc, quan điểm của Thụy Sĩ mới thay đổi. “Thật lạ lùng - bỗng dưng chúng tôi lại được ưa chuộng”. Emil mỉa mai, khi ông được mời một ghế trong bộ máy nhà nước ở Bern năm 1945. “Sau hàng năm trời bị ruồng bỏ và quấy rối bằng mọi cách có thể, chúng tôi lại được cảm kích và săn đón”.
Đáng buồn thay, Emil chỉ có vài năm để tận hưởng sự công nhận muộn màng này. Năm 1952, ông mất vì căn bệnh ung thư khi chỉ mới 57 tuổi. Emmie tiếp tục sự nghiệp một mình, nhưng giai đoạn huy hoàng của hiệu sách đã đến hồi kết. Bà mất năm 1990, hưởng thọ 91 tuổi. Hiệu sách mở cho đến năm 2003, trước khi chuyển sang làm mặt bằng cho một đại lý du lịch.
Chỉ vừa năm ngoái, Hauser and Wirth, một trong những công ty thương mại hàng đầu Thụy Sĩ, đã mua lại nó và biến nó trở lại thành một hiệu sách, dưới sự quản lý của Tiến sĩ Michaela Unterdorfer. “Điều chúng tôi muốn là tạo một không gian cho quyền tự do ngôn luận”, bà nói.
Thực chất, vợ chồng Oprecht đã không phải chống chọi một mình. Họ là một phần của nền “văn hóa phản kháng” đã tồn tại và phát triển trong lòng thành phố Zurich xuyên suốt một thế kỉ, khi nó trở thành nơi trú ẩn cho nhiều nghệ sĩ và trí thức quốc tế. Bất chấp vẻ bề ngoài sung túc và tưởng chừng bảo thủ của nó, Zurich từ lâu đã là một điểm đến cho các nhà tư tưởng mới, một đại diện cho sự cầu tiến của châu Âu. Chính những người nhập cư đã giúp hồi sinh và kích thích đời sống văn hóa tại thành phố này.
“Tại đây, ta có thể cảm nhận được một nguồn năng lượng lớn, tạo ra bởi những cá nhân đến từ mọi nẻo đường”. Điều đó đúng trong thời của Emil và Emmie, và nó vẫn đúng cho đến ngày hôm nay.
Zurich không thích nói nhiều về thành tựu của mình, nhưng từ lâu nó là một ngọn giáo tiên phong cho nghệ thuật và âm nhạc đương đại.
Năm 1932, viện bảo tàng Kunsthaus của thành phố là nơi đầu tiên trên thế giới mở triển lãm tôn vinh Picasso. Baur au Lac, một trong những khách sạn sang trọng nhất Zurich, đã tổ chức buổi công chiếu toàn cầu bản nhạc Ride of the Valkyries của Richard Wagner - với Franz Liszt chơi piano. Bằng cách nào đó, Zurich cũng giống cặp đôi Oprecht - với bề ngoài kín đáo và một tâm hồn sâu sắc.
Thụy Sĩ đã trở thành chiến trường đẫm máu trong suốt 500 năm trước đây, và đất nước này cũng là cái nôi của vô số nghệ sĩ vĩ đại - từ Giacometti tới Le Corbusier, cũng như những anh hùng văn học không được ca tụng như Emil và Emmie Oprecht.