Nhà văn Nam bộ Trang Thế Hy qua đời

Nhà văn Nam bộ Trang Thế Hy qua đời
TPO - Hưởng thọ 91 tuổi, cây đại thụ của văn học Nam bộ qua đời lúc 0h50 phút ngày 8/12 tại nhà riêng ở Bến Tre.

Lễ viếng bắt đầu 9h sáng nay, lễ động quan 12h30 ngày 10/12, an táng tại quê nhà.

Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh sinh ngày 29/10/1924 tại Châu Thành, Bến Tre. Ngoài bút danh Trang Thế Hy, ông lấy nhiều bút danh khi viết văn, viết báo như Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm.

Ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là cán bộ văn hóa thông tin, từng bị địch bắt giam năm 1962. Sau ngày thống nhất, ông làm việc tại TPHCM, về hưu năm 1992 và ẩn cư tại quê nhà.

Ông bắt đầu viết văn ngay trong những ngày hoạt động cách mạng, tác phẩm đầu tay là Thanh gương tháng Tám với bút danh Song Diệp. Tác phẩm được đăng trong một tờ phụ trương của báo Đảng ĐBSCL. Trong số những cây bút trưởng thành trong kháng chiến tại miền Nam, Trang Thế Hy nổi lên không phải bởi số lượng tác phẩm (suốt đời ông chỉ viết chừng hơn 50 truyện ngắn và khoảng 30 bài thơ), tuy nhiên mỗi truyện ngắn của ông đều mang nét độc đáo riêng, thấm đẫm sự chất phác, hào sảng của người dân Nam bộ nhưng cũng là các tuyên ngôn cô đọng của cuộc sống...

Tháng 11/2014, nhân 90 năm sinh của ông, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức tọa đàm “Nhà văn Trang Thế Hy-Người hiền của văn học Nam Bộ”. Danh xưng này chính là nhà văn Nguyên Ngọc nhận định về ông.

Trong một bài viết, nhà phê bình Ngô Thảo hỏi Trang Thế Hy: “Là một người lăn lộn trường đời, có nguồn mạch văn hóa thâm hậu, nhưng số trang viết không nhiều, ông từng trả lời báo chí: Tạo hóa có nhễu cho vài giọt năng khiếu nhưng bản thân tôi không phải là người có ý chí mạnh ”. Ông trả lời: “Thì đó là tôi đã nói thật. Nhưng còn một lý do nữa mà tôi cũng đã trả lời trên báo: Cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu nó. Tôi luôn tự dặn mình như vậy cả trong cuộc sống, chứ không chỉ khi viết văn. Với tôi, cái gì đã viết, dù ít, là phải chân thật. Đôi lần tôi bị vấp cũng là vì vậy”.

Một số tác phẩm xuất bản: Nắng đẹp miền quê ngoại (truyện ngắn, 1964), Mưa ấm (tập truyện ngắn, 1981), Người yêu và mùa thu (truyện ngắn 1989), Tiếng khóc và tiếng hát (truyện ngắn 1993), Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (tập truyện ngắn 2000), Đắng và ngọt (tập thơ 2009).

Nhà văn Nam bộ Trang Thế Hy qua đời ảnh 1

“Không phải sau này tôi mới làm thơ. Nhưng mấy bài thơ bạn bè chọn in cho tôi hầu hết là mới, trừ bài Đắng và ngọt vốn tên gốc là Cuộc đời được Phạm Duy phổ nhạc từ những năm 60 của thế kỷ trước”, Trang Thế Hy từng thổ lộ.

Một điều đặc biệt nữa về nhà văn Nam bộ: Là người có thành tựu văn học nhất định, được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng ông  chọn cách ẩn cư với câu nói nổi tiếng “đi chỗ khác chơi”.

Quan niệm văn học của Trang Thế Hy: “Tôi nghe đó (từ câu chuyện của chị bán thuốc lá) là lời răn dạy rất nghiêm có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút, đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”. 

Ông được một số giải thưởng văn học: Giải Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam (1960-1965) cho truyện ngắn Anh Thơm râu rồng. Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát. Tặng thưởng loại A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2001 tập truyện Nợ nước mắt

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.