Tại Tọa đàm “Phát triển Nhà ở công nhân: Thực trạng và giải pháp” ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera cho biết, dù chính sách đã có nhiều, nhưng vẫn còn điểm nghẽn, gây khó khăn cho công nhân và cả những công ty tại KCN. Đáng chú ý, nhiều KCN có đầy đủ và đồng bộ hạ tầng, tạo ra môi trường, cảnh quan rất hiện đại, đầy đủ nhưng công nhân không vào ở được vì vướng các quy định liên quan việc cho thuê.
Cụ thể, theo quy định công nhân muốn thuê phải đủ điều như đóng bảo hiểm. Quy định này gây khó khăn vì những công nhân vừa nhận việc làm chưa được ký hợp đồng ngay để đóng bảo hiểm.
Thực tế, tại KCN Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có đến 100 nghìn công nhân, nhưng số lượng lao động vào các khu nhà ở chỉ khoảng 10 nghìn người, còn lại hơn 90 nghìn công nhân thuê nhà trọ. "Qua đợt dịch COVID-19 vừa rồi, chúng tôi phải cho mượn để công nhân ở chứ không cho thuê được vì không có quy định doanh nghiệp KCN thuê cho công nhân" ông Ngọc Anh nói.
Ông Phạm Văn Ân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho biết, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bị khống chế lãi 10%, nhưng do chịu nhiều loại chi phí không tên, số tiền thu được thực tế từ dự án rất thấp. Thậm chí, doanh nghiệp luôn phải đối mặt với lỗ khi bão giá và các chi phí đội lên cao.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang, các chủ đầu tư hiện đang “bỏ quên” người lao động, chỉ tập trung vào nhà ở mang tính chất lợi nhuận. |
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec cho biết, nhu cầu nhà ở công nhân qua đợt dịch COVID-19 vừa qua rất lớn và cần thiết. Với chủ đầu tư, vốn tín dụng là cần thiết nhưng quy định xong không thực hiện được. Ông Điệp đề xuất, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhất về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp làm nhà ở công nhân.
Ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho hay, trong quá trình triển khai nhà ở công nhân còn nhiều bất cập như quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân chưa đồng bộ với KCN, cụm công nghiệp. Các chủ đầu tư hiện đang “bỏ quên” người lao động, chỉ tập trung vào nhà ở mang tính chất lợi nhuận.
Do đó, để giữ chân người lao động, trong quy hoạch xây dựng nhà ở phải đồng bộ, gắn liền với KCN. Ngoài ra, trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư còn quá dài. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án cũng khó khăn. Bất cập lớn nhất là việc giao đất thực hiện theo Luật Đất đai còn gây khó khăn cho liên danh nhà thầu, liên danh chủ đầu tư.
Theo ông Hùng, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang có một số kiến nghị cho phép doanh nghiệp sản xuất trong KCN sử dụng lao động được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu dự án để cho công nhân mình thuê ở; công nhân trong KCN khi thuê nhà ở chỉ cần có hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp sản xuất trong các KCN trên địa bàn tỉnh; quy hoạch KCN phải quy hoạch đồng bộ khu dịch vụ trong KCN để dành đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở.
Trong khi đó, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, để phát triển nhà ở công nhân KCN, trong thời gian tới cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại nhà ở này.
Cụ thể, quy định ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án cần mang tính thực chất; sửa đổi pháp luật thuế; bổ sung hình thức bán nhà cho doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp trong KCN thuê để cho công nhân của mình thuê lại…
Theo ông Hưng, để giải quyết bài toán công nhân trước mắt, Bộ Xây dựng vừa đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội còn ngân hàng này tự huy động 10.000 tỷ đồng. Như vậy, gói này ra đời có 20.000 tỷ đồng cho nhà ở công nhân.
Về quỹ đất xây nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương đưa chỉ tiêu nhà ở công nhân vào phát triển kinh tế hằng năm.