TPHCM tăng tốc xây nhà ở cho công nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPHCM tăng tốc xây nhà ở cho công nhân
TPO - UBND TPHCM có ý tưởng xây dựng khoảng 1 triệu căn nhà cho công nhân. Hiện tại, TPHCM đang từng bước hiện thực hóa ý tưởng này.

Nhiều sở ngành vào cuộc

Thành phố Thủ Đức vừa tổ chức lễ khởi công dự án nhà ở xã hội cho công nhân nằm trên khu đất có diện tích 20.875m2 gần Khu công nghiệp Cát Lái, phường Thạnh Mỹ Lợi. Dự án có mật độ xây dựng 60% với hơn 1.000 căn hộ. Dự kiến, khu nhà ở này hoàn thành vào quý IV/2024, góp phần tạo quỹ nhà ở xã hội cho công nhân.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết, đây là một trong những dự án dành cho công nhân đầu tiên khi thành phố Thủ Đức được thành lập, đáp ứng chủ trương TPHCM xây 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp.

TPHCM tăng tốc xây nhà ở cho công nhân ảnh 1

Thành phố Thủ Đức khởi công xây hơn 1.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân.

Trong khi đó, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7 cho biết, đã có công văn đề xuất UBND TPHCM xem xét về việc sử dụng tạm thời 8 khu đất trên địa bàn quận để xây nhà lưu trú cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trong thời hạn 3 năm. Tám khu đất này có tổng diện tích hơn 13ha, hiện đều do các đơn vị nhà nước quản lý và sử dụng.

Tương tự, một khu đất tái định cư rộng 15ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cũng được UBND TPHCM giao Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, giai đoạn 2021-2025, TPHCM dự kiến xây dựng 50 triệu m2 sàn, với 366.00 sản phẩm. Trong đó, có 30.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp trên địa bàn.

Trong năm 2020, Sở Xây dựng TPHCM đã ban hành hướng dẫn cho hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở. Thời điểm đó chưa bùng phát dịch COVID-19 nên tiêu chí quan trọng nhất là thoát hiểm, cứu hộ cứu nạn và phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, Sở Xây dựng đã đề xuất những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các chủ nhà trọ cũng như công nhân thuê trọ để có nơi ở tốt hơn.

Mới đây, UBND TPHCM cũng có công văn khẩn giao Sở Xây dựng triển khai kế hoạch kiểm tra, rà soát tình hình xây dựng nhà trọ, nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở. UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức phải huy động lực lượng tại địa phương để thực hiện công tác khảo sát số liệu theo yêu cầu của Sở Xây dựng trong 5 ngày kể từ ngày triển khai kế hoạch kiểm tra.

TPHCM tăng tốc xây nhà ở cho công nhân ảnh 2

TPHCM đang triển khai nhiều cách làm khác nhau để xây nhà ở xã hội cho công nhân. Ảnh: H.C.

Sau khi có dữ liệu khảo sát từ UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức, Sở Xây dựng phải báo cáo kết quả cho UBND TPHCM xem xét chỉ đạo. Công an TPHCM có trách nhiệm hỗ trợ, cung cấp thông tin liên quan đến tình hình quản lý nhà trọ, nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn, phục vụ công tác kiểm tra.

Hỗ trợ doanh nghiệp tự xây

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nói rằng, thời gian trả góp mua nhà ở xã hội đã được nâng lên 25 năm, số tiền trả hàng tháng cũng nhỏ hơn so với quy định 10-15 năm như trước đây. Tuy nhiên để mua được nhà, người lao động phải có khoản tiết kiệm 200-300 triệu đồng. Với mức thu nhập mỗi tháng chỉ 8-10 triệu đồng và mặt bằng giá hiện tại, phần lớn công nhân chỉ có thể bảo đảm cuộc sống tối thiểu ở TPHCM chứ khó tích lũy.

Do đó ông Ngân đề xuất, nhà nước cần dành một phần của nguồn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng tập trung cho khu vực tư, tức hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, xây dựng các khu ký túc xá, khu lưu trú đảm bảo an toàn cho người lao động, giữ họ ở lại với TPHCM.

TPHCM tăng tốc xây nhà ở cho công nhân ảnh 3

Công nhân phải an cư thì mới yên tâm sản xuất.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, Nghị định số 49 do Chính phủ ban hành đã có sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó, quy định những dự án không phải dành 20% quỹ đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội, gồm các dự án dưới 2ha (đối với đô thị đặc biệt và đô thị loại 1), hoặc dưới 5ha (đối với đô thị loại 2, loại 3) và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai. Các dự án nhà ở thương mại từ 2ha trở lên (đối với đô thị đặc biệt và đô thị loại 1), từ 5ha trở lên (đối với đô thị loại 2, loại 3) vẫn phải dành 20% quỹ đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội.

“Điều này là không công bằng và không phù hợp với Luật Nhà ở 2014. Đó là cho phép các dự án quy mô 2ha trở lên phải làm nhà ở xã hội trong dự án, dự án dưới 2ha không phải thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội nhưng phải đóng tiền sử dụng đất cho toàn bộ 2ha. Điều này là bất cập. Vì tại TPHCM, có những dự án quy mô tới hàng chục hecta, hàng trăm hecta nhưng trong dự án lại không có nhà ở xã hội. Điều này không công bằng, áp dụng pháp luật phải bình đẳng”, ông Châu nói.

Đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng

Bộ Xây dựng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, có 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, 50.000 tỷ đồng còn lại để cho các đối tượng vay ưu đãi. Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, ngân hàng thương mại có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình, với lãi suất ưu đãi bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường, nhưng không vượt quá 6%/năm trong 5-15 năm.

MỚI - NÓNG