Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết giết sâu bọ, diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch hằng năm. Năm nay, Tết Đoan Ngọ rơi vào thứ Năm ngày 22/6 Dương lịch.
Theo truyền thống, vào ngày này, người Việt thường tự làm hoặc sắm mâm cỗ cúng để dâng lên tổ tiên, thể hiện lòng thành, cầu một năm mùa màng bội thu không bị sâu bệnh phá hoại cũng như cầu mong sức khỏe cho cả gia đình.
Mỗi dịp Tết Đoan Ngọ sắp đến, trên "chợ mạng" lại bùng lên dịch vụ làm mâm cỗ cúng theo yêu cầu, hoặc đặt theo mẫu sẵn có. Những mâm cỗ được chào bán có hình thức siêu đẹp, đầy đủ được các bà nội trợ săn đón và tới tấp đặt hàng.
Hiện nay, một mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ trên thị trường đang được rao bán với giá dao động khoảng 200.000-600.000 đồng, tùy thuộc vào kích thước và món mà người tiêu dùng lựa chọn. Thường những mâm cỗ cúng được trang trí bằng những món hoa quả bánh trái đơn giản, nhưng qua bàn tay và sự phối hợp khéo léo của người làm, mâm cỗ cúng như được khoác bộ áo mới lộng lẫy.
Ở Hà Nội, nhu cầu đặt mâm cỗ cúng năm nay tăng cao do người dân bận đi làm, không thể tự tay chuẩn bị. Chị Nguyễn Trang, chủ một shop hoa quả online cho biết năm nay các bà nội trợ đã đặt mâm cỗ cúng từ rất sớm.
"Năm nay, người tiêu dùng đã đặt hàng từ sớm, có những khách quen còn đặt trước cả khi tôi đăng bài bán trên mạng xã hội vì sợ đặt muộn lại phải chờ đến lượt như mọi năm thì rất lâu, đơn đặt trước được chúng tôi ưu tiên làm trước và giao sớm trong ngày lễ. Nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao, những mâm cỗ hiện nay không chỉ cần ngon mà còn phải đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ và đặc biệt là phải hợp thời. Mặc dù giá cho một mâm cỗ hoàn chỉnh cũng không phải rẻ, năm nào nhà tôi cũng quá tải đơn đặt hàng. Một mình xoay xở không hết nên tôi phải huy động nhiều người hỗ trợ".
Mâm cỗ trông có vẻ đơn giản nhưng khi làm lại mất thời gian, từ khâu chọn nguyên liệu, lên ý tưởng đến khi làm đều cần sự tỉ mỉ, sáng tạo và tập trung cao độ của người làm. "Có những mâm cỗ đã gần hoàn thiện rồi khách lại đổi ý muốn sửa chỗ này một chút, chỗ kia một chút chúng tôi cũng phải chiều theo ý họ, như thế mới giữ khách được."
Giá mỗi mâm cỗ dao động từ 200.000 đến 600.000 đồng |
Hiện cửa hàng nhà chị Trang có nhiều mâm cỗ để mọi người lựa chọn, có 3 mức giá là 199.000 đồng, 399.000 đồng và 599.000 đồng/mâm.
Đối với mâm 199.000 đồng sẽ có các món: 2 bát cơm rượu (nếp cẩm và nếp cái hoa vàng), 3 bông sen quan âm, 5 cái bánh gio Bắc Cạn, 3 lá trầu và 1 quả cau, mẹt tròn đựng đồ
Mâm 399.000 đồng có 1 mẹt chữ nhật, 2 hũ cơm rượu (nếp cẩm và nếp cái hoa vàng), mận hậu, vải thiều Thanh Hà, đào Sa Pa, 3 bánh gio Bắc Cạn, 3 lá trầu 1 quả cau tạo hình, hoa cau, hoa sen quan âm, cúc vàng, mẫu đơn, xôi cốm dừa hạt sen, giỏ tre đựng quả
Với mâm 599.000 đồng sẽ có 1 mẹt chữ nhật 40 cm , 2 hũ sành cơm rượu (nếp cẩm và nếp cái hoa vàng), mận hậu, vải thiều Thanh Hà, đào Sa Pa, nho xanh, măng cụt, giỏ tre đựng ngũ quả, 5 bánh gio Bắc Cạn, 6 lá trầu 3 quả cau tạo hình, hoa cau, 3 sen quan âm, cúc vàng, mẫu đơn, xôi cốm dừa hạt sen, 5 bánh xu xê nhân cốm dừa, 3 bánh cốm.
Những mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ được trang trí bắt mắt. |
Chị Trang cho biết từ hôm đăng bài bán đến bây giờ, trung bình mỗi ngày chị nhận khoảng 20 đơn, khách chủ yếu đặt đơn 399.000 đồng và mâm 599.000 đồng, còn mâm 199.000 đồng thì ít người đặt. Theo chị, nếu tính đến sát ngày Tết Đoan Ngọ, chị có thể nhận được 130 đơn hàng.
Công việc bận rộn khiến những bà nội trợ không có thời gian để chuẩn bị những mâm cỗ đẹp mắt chính là cơ hội cho những "nhà kinh doanh" biết cách tận dụng.
"So với việc tự mua sắm thì mua những mâm cỗ cúng sẵn có đắt hơn một chút nhưng nó đem lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, và hơn nữa chúng tôi còn nhận được một sản phẩm bắt mắt. Để chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ năm nay, tôi đã đặt 2 mâm cỗ, một mâm cho nhà nội, một mâm tôi đem về nhà ngoại" - chị Khánh Ly (Cầu Giấy) chia sẻ.
Tùy theo từng vùng miền và điều kiện gia đình mà mỗi bà nội trợ sẽ có cho mình sự lựa chọn riêng cho mâm lễ cũng Tết Đoan Ngọ nhưng có những món không thể thiếu trong mâm cỗ chính là cơm rượu và trái cây.