Có gì đặc biệt trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người dân Huế?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ bao đời nay, dân Việt Nam vẫn duy trì tục ăn Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, tùy theo từng vùng miền, như ở Cố đô Huế, người dân có cách soạn cỗ cúng với những món ăn không giống với nhiều nơi khác.

Đáng chú ý, trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người dân xứ Huế luôn có những món không bao giờ thiếu đó là thịt vịt, chè kê và bánh tráng (đa) nướng.

Theo quan niệm dân gian ở Huế, mùng 5/5 âm lịch là ngày khí trời nóng nực, nhiệt độ cao, nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt - hàn giữa trời và người. Mặt khác, sau khi vừa kết thúc một vụ thu hoạch lúa, từ mùng 5/5 trở đi, vịt nuôi bắt đầu vào mùa, thịt béo hơn, ngon hơn. Chính vì vậy, món ăn từ thịt vịt luôn được nhiều người lựa chọn trong dịp Tết Đoan Ngọ.

Có gì đặc biệt trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người dân Huế? ảnh 1

Trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người Huế luôn có món thịt vịt

Vào ngày này, dù gia đình khá giả hay nhà nghèo khó, người dân đều ra chợ từ sớm để lựa chọn những con vịt to, béo chuẩn bị cho mâm cỗ Tết.

Thường thì người dân sẽ làm món thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng ăn kèm rau sống, chuối xanh, trái vả. Tuy nhiên, ngày nay, người Huế còn tạo ra nhiều món ăn ngon và hấp dẫn từ vịt. Đó là món cháo vịt, bún vịt xáo măng, vịt quay, vịt tiềm (tầng) thuốc bắc, gỏi vịt, vịt nấu chao…

Có gì đặc biệt trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người dân Huế? ảnh 2
Có gì đặc biệt trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người dân Huế? ảnh 3

Chè kê dùng kèm với bánh tráng nướng là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người dân Huế

Chè kê cũng là món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ tại Huế. Những hạt kê mua về sau khi xát sạch vỏ được ngâm với nước, tiếp đó đun sôi đến khi nở mềm, tạo thành thứ cháo sền sệt. Người nội trợ cho thêm đường và nước gừng trộn đều để tạo thành nồi chè kê thơm phức với màu vàng óng bắt mắt.

Dù nguyên liệu hạt kê không khó tìm tại Huế, nhưng món chè kê chỉ thường được chế biến mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. Ngày thường, dân Huế không có thói quen ăn chè kê, mà hay dùng những loại chè khác như chè đậu xanh, chè trái cây, chè đậu ngự, đậu ván, đậu đỏ, chè bột lọc, chè khoai môn…

Có gì đặc biệt trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người dân Huế? ảnh 4
Có gì đặc biệt trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người dân Huế? ảnh 5
Có gì đặc biệt trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người dân Huế? ảnh 6

Bày soạn cỗ bàn với thịt vịt, chè kê dâng cúng tổ tiên ông bà trong ngày Tết Đoan Ngọ tại Huế

Người Huế khi ăn chè kê thường dùng kèm với món bánh tráng mè nướng giòn. Bánh tráng tách thành miếng nhỏ dùng thay thìa để xúc chè. Khi ăn, vị giòn của bánh tráng nướng hòa với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của hạt kê chín nhừ, vị thơm cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món chè trở nên hấp dẫn, lạ miệng.

Ngoài những món không thể thiếu kể trên, ngày nay, mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người Huế còn có thêm các món thịt heo quay, thịt heo luộc, gà hấp, gà quay, chả lụa, bánh ướt, bún…

Không rõ bắt đầu từ thời điểm nào, Tết Đoan Ngọ tại Huế còn được gọi là “Tết sui gia”. Vào ngày này, gia đình có người con trai sắp cưới vợ thường sắm lễ vật gồm nếp, đậu xanh, một cặp vịt béo đến biếu (đi Tết) nhà gái… Thường thì nhà gái chỉ nhận một nửa, phần còn lại sẽ biếu cho nhà trai để thể hiện sự chia ngọt sẻ bùi, kết nối tình thâm giao thắm thiết giữa hai nhà. Đây cũng là dịp để chàng rể ra mắt gia đình vợ.

Có gì đặc biệt trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người dân Huế? ảnh 7
Có gì đặc biệt trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người dân Huế? ảnh 8
Có gì đặc biệt trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ của người dân Huế? ảnh 9

Món vịt tiềm nấu thuốc bắc trong mâm cỗ Tết Mùng Năm tại Huế

Thêm một điều đặc biệt trong ngày Tết Đoan Ngọ của người dân Huế, vào giờ chính Ngọ (12 giờ trưa), nhiều gia đình còn có tục đi hái lá mùng 5. Họ hái những loại lá quen dùng thường ngày, mỗi thứ một ít mang về rửa sạch phơi khô để dùng làm thuốc, hay đun làm nước uống.

Người Huế tin rằng, lá mùng Năm sẽ chữa được “bách bệnh". Theo quan niệm người xưa, bất kỳ loại lá nào được hái đúng vào giờ Ngọ mùng 5/5 đều là thuốc cả. Bởi lẽ, đó là thời điểm có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ này có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, âm hư.

Tết Đoan Ngọ (Tết Mùng Năm) còn được gọi là Tết Đoan Dương. Tại Việt Nam, ngày này còn được dân gian gọi là bằng cái tên dân dã hơn là “Tết diệt sâu bọ”. Đây là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng… Đây còn là dịp mà mọi người thường quây quần bên nhau, nấu những món ăn ngon cho cả gia đình cùng thưởng thức.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.