Nhà máy gây ô nhiễm ở Ðồng Nai: Dân bị lừa ký đơn tham vấn cộng đồng?

Bể xử lý nước thải của Nhà máy AB Mauri nơi vừa xảy ra sự cố phát tán mùi hôi gây ô nhiễm môi trường
Bể xử lý nước thải của Nhà máy AB Mauri nơi vừa xảy ra sự cố phát tán mùi hôi gây ô nhiễm môi trường
TP - Công ty AB Mauri Việt Nam (xã La Ngà, huyện Ðịnh Quán, Ðồng Nai), từng bị UBND tỉnh Ðồng Nai đình chỉ hoạt động 3 tháng vào năm 2011 vì vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Sau khi khắc phục xong tình trạng gây ô nhiễm môi trường, công ty này được sản xuất trở lại, nhưng vẫn trong diện “giám sát điểm nóng”. Mới đây công ty này được nâng công suất sản xuất nhưng lại tiếp tục xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường.

Vừa tăng công suất, lại gây ô nhiễm

Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam (Công ty AB Mauri) chuyên sản xuất men vi sinh có 2 nhà máy - một dùng để sản xuất men và phụ gia, nhà máy  còn lại để xử lý nước trước khi thải ra lòng hồ Trị An (650m3/ngày/đêm). Trong quá trình hoạt động, công ty này đã gây ô nhiễm suốt nhiều năm do mùi hôi phát tán, biến cả khu dân cư quanh nhà máy thành “xóm thối”, buộc người dân phải chặn nguồn thải từ nhà máy suốt hơn 20 ngày đêm vào năm 2011.

Ít nhất 2 lần, công ty này đã bị UBND tỉnh Đồng Nai buộc phải phải đóng cửa để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm (năm 2009 và 2011). Bà Nguyễn Thị Tình (61 tuổi, ngụ ấp 4, xã La Ngà) cho biết, Công ty AB Mauri bị dừng hoạt động để khắc phục sự cố và đến năm 2012 mới cho sản xuất trở lại. Khoảng 6 năm sau đó (2012-2017), dân thấy dễ chịu hơn khi mùi hôi thối bớt đi nhiều.

Tuy nhiên, khoảng từ tháng 6/2018, mùi hôi thối bắt đầu lại xuất hiện, dân tiếp tục kéo đến UBND xã La Ngà yêu cầu lập biên bản, đã có 5 biên bản được lập từ đó cho đến nay. Đỉnh điểm đến tháng tư vừa rồi, mùi hôi thối quá sức chịu đựng của người dân và đêm 17 và 18/4, người dân kéo đến UBND xã La Ngà thì nhận được thông tin tại Công ty AB Mauri xảy ra sự cố môi trường dẫn đến mùi hôi phát tán ra bên ngoài và cơ quan chức năng cũng đã cho dừng hoạt động để khắc phục sự cố.

Trả lời với báo chí, phía Công ty AB Mauri cho hay, sự cố xảy ra mùi hôi vào ngày 17/4 được cho là lỗi vận hành của công nhân không đúng kỹ thuật, không liên quan đến dây chuyền sản xuất cũng như hệ thống xử lý nước thải. Sau đó, công ty tạm ngưng sản xuất để khắc phục sự cố, đến ngày 7/5, công ty này được phép hoạt động trở lại với công suất bằng 1/3 trước đây. Bà Phạm Mỹ Linh, đại diện Công ty AB Mauri Việt Nam thừa nhận UBND xã La Ngà lập 5 biên bản ghi nhận tình trạng phát tán mùi hôi nhưng có 4 lần không xác định được nguyên nhân.

Bà Linh chỉ thừa nhận: “Vào ngày 18/4, trong quá trình hoạt động sản xuất, công ty đã phát hiện hệ thống xử lý nước thải xảy ra vấn đề kỹ thuật. Cụ thể, hệ thống cân bằng COD bị lỗi dẫn đến phát tán mùi hôi ra môi trường. Công ty cũng đã dừng hoạt động, cô lập bể chứa dòng nước thải có hàm lượng COD, nạo vét bùn thải đưa đi xử lý. Đến ngày 7/5, công ty mới sản xuất trở lại”. Theo bà Linh thì sự cố vừa qua không liên quan đến hạ tầng kỹ thuật của nhà máy, khi nhà máy vừa được UBND tỉnh Đồng Nai cho phép nâng công suất sản xuất từ 5.000 tấn lên 6.000 tấn/năm.

Ông Ngô Hồng Phúc, Trưởng Phòng TN-MT huyện Định Quán cho biết, sau khi xảy ra sự cố, phòng môi trường đã phối hợp với Sở TN-MT đến hiện trường lập biên bản và đề nghị Công ty AB Mauri dừng hoạt động để khắc phục sự cố. “Về thẩm quyền xử phạt sự cố trên (nếu có) thì thuộc Sở TN-MT”, ông Phúc cho hay. Trong khi đó, ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN-MT Đồng Nai cho biết, Phòng TN- MT huyện Định Quán đã báo cáo sự cố về môi trường tại Cty AB - Mauri, hiện ngành chức năng đang giám sát chặt chẽ Công ty AB Mauri sau khi để xảy ra sự cố môi trường vừa nêu trên. Nếu có vấn đề mới phát sinh, thì ngành chức năng sẽ tiếp tục xử lý.

Bất ngờ với biên bản tham vấn cộng đồng

Ngày 14/1/2019, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định cho phép Công ty AB Mauri tăng công suất từ 5.000 tấn lên 6.000 tấn/năm. Để được điều kiện này, tỉnh Đồng Nai yêu cầu địa phương (UBND xã La Ngà) phải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Sau đó, UBND xã La Ngà báo cáo đã tổ chức tham vấn 34 người dân trong việc cho nhà máy nâng công suất. Tuy nhiên, mới đây người dân “tố” đã bị Cty AB Mauri lừa ký vào đơn tham vấn cộng đồng.

Chúng tôi chỉ được dẫn tham quan nhà máy, giới thiệu công nghệ xử lý của nhà máy chứ không có cuộc họp tham vấn nào về việc đồng thuận cho nhà máy nâng công suất sản xuất”.        

Ông Lê Minh, Chủ tịch MTTQ xã La Ngà

Ông Nguyễn Xuân Tân, Bí thư ấp 4 (xã La Ngà) và ông Trần Ngọc Thắng, Trưởng ấp 4 xã La Ngà cho hay, sau khi xảy ra sự cố mùi hôi phát tán từ Cty AB Mauri, các ông đã gặp UBND xã La Ngà thì mới biết Cty AB Mauri đã được nâng công suất sản xuất. Ông Tân nói: “Khi tôi thắc mắc thì Chủ tịch UBND xã La Ngà đưa ra biên bản nói 34 người dân đã ký đồng thuận”. Xem lại biên bản tham vấn cộng đồng do Cty AB Mauri lập ngày 30/11/2017, ông Tân, ông Thắng khẳng định, ngày hôm đó cả 2 ông và 32 người dân ở xã La Ngà nhận giấy mời tham quan nhà máy chứ không bàn gì đến việc đồng thuận cho nhà máy nâng công suất. Ông Tân nói: “Trước khi vào nhà máy tất cả người dân đi qua cổng bảo vệ đều phải ký vào một bản danh sách. Bảo vệ công ty này chỉ nói vì lý do an ninh nên ra vào nhà máy phải ghi, ký tên. Chúng tôi chỉ được dẫn tham quan nhà máy, giới thiệu công nghệ xử lý của nhà máy chứ không có cuộc họp tham vấn nào về việc đồng thuận cho nhà máy nâng công suất sản xuất”. Ông Lê Minh, Chủ tịch MTTQ xã La Ngà có mặt trong đoàn 34 người dân vào nhà máy cũng xác nhận 34 người đều ký tên vào danh sách trước khi vào nhà máy.

Trao đổi về những điểm bất thường này, ông Ngô Chơn Trí, Giám đốc điều hành Công ty AB Mauri vẫn khẳng định đơn vị làm theo đúng quy trình lấy ý kiến tham vấn người dân. Cuộc họp do UBND xã mời và tổ chức ở công ty. Ông Trí nói 34 người dân ký khi qua cổng nhà máy là xác nhận có tham dự tham vấn.

Phía Công ty AB Mauri cũng đưa ra biên bản họp tham vấn trong đó có 7 ý kiến. Tuy nhiên, nội dung chỉ là một số ý kiến đề nghị nhà máy sản xuất phải đảm bảo môi trường, đề nghị nhà máy sử dụng lao động ở địa phương. Thậm chí người không có tên trong danh sách 34 người dân vào nhà máy cũng có… ý kiến (!?). Nhiều người dân cho rằng, công ty này có dấu hiệu gian dối, lừa dân ký xác nhận tham dự buổi họp tham vấn cộng đồng dân cư, trong khi họ không được biết trước.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Bí thư ấp 4 (xã La Ngà), một lần nữa khẳng định: “Trong buổi tham quan không hề có nội dung tham vấn ý kiến người dân về dự án nâng công suất nhà máy lên 6.000 tấn/năm. Toàn bộ chữ ký của người dân khi vào cổng nhà máy được công ty đưa vào biên bản dự tham vấn, thủ tục bắt buộc để trình lên UBND tỉnh”. Khó hiểu hơn, ông Tân cho rằng, được mời đến công ty với tư cách người dân nhưng trong biên bản tham vấn này, ông lại được xếp vào danh sách đại diện UBND xã La Ngà.

MỚI - NÓNG