Thưa Bộ trưởng, thời gian qua tình trạng tin nhắn rác hoành hành gây bức xúc cho người dùng. Bộ TT-TT có biện pháp gì để xử lý tình trạng này?
Tin nhắn rác hoành hành thời gian qua gây bức xúc không ít cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức trong xã hội. Với nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, Bộ TT-TT đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 90 về chống thư rác và Nghị định 77 sửa đổi một số điều về chống thư rác cũng như ban hành Thông tư về quản lý thuê bao trả trước và Thông tư về quản lý cước thuê bao dịch vụ. Những quy định này nhằm buộc mọi người khi sử dụng điện thoại di động phải kê khai, đăng ký thông tin, hạn chế việc nhắn tin rác.
Một trong những nguồn xuất phát tin nhắn rác là từ sim rác, thuê bao ảo. Thông tư số 14 cũng hướng tới việc không biến sim điện thoại thành thẻ cào cũng như dẹp tình trạng mua sim thay vì mua thẻ cào. Những biện pháp trên đã và đang có hiệu quả nhất định.
Chúng ta thấy, việc tiếp cận một cái sim ở nước ngoài không dễ trong khi ở chúng ta rất dễ dàng. Trong sự dễ dàng này có sự chấp hành không nghiêm chỉnh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các đại lý bán sim cho doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp, với trách nhiệm của mình, kiểm tra các đại lý không thực hiện đúng quy định trong Thông tư 04 về kê khai danh tính người đăng ký.
Doanh nghiệp cũng phải thực hiện đúng theo tinh thần của Thông tư số 14. Cụ thể sim bán ra chỉ có số tiền bằng mệnh giá bán ra chứ không có khuyến mại trong đó. Không để biến sim thành thẻ cào.
Một nguồn phát tán tin nhắn rác nữa hiện nay là từ các CPs (doanh nghiệp dịch vụ nội dung số). Một số doanh nghiệp thời gian qua phát huy rất tốt các dịch vụ quảng cáo theo đúng quy định. Nhưng ngược lại, có doanh nghiệp để tối đa hóa lợi nhuận nên đã dung túng hoặc thực hiện gửi các tin nhắn rác.
Thậm chí có dấu hiệu kết nối của các nhà mạng cùng ăn chia lợi nhuận với các dịch vụ này. Đây là một nội dung Bộ TT-TT đang phải xem xét để quản lý sao cho thị trường viễn thông hoạt động lành mạnh cũng như quản lý dịch vụ nội dung số theo hướng tốt hơn.
Dù cơ quan quản lý đã có văn bản chỉ đạo nhưng tin nhắn rác vẫn hoành hành, vậy theo Bộ trưởng, trách nhiệm của các nhà mạng trong vấn đề này như thế nào?
Cũng phải nói, đây là do các nhà mạng quản lý không chặt chẽ các doanh nghiệp nội dung số mà họ đã cấp đầu số. Đang có dấu hiệu các nhà mạng bắt tay với doanh nghiệp nội dung số. Vì tin nhắn rác càng nhiều thì ăn chia giữa nhà mạng và doanh nghiệp nội dung số càng lợi.
Nếu phát hiện nhà mạng nào tiếp tay, bỏ qua kiểm soát tin nhắn rác sẽ bị xem xét để xử phạt theo quy định. Nhà mạng cũng phải chủ động ngăn chặn tin nhắn rác trước khi cơ quan quản lý phát hiện ra.
Quan trọng nhất là từ nay về sau, cơ quan quản lý nhà nước sẽ là nơi đứng ra cấp đầu số và cấp phép hoạt động cho các dịch vụ nội dung số. Vừa qua có sơ hở là các nhà mạng được cấp đầu số trong khi doanh nghiệp không có quyền quản lý hoạt động của doanh nghiệp khác. Thời gian tới Bộ Thông tin Truyền thông sẽ quản lý việc này.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho MobiFone nâng tầm lên thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Hiện công ty đang tiến hành sắp xếp nhân sự, tổ chức bộ máy theo mô hình mới.
Nhiệm vụ kế tiếp của Bộ sẽ là tìm kiếm nhà tư vấn cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp và tổ chức đấu thầu, sẽ triển khai song song, vừa tổ chức lại doanh nghiệp, vừa triển khai các nhiệm vụ của cổ phần hóa.
Bộ cũng sẽ xúc tiến để việc cổ phần hóa MobiFone hoàn tất trong thời gian dự kiến trước tháng 7/2016 (sau 20 tháng tính từ thời điểm Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa MobiFone được thành lập). Hiện Bộ đã có kế hoạch báo cáo Chính phủ về lộ trình này.