Bộ Thông tin sẽ “tấn công tổng lực” tin nhắn rác

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng. Ảnh. T.C.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng. Ảnh. T.C.
Bên lề Hội nghị triển khai kế hoạch 2015 của Bộ TT&TT ngày 25/12, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết Bộ sẽ tập trung giải quyết triệt để vấn nạn tin nhắn rác trong năm tới, mà Chỉ thị số 82 ban hành ngày 24/12 vừa qua là một trong những "đòn đánh" đầu tiên.

Theo Thứ trưởng, bước sang năm 2015, lĩnh vực viễn thông sau khi hình thành được thị trường, thúc đẩy được cạnh tranh, tạo lập một môi trường kinh doanh có hiệu quả thì trọng tâm mới là phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển một cách bền vững. Bền vững ở đây được thể hiện ở nhiều tiêu chí: Cơ sở hạ tầng mạng lưới phải bao phủ rộng, tốc độ cao, an toàn, chất lượng dịch vụ tăng lên, giá thành dịch vụ ngày càng giảm để phù hợp với thu nhập của người dân.

"Nhưng để thực sự bền vững thì chúng ta phải giải quyết được vấn đề Tin nhắn rác, bởi chỉ khi đó thì môi trường thông tin liên lạc mới được đảm bảo an toàn", Thứ trưởng chỉ rõ.

Trước Chỉ thị số 82, Bộ TT&TT cũng đã ban hành một số văn bản, thông tư liên quan đến vấn đề tin nhắn rác, tuy nhiên chúng được ban hành một cách riêng lẻ, rời rạc nên chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề. Chính vì thế, với Chỉ thị mới nhất, Bộ đã huy động tổng lực các đơn vị có liên quan, không chỉ nhà mạng và các CP mà còn có cả Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, VNCert, Thanh tra Bộ, từ các cơ quan trung ương đến các Sở TT&TT,  thậm chí là cả các mạng xã hội... để phối hợp, liên kết với nhau nhằm "trấn áp" toàn diện tin nhắn rác.

Trước đó, ngay tại Hội nghị, trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu đích danh vấn nạn tin nhắn rác để chỉ đạo Bộ TT&TT cần xử lý dứt điểm trong thời gian tới. Theo Phó Thủ tướng, việc quản lý tin nhắn rác hiện nay đang bị xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp di động với quyền lợi của cộng đồng. Tuy nhiên, Bộ TT&TT cần đứng ra rà soát lại trên tinh thần "đặt lợi ích của số đông, tức là người dân, lên trên", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Có thể thấy, vấn đề tin nhắn rác là nỗi bức xúc của rất nhiều các đại biểu tham dự Hội nghị. Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM phản ánh rằng tình trạng tin nhắn rác, quảng cáo qua tin nhắn đang gây bức xúc rất lớn trong dư luận. Nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân thậm chí đã đưa vấn đề này ra chất vấn tại các phiên họp HĐND Thành phố khiến cho Sở rất khó giải trình. Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng, ông Hỷ cũng cho rằng nguyên nhân chính của vấn nạn tin nhắn rác là do nhà mạng vẫn còn nhiều lợi ích, nhưng những lợi ích này lại chưa được thể hiện và xử lý trong các quyết định, văn bản chỉ đạo của Bộ về tin nhắn rác. Do đó, Sở kiến nghị Bộ cần sớm tổ chức đối thoại giữa các doanh nghiệp di động với các địa phương về vấn đề này để tìm ra được biện pháp quản lý hiệu quả nhất.

Trước các kiến nghị từ địa phương, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết theo chỉ thị số 82, trong năm 2015, Bộ sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp. Ngay từ đầu năm, Cục sẽ tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp và đại diện Sở theo như đề xuất của ông Lê Thái Hỷ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn Thông tin cũng thừa nhận rằng, lợi ích của nhà mạng đang mâu thuẫn với quyền lợi của người dân và vấn đề tin nhắn rác "liên quan đến nhà mạng là chính chứ vai trò của các nhà cung cấp nội dung (CP) không quá nhiều", bởi tin nhắn rác nếu được gửi đi từ đầu số dịch vụ thì sẽ bị phát hiện và xử lý ngay.

Ông Hải cho biết trước đây, Bộ TT&TT đã giao cho VNCERT triển khai một hệ thống kỹ thuật kết nối với tất cả các nhà mạng để chặn tin nhắn rác. Ông hy vọng rằng sau khi có hệ thống này thì việc phát tán tin nhắn rác sẽ bị siết chặt hơn đáng kể.

Theo Trọng Cầm

Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.