'Dội bom' tin nhắn rác chào bán nhà đất

Khách hàng gần đây bị "khủng bố" mỗi ngày cả chục tin nhắn quảng cáo, rao bán nhà đất. Ảnh: Ngọc Tuyên/ VnExpress
Khách hàng gần đây bị "khủng bố" mỗi ngày cả chục tin nhắn quảng cáo, rao bán nhà đất. Ảnh: Ngọc Tuyên/ VnExpress
Với những người sử dụng sim số đẹp thì tần suất nhận được tin nhắn quảng cáo bất động sản còn nhiều hơn. Dư luận cho rằng, bán hàng bằng cách "dội bom" tin nhắn rác khiến nhiều khách hàng cảm thấy khó chịu.

Mỗi ngày, anh Hưng (Tây Hồ, Hà Nội) nhận được cả chục tin nhắn mời mua nhà đất từ các sàn, nhân viên môi giới. "Hồi giữa năm, trung bình mỗi ngày tôi nhận được vài ba tin nhắn quảng cáo bất động sản. Tuy nhiên, khoảng một tháng trở lại đây thì số lượng tăng lên gấp 2-3 lần, không kể ngày đêm. Sau cơn ác mộng nhận tin nhắn lô đề, bói toán rồi nhân viên ngân hàng gọi điện mời mở thẻ thì nay đến tin quảng cáo bất động sản", anh nói. 

Ban đầu anh Hưng cài đặt thủ công trên điện thoại để chặn các số điện thoại đó nhưng không ăn thua. Sau đó anh làm theo hướng dẫn của nhà mạng nhưng tình hình cũng không cải thiện, vì mỗi số điện thoại các đơn vị thường chỉ dùng để nhắn tin một lần rồi bỏ. 

Với những người sử dụng sim số đẹp thì tần suất nhận được tin nhắn quảng cáo bất động sản còn nhiều hơn. Không ít lần, chị Huyền (Thanh Xuân) còn nhận được những tin nhắn kiểu làm như thân quen như: "Chị ơi em Cường đây, bên em đang có suất ngoại giao mua chung cư... Liên lạc với em theo số...". 

Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, nhân viên này cho biết không có suất ngoại giao mà thực chất chỉ là một chiêu quảng cáo để thu hút khách. Cũng theo anh Cường, mỗi nhân viên môi giới thường dùng nhiều sim rác (thường là sim điện thoại 11 số) để nhắn tin tới các khách hàng. Các số điện thoại này thường được anh sử dụng một lần rồi bỏ. Anh cũng cho biết, nhân viên môi giới không khó khăn để mua được danh sách, số điện thoại của khách hàng từ nhiều đầu mối rao bán trên thị trường. 

'Dội bom' tin nhắn rác chào bán nhà đất ảnh 1

Nhân viên này quảng cáo có suất ngoại giao nhưng trên thực tế đây chỉ là một chiêu hút khách. 

Theo chị Huyền, gần đây số tin nhắn quảng cáo các dự án biệt thự, căn hộ cao cấp như Gamuda, Thăng Long Number One... chiếm đa số với tần suất mỗi ngày 5-7 tin. Ngoài ra, một số dự án trước đây từng có tai tiếng do chậm tiến độ thì nay được các môi giới nhắn tin quảng cáo liên tục với tên gọi mới. Khách hàng tại Hà Nội còn nhận được tin nhắn quảng cáo cả bất động sản ở Quảng Ninh, TP HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam... 

 

Đại diện một doanh nghiệp đang có dự án bất động sản mở bán cho biết, cách thức bán hàng chủ yếu đều do đơn vị phân phối triển khai. "Trong các hợp đồng bán hàng ký kết giữa chủ đầu tư và đơn vị phân phối bao giờ cũng có điều khoản về việc đảm bảo tốc độ bán hàng. Do đó, không ít sàn, đơn vị môi giới áp dụng đủ mọi cách để có được doanh số tốt, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm khi nhu cầu mua nhà thường lớn nhất", vị này cho hay.  

Trong khi đó, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn bất động sản Maxland lại lý giải, chiêu thức bán hàng qua tin nhắn không phải do chủ trương của các đơn vị phân phối mà thực tế nhân viên môi giới của các sàn tự triển khai. 

"Việc các cá nhân bán hàng áp dụng hình thức quảng cáo, giới thiệu sản phẩm theo cách nào đôi khi lãnh đạo sàn cũng khó kiểm soát. Danh sách, cũng như số điện thoại của khách hàng cũng là của riêng nhân viên đó", ông Diễn cho hay.

Vị này cũng thừa nhận, bán hàng bằng cách "dội bom" tin nhắn rác có thể khiến nhiều khách hàng cảm thấy khó chịu. Các đơn vị phân phối cũng không khuyến khích nhân viên của mình áp dụng phương thức này. Tuy nhiên, ông Diễn thừa nhận, nhiều môi giới cảm thấy đây là một cách làm hiệu quả nên có thể vẫn áp dụng. 

Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, đến cuối tháng 11 đơn vị này đã phát hiện và xử phạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung về hành vi phát tán tin nhắn rác với tổng số tiền phạt là 1,375 tỷ đồng. Trong đó, riêng tháng 10, tổng số tiền xử phạt lên đến 1,185 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thừa nhận tin nhắn rác vẫn là vấn nạn khó giải quyết. 

Trong khi đó, theo đại diện các nhà mạng, tuy dùng rất nhiều biện pháp để ngăn chặn nhưng bản thân họ cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát các loại tin nhắn này. Bởi vì với các loại tin nhắn được phát tán từ thuê bao này tới thuê bao di động khác, doanh nghiệp viễn thông không thể kiểm tra được nội dung tin nhắn cá nhân của khách hàng. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG