Nhà khoa học trẻ từ những câu hỏi 'tại sao'

Vợ chồng TS Bạch Đức Hiệp trong phòng thí nghiệm tại Hàn Quốc.
Vợ chồng TS Bạch Đức Hiệp trong phòng thí nghiệm tại Hàn Quốc.
TP - “Tại sao” là từ khóa lặp đi lặp lại trong tâm trí chàng sinh viên trường Đại học Dược Hà Nội. Làm thế nào để giải đáp được những thắc mắc ấy, làm gì để mình trở thành một phần của đáp án đó. Và Bạch Đức Hiệp bắt đầu hành trình từ chàng sinh viên đến một nhà khoa học trẻ của Viện Nghiên cứu ung thư Texas (Hoa Kỳ) danh tiếng với khát khao khám phá bí ẩn “tại sao”…

Từ nỗ lực miệt mài

Ở một nơi rất xa quê hương, Hiệp thường bắt đầu ngày làm việc tại phòng thí nghiệm của nước bạn. Công việc của nhà khoa học tròn 28 tuổi là nghiên cứu về sinh học phân tử trên dòng tế bào ung thư. Chính công việc này đang mỗi ngày giúp Hiệp dần hoá giải được chuỗi câu hỏi “Tại sao tế bào ung thư có thể phát triển một cách mạnh mẽ và bất thường như vậy”.

Trong những lần trò chuyện, khí chất ngời ngời của chàng trai ấy toát ra từ ánh mắt say mê khi nói về công việc, từ nụ cười thật hiền và cái lắc đầu nhè nhẹ khi nhắc đến thành công. Ẩn sâu vẻ ngoài có vẻ như hiếu động, tinh nghịch là tâm thế của một chàng trai già trước tuổi, trăn trở và đam mê đến tột cùng với lý tưởng mà mình đã lựa chọn, dẫu phía trước là ngồn ngộn khó khăn.

Ngày nhận được học bổng toàn phần cho chương trình Tiến sĩ của Khoa Dược, Đại học Quốc gia Seoul, ngôi trường Top đầu của Hàn Quốc với Hiệp là điểm khởi đầu cho chuỗi thử thách và đam mê cháy bỏng được nghiên cứu, tìm tòi những bí mật đằng sau căn bệnh ung thư chết người. Thông thường mất 6 năm để hoàn thành chương trình liên thông Thạc sĩ - Tiến sĩ, nhưng chàng trai có đôi mắt một mí này đã nỗ lực miệt mài trong những ngày ở xứ sở Kim Chi để hoàn tất luận văn Tiến sĩ trong hơn 4 năm. Ngay trước khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, tin vui đến với Hiệp khi Hiệp được nhận vào làm việc hệ sau Tiến sĩ tại vài nơi ở Hoa Kỳ. Trong số đó có Viện nghiên cứu Ung thư MD Anderson, bang Texas, Hoa Kỳ, nơi mà ngày nhỏ trong mơ Hiệp cũng chưa từng nghĩ đến…

Hỏi thích gì nhất, tôi cứ ngỡ sẽ được nghe đến những điều xa xôi về một ngày nào đó trở thành người nổi tiếng trong lĩnh vực mà cậu nghiên cứu. Nhưng không. Câu trả lời của Hiệp nhẹ như gió thoảng mà chất chứa thật nhiều tâm tư: “Em thực sự đam mê với sinh học, nó rất hay và mang hướng mở. Hơn nữa, việc nghiên cứu ứng dụng sinh học trên bệnh nhân ung thư lại càng thôi thúc động lực đam mê của em hơn nữa. Em có thể làm việc với nó cả tuần, bất kể ngày nghỉ. Và em thực sự hạnh phúc với mảng nghiên cứu này”. Chính bởi thế, đồng nghiệp ở Hàn Quốc nhận thấy khi họ rời nhiệm sở, ánh đèn nơi Hiệp làm việc vẫn ánh lên thứ ánh sáng của đam mê và nỗ lực…

TS Bạch Đức Hiệp tập trung nghiên cứu cơ chế ức chế tế bào ung thư của các chất tự nhiên, xem khả năng ức chế của các chất tiềm năng, phân tích cơ chế tác dụng dược lý dưới cơ chế sinh học phân tử, với mong muốn khi trở về quê hương có thể nghiên cứu phát triển các thuốc nguồn gốc thiên nhiên tại Việt Nam có tiềm năng kháng ung thư.

Đến nhà khoa học trẻ mang tầm quốc tế

Trong hơn 4 năm học hệ tích hợp Thạc sĩ - Tiến sĩ ở trường Seoul (Hàn Quốc), Bạch Đức Hiệp đã có 8 bài báo khoa học (first author) được đăng tải trên các tạp chí uy tín về ung thư thế giới. Hiện giờ Hiệp còn vài bài báo khoa học khác đang trong quá trình phản biện mới. Chưa dừng ở đó, Hiệp là thành viên tích cực của dự án website Ruybangtim.vn - cung cấp phổ biến kiến thức ung thư nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng với vai trò như một người biên tập, biên dịch những bài báo phổ biến kiến thức. Hiệp đã sống hoàn toàn chìm đắm trong môi trường nghiên cứu khoa học ở một đất nước xa lạ bởi trong tâm trí của chàng trai trẻ này luôn nghĩ thật đơn giản: được làm điều mình thực sự đam mê dẫu phải đối mặt với điệp trùng khó khăn, thách thức, với những cung đường khoa học đầy mới lạ, bỡ ngỡ và bộn bề thách thức.

Nhà khoa học trẻ từ những câu hỏi 'tại sao' ảnh 1 TS Bạch Đức Hiệp (ngoài cùng bên trái) bên gia đình trong dịp về quê.

Hiệp cho tôi xem những bài báo mà mình dày công nghiên cứu ngày đêm. Trong giọng nói của Hiệp chất chứa sự hào hứng khiến một người ngoại đạo như tôi cảm thấy những vấn đề khoa học tưởng như khô khan ấy bỗng trở nên sinh động và dễ hiểu. Các bài báo mang tầng tầng, lớp lớp thông tin về cách tìm cơ chế trong sinh học phân tử ung thư. Nó sẽ cung cấp những cái nhìn rõ hơn về hướng cơ chế bệnh học và từ đó các nhà khoa học có thể thiết kế cách, hướng điều trị mới. Khi nói đến công việc nghiên cứu, không còn là chàng trai trẻ vui tính, hóm hỉnh mà thế vào đó là một nhà khoa học cẩn trọng, nghiêm túc tập trung vào việc tìm những dấu ấn sinh học ung thư đặc biệt trong việc chẩn đoán ung thư. Từng ngày trôi qua, những bí ẩn dần dần được gợi mở, Hiệp hy vọng mình có thể ứng dụng trong việc phát hiện ung thư giai đoạn sớm. Những góp nhặt và nỗ lực của ngày hôm nay Hiệp tỉ mẩn lưu giữ với mong mỏi trong giai đoạn học sau Tiến sĩ tại Mỹ mình sẽ có những công bố lớn hơn nữa, qua đó có những thông tin hữu ích cho mọi người về ung thư và cách điều trị.

Công trình mình nghiên cứu gần đây của TS Bạch Đức Hiệp liên quan tới vấn đề ung thư kháng thuốc. Hiệp phát hiện thấy một số dấu ấn sinh học đặc biệt liên quan tới kháng thuốc và công bố nó trên tạp chí của Molecular Therapy - Nucleic Acids (CELL Press Journal), một tạp chí uy tín trong lĩnh vực sinh học phân tử và top 10 thế giới trong lĩnh vực thuốc điều trị theo hệ thống đánh giá của Thomson Reuters (Web of Sience).

Hướng nghiên cứu của Hiệp tại Viện Nghiên cứu ung thư Texas tập trung vào RNAs không mã hóa. Đây là một hướng nghiên cứu rất mới và có ứng dụng thực tiễn cao trong chẩn đoán và điều trị ung thư, cũng như cơ chế kháng thuốc của tế bào ung thư với thuốc điều trị, đặc biệt là ung thư phổi. Hiệp tình cờ thấy “nó” rất hay trong giai đoạn cuối của quá trình nghiên cứu sinh. Với mỗi nghiên cứu và công bố thường mất một năm. Nhưng Hiệp đã lựa chọn cho mình một cách đi riêng- làm song song nhiều hướng khác nhau. Thành quả thu được chính là trong 2 năm gần đây Hiệp đã sở hữu vài công bố chính về mảng này.

Nhà khoa học trẻ từ những câu hỏi 'tại sao' ảnh 2 Hiệp và đồng nghiệp Mỹ.

Thành công từ sự yêu thương

Cũng như phần lớn sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội học, Hiệp là con của gia đình thuần nông ở vùng đất Hải Hậu (tỉnh Nam Định). Nhớ về tuổi thơ, tôi thấy trong đôi mắt biết cười ấy ăm ắp niềm vui và bao hàm cả sự biết ơn cha mẹ đã dồn tâm sức cho con cái được học hành đàng hoàng.

PGS.TS Phùng Thanh Hương, Phó trưởng bộ môn Hoá sinh, trường Đại học Dược Hà Nội vẫn giữ mãi ấn tượng về chàng trai này: “Con đường trở thành một người nghiên cứu về thuốc điều trị ung thư đầy chông gai và nhiều thách thức. Tuy nhiên, với đức tính kiên trì và ham học hỏi, cũng như lòng say mê khoa học, thêm vào đó là những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã tích lũy được từ ngày học đại học cho đến những năm ở Hàn Quốc, tôi tin là Hiệp sẽ đạt được những thành công xứng đáng. Không chỉ trong 5 năm là sinh viên trường Đại học Dược Hà Nội, ngay cả bây giờ, khi trở thành 1 nhà khoa học có uy tín, giỏi giang, xuất chúng mà tôi vẫn nói đùa với Hiệp là cô bây giờ có ngồi tên lửa cũng không đuổi kịp trò nữa rồi, nhưng Hiệp đối với các thầy cô giáo cũ vẫn luôn như một cậu học trò nhỏ, lễ phép, chu đáo, tình cảm”.

Giờ đây, những năm tháng nghiên cứu khoa học dài đằng đẵng phía trước, Hiệp không hề cô đơn bởi bên cạnh cậu còn có người vợ trẻ Lưu Thị Thu Trang, người cùng chung chí hướng, cùng gắn bó từ thuở ấu thơ nơi vùng quê nghèo hiếu học. Nỗi cô đơn bị đẩy lùi, thay vào đó thêm một ngọn lửa được thắp lên. Lửa tình yêu. Họ không chỉ dành cho nhau tình cảm nồng nàn mà còn mỗi ngày sẽ cùng nhau bước vào phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Ung thư Texas. Ở nơi đó, tình yêu sẽ là liều biệt dược khiến họ thấy rằng, đôi cánh khoa học sẽ dìu họ bay xa hơn. Hiệp đã tận tuỵ để tận hiến cho đời và đã được đền đáp...     

Chia sẻ về đồng nghiệp trẻ của mình, dược sĩ Phan Văn Hiệu, Giám đốc Cty Cổ phần Dược phẩm CVI không giấu được tự hào: “Điều tôi đặc biệt ấn tượng ở Hiệp là đam mê đến cháy bỏng với nghiên cứu khoa học gắn liền ước mơ phục vụ cộng đồng, ước mơ được trở về ứng dụng những thành tựu học tập để phát triển hướng nghiên cứu điều chế thuốc mới cũng như chẩn đoán và điều trị ung thư sớm của bạn ấy. Trong chuyến công tác tại Hàn Quốc, tôi có dịp gặp và trao đổi với GS. Sang Kook Lee, Giám đốc viện Nghiên cứu hợp chất thiên nhiên, trường Đại học Dược, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) và được nghe giáo sư chia sẻ, đánh giá rất cao các công trình nghiên cứu và năng lực khoa học cũng như niềm đam mê nghiên cứu khoa học của Hiệp. Và tôi không ngạc nhiên khi Hiệp trúng tuyển học bổng sau Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu ung thư MD Anderson danh tiếng của Mỹ”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.