Trong đoàn 5 thẩm phán được lập ra để đảm trách vụ kiện, mỗi bên được lựa chọn 2 thẩm phán, và chủ tịch của Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS) lựa chọn người thứ năm. Nhưng Trung Quốc từ chối tham gia quá trình trọng tài, để lại quyền chọn 2 trong 5 thẩm phán. Kết quả là chủ tịch ITLOS hồi năm 2013 là ông Shunji Yanai, người Nhật Bản, thay mặt Trung Quốc chọn thẩm phán theo đúng quy trình chuẩn.
Nhưng giới chức Trung Quốc cho rằng việc Nhật Bản cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông khiến người mang quốc tịch Nhật Bản không phù hợp đóng vai trò như vậy trong vụ kiện liên quan Trung Quốc và nước khác. Tuy nhiên, bản thân ông Yanai không phải thành viên trong đoàn thẩm phán đó.
Việc Trung Quốc phản đối quốc tịch của ông Yanai xuất hiện lần đầu năm 2013 và trở nên gay gắt hơn trong thời gian gần đây. “Xem xét tranh chấp trên biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc, theo luật, ông Shunji Yanai nên tránh (tham gia).
Nhưng ông ấy cố ý phớt lờ thực tế này và rõ ràng đã vi phạm những yêu cầu thủ tục tư pháp”, People’s Daily (Nhân Dân nhật báo) của Trung Quốc bình luận. Nhưng bài bình luận không chỉ ra việc ông Yanai chọn thẩm phán vi phạm luật nào. Bài bình luận cho rằng, các thẩm phán được lựa chọn là thiên vị và “cố tình phớt lờ quyền và lợi ích của Trung Quốc”.
Hôm 8/6, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia, ông Xie Feng, đăng một bài viết đăng trong mục op-ed (ý kiến riêng) trên nhật báo Indonesia Jakarta Post phiên bản tiếng Anh với nội dung nói rằng chủ tịch của Tòa “là người quốc tịch Nhật Bản” và 5 thẩm phán gồm 4 người châu Âu và 1 người Ghana “khó có thể coi là mang tính đại diện chung”.
Ông Wang Xining, Phó vụ trưởng Vụ Thông tin thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, xác nhận rằng, quan điểm của ông Xie phản ánh quan điểm của Bắc Kinh. Tạp chí Mỹ Foreign Policy dẫn lời ông Wang nói một cách mơ hồ rằng, “một ứng viên Nhật Bản có thể dễ dàng phá vỡ sự vô tư đối với các vấn đề trên biển và lãnh thổ”.
Nhấn mạnh vấn đề quốc tịch của ông Yanai là cách Bắc Kinh tiếp tục phủ nhận sự chính đáng của tòa trọng tài trong con mắt người dân Trung Quốc. Tư tưởng chống Nhật Bản ở Trung Quốc dấy lên những năm gần đây vì vấn đề sách giáo khoa lịch sử, những chuyến thăm của lãnh đạo Nhật Bản đến đền Chiến tranh và vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông.
Chủ nghĩa dân tộc trong dân Trung Quốc cũng nóng lên trên không gian mạng, một phần do sự kích thích của truyền thông nhà nước. Và tư tưởng chống Nhật Bản của dân Trung Quốc cũng lan sang cả vấn đề biển Đông. Tháng 3 năm nay, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khơi lại những hành động của Nhật Bản trong chiến tranh nhằm phản đối Nhật Bản hợp tác quân sự với Philippines.
Không phải lập luận nghiêm túc
Các nhà bình luận về biển Đông ở Mỹ đã bác bỏ lý lẽ cho rằng quốc tịch của ông Yanai ảnh hưởng đến việc lập ra tòa trọng tài. “Đó không phải lập luận nghiêm túc”, ông James Kraska, giáo sư ngành luật quốc tế đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Luật quốc tế Stockton và Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, nhận xét.
“Điều đó cũng chỉ có trọng lượng như việc ông Donald Trump nói về vị thẩm phán gốc Mexico”, ông Kraska nói. Đầu tháng này, ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump nói ra điều bị nhiều người cười chê rằng, một thẩm phán Mỹ gốc Mexico không đáng tin cậy để xử lý vô tư vụ việc liên quan đến ĐH Trump thua lỗ vì trước đó ông Trump đã bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ người nhập cư trái phép.
ITLOS đã xử 25 vụ tranh chấp kể từ khi cơ quan này thụ lý vụ kiện đầu tiên năm 1997, nhưng đây là lần đầu tiên vấn đề quốc tịch của thẩm phán bị sử dụng để nghi ngờ tính vô tư của tòa, GS Kraska cho biết. GS Kraska nói ông chưa thấy bằng chứng nào cho thấy thẩm phán thiên vị bên nào.
“Không ai trong số họ có bất kỳ thiên vị chính trị nào từ trước đến nay”, Foreign Policy dẫn lời ông Kraska. “Họ là những chuyên gia kỹ thuật luật pháp. Họ dành cả đời để đấu tranh cho pháp quyền. Không có mô hình có thể đoán trước cách họ ra quyết định. Họ cam kết và thực sự tin vào giá trị của luật quốc tế và luật biển”, GS Kraska nói.
Giới phân tích dự đoán, tòa trọng tài sẽ có phán quyết bất lợi cho Trung Quốc. Và việc lôi chuyện quốc tịch của ông Yanai ra là nỗ lực cuối cùng nhằm không công nhận quá trình tố tụng, ông Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Mỹ, nhận xét.
Bà Glaser cho biết, bà biết đến chiêu bài quốc tịch của Trung Quốc từ năm 2013, nhưng lý lẽ này mới rộ lên gần đây. “Trung Quốc đang cố gắng ở mọi góc độ có thể hòng phản đối tòa trọng tài. Trước tiên, họ phản đối quyền tài phán của tòa.
Sau đó, họ nói điều đó vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Họ lập luận rằng, Trung Quốc loại trừ việc phản đối tranh chấp nên họ không có nghĩa vụ tham gia. Nhưng không cách nào hiệu quả”, bà Glaser nhận xét. Bà nói lập luận gần đây nhất của Trung Quốc là “đáng ghét nhất”.