Trung Quốc nỗ lực muộn màng

Tàu sân bay USS John C.Stennis (trái) và USS Ronald Reagan. Ảnh: US Navy
Tàu sân bay USS John C.Stennis (trái) và USS Ronald Reagan. Ảnh: US Navy
TP - Những nỗ lực muộn màng của Trung Quốc nhằm tập hợp sự ủng hộ đối với quan điểm của họ về tranh chấp biển, đồng thời hạ thấp ý nghĩa và uy tín của phán quyết sắp tới của tòa trọng tài quốc tế cho thấy bản thân Trung Quốc cũng thiếu tự tin về những đòi hỏi chủ quyền của mình.

Trung Quốc đang tiếp tục những nỗ lực ngoại giao chưa từng có tiền lệ để tập hợp ủng hộ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong 3 tháng qua, hàng chục nhà ngoại giao đương nhiệm và nghỉ hưu của Trung Quốc trên khắp thế giới bận rộn với việc viết bài đăng báo và trả lời phỏng vấn báo chí trước khi tòa thường trực quốc tế đưa ra phán quyết với phần thua được dự đoán chắc chắn thuộc về Trung Quốc. 

Bắc Kinh nói rằng, khoảng 60 nước châu Á, châu Âu và châu Phi đã bày tỏ ít nhất ủng hộ một phần đối với quan điểm của Trung Quốc về giải quyết tranh chấp trên biển. Nhưng nhiều quốc gia như Slovenia, Fiji… nhanh chóng bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc và khẳng định họ không đứng về bên nào trong vấn đề biển Đông.

Các nhà phân tích cho rằng, nỗ lực cuối cùng của Bắc Kinh cho thấy vụ kiện mà Philippines trình lên tòa án có sức tác động lớn, và đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc bị đưa ra tòa án quốc tế vì tranh chấp biên giới từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949. “Từ quan điểm luật pháp, phán quyết của tòa sẽ đóng vai trò thay đổi cuộc chơi”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời GS Ling Bing, chuyên gia luật quốc tế tại ĐH Sydney, Úc.

Dù phán quyết của tòa khó thay đổi cân bằng quyền lực trong khu vực, giới phân tích cho rằng, hình ảnh và tên tuổi của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, còn những tham vọng trên biển của họ sẽ bị soi xét kỹ hơn. 

Nhiều nhà phân tích tại Bắc Kinh dẫn lời các nhà ngoại giao cấp cao cho biết, Bắc Kinh thừa nhận trong nội bộ rằng, họ không thể ra tòa quốc tế và thua vụ kiện vì chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng trong nước. Giới chuyên gia về luật và quan hệ quốc tế ở Trung Quốc cũng bàn cãi gay gắt kể từ khi Philippines đưa vụ việc ra tòa năm 2013. 

Nhiều người nghi ngờ cách ứng xử của chính quyền trung ương trong vấn đề tranh chấp. Họ cho rằng, chính trị dường như đóng vai trò quan trọng hơn luật pháp quốc tế. Họ cho rằng, Trung Quốc không nên tách mình khỏi quy trình tố tụng được cả thế giới chú ý này nhằm tránh một sự thất bại muối mặt, và việc từ chối tham gia vụ kiện cũng là sự từ chối quyền lựa chọn trọng tài.

“Nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của các nước khác đối với quan điểm của Trung Quốc, như cách Bắc Kinh đang làm hiện nay, sẽ chỉ khiến mọi người thắc mắc tại sao Trung Quốc nghĩ cần phải làm như vậy”, ông James Chieh Hsiung, giáo sư ngành chính trị tại ĐH New York (Mỹ), nhận định. 

Ông Xu Xiaobing, giáo sư luật tại ĐH Jiao Tong Thượng Hải, cho rằng, Bắc Kinh nên đưa ra bằng chứng để củng cố cho cái gọi là “đường 9 đoạn” càng sớm càng tốt. 

“Về lâu dài, Trung Quốc cần có lý lẽ thuyết phục và nhất quán trong đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông và trình những lý lẽ đó ra các tiến trình tư pháp quốc tế”, GS Ling nói. Học giả này cho rằng, đã đến lúc Trung Quốc xem luật quốc tế là vấn đề nghiêm túc, thay vì chỉ nói mồm.

Mỹ phô diễn sức mạnh ở khu vực

Nhằm phô diễn sức mạnh trước khi tòa trọng tài đưa ra phán quyết, Hải quân Mỹ vừa đưa hai tàu sân bay và nhiều tàu hộ tống đến tập trận trên vùng biển tây Thái Bình Dương.

Hai tàu sân bay John C. Stennis và Ronald Reagan song hành trên vùng biển Philippines khi thực hiện đợt tập trận chú trọng kỹ năng phòng thủ trên không và giám sát trên biển, với sự tham gia của 12.000 thủy thủ, 140 máy bay và 6 tàu chiến cỡ nhỏ hơn. 

“Chúng tôi phải tận dụng những cơ hội này để thực hành các kỹ năng chiến đấu trong chiến tranh, những kỹ năng cần thiết để thắng thế trong các chiến dịch hiện đại trên biển”, Reuters dẫn lời Chuẩn đô đốc Mỹ John Alexander. Đợt tập trận diễn ra trên vùng biển phía đông Philippines, gần với biển Đông.

Thông điệp của đợt tập trận này rất rõ ràng và thời gian diễn ra là có chủ đích, một quan chức Mỹ hiểu rõ quá trình lên kế hoạch tập trận cho biết. Tàu sân bay Stennis tập trận với hải quân Nhật Bản và Ấn Độ trên tây Thái Bình Dương và biển Đông trong tuần trước. 

Trong một bài phát biểu tại Singapore vào đầu tháng này, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nói rằng, đợt tập trận của cặp tàu sân bay này là một phần nỗ lực nhằm gia tăng cảnh giác trên Thái Bình Dương. 

“Mỹ sẽ sớm có hai tàu sân bay hoạt động cùng nhau trên Thái Bình Dương, đó là một tuyên bố mạnh mẽ về sự cam kết bền bỉ của Mỹ đối với an ninh khu vực”, ông McCain nói. Cũng trong tuần này, Mỹ cử 4 tàu tác chiến điện tử của Hải quân, thường gọi là Growler, và 120 quân nhân đến căn cứ không quân Clark ở Philippines.

MỚI - NÓNG